70 năm giải phóng Thủ đô

Nhẫn cưới cho con dâu

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị nhìn chiếc nhẫn cưới mỏng manh đeo trên tay mình và thầm nghĩ đến mẹ chồng. Đeo chiếc nhẫn, chị như hình dung được quãng đời khó nhọc của mẹ.

Ngày anh đi học nước ngoài về, mọi người trong làng đến hỏi thăm. Chị lúc ấy còn nhỏ, đang học cấp 2 - phổ thông cơ sở. Chị chỉ thập thò đầu ngõ của đứa em gái của anh. Sau đó, đứa bạn nài nỉ mời chị vào nhà chơi, chị mới vào. Khi vào nhà, chị được mời ăn kẹo nước ngoài, rồi đỏ mặt khi anh liếc nhìn chị.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bẵng một thời gian sau, anh ra TP lớn làm việc, chị thì tốt nghiệp cấp 3 và đậu đại học sư phạm. Chị về nghỉ hè thỉnh thoảng vào nhà đứa bạn chơi và lại gặp anh. Lúc này, anh hình như nhìn chị lâu hơn. Chị lại đỏ mặt, cố tình tránh ánh mắt của anh.

Anh với chị còn xa lạ với nhau. Ngược lại, chị và mẹ anh thì rất thân. Thậm chí, đứa bạn của chị còn nghen cả với chị vì mẹ nó có gì ngon cũng nhớ đến chị. Bà luôn nhắc: “Đây là phần của nó, đừng đứa nào đụng vào”. Phần ngon đó đôi khi đơn giản chỉ là cái bánh đúc. Mỗi lần nhà bà có việc gì, chị thường tới giúp. Mùa gặt về, chị giúp bà phơi rồi dọn lúa, rồi thỉnh thoảng sang nhà cho gà lợn ăn. Bà thường nhắc đứa bạn chị: “Nó vừa ngoan, vừa học giỏi. Mày thì nghịch mà còn lười học”.

Nhà nông, ai cũng vất vả. Mẹ của chị và mẹ của bạn đều đầu tắt mặt tối. Nhưng cả hai bà đều dành thời gian cho con cái học hành. Các bà thường nói: “Mọi chuyện đã có tao và bố mày lo. Chúng mày lo học hành sau này mà đổi đời”.

Mấy đứa hai gia đình đều chăm học nhưng chỉ có anh là học giỏi nhất. Chuyện anh đậu nước ngoài không lạ. Nhưng lạ ở chỗ, đi học nước ngoài về mà anh vẫn nghèo, trong khi đó nhiều người đi Tây về mà nào là xe máy, quần áo đắt tiền về, rồi xây nhà xây cửa. Lúc anh về nước chỉ có cái ba lô bộ đội lúc ra đi mang theo, thêm cái bao tải sách chữ nước ngoài thôi.
Ngày chị nghỉ hè gặp anh. Chị bỗng chột dạ khi thấy anh nhìn chị cười cười, nghĩ: “Không biết có chuyện gì đây”.

Đúng là “có chuyện”. Tối đó, chị sang nhà bạn chơi. Mẹ của bạn kêu chị ngồi xuống bàn uống nước rồi nói: “Anh con trai của bà thương con. Nếu con quý bà thì cho nó tìm hiểu, hẹn hò nhé”. Bà nói thêm: “Con trai bà có vẻ ngờ nghệch không biết làm kinh tế nhưng nó có chí lớn đấy. Làm vợ nó không khổ đâu”. Chị nghe bà nói nhưng không có cảm giác bị bất ngờ. Chị lờ mờ hình như chị biết chuyện này từ trước và cũng có cảm giác thích anh ấy. Chị nhìn bà rồi lặng lẽ gật đầu và ù té chạy về nhà…

Mấy năm sau, chị và anh làm đám cưới trong làng. Đám cưới giản dị tuy cũng có một vài người ở cơ quan anh trên thành phố về tham dự. Sau đám cưới, chị chuyển sang ở nhà mẹ chồng, vì chị xin được về dạy ở trường làng. Anh thì cuối tuần mới về nhà.

Một hôm, chị đang ngồi chơi với đứa con gái đầu lòng thì anh về. Anh vào nhà vui vẻ hơn thường lệ. Anh nói, anh vừa được một công ty lớn nước ngoài mời về làm, hợp cho môi trường nghiên cứu sản phẩm mới của anh, lương rất cao, có cơ hội tiếp tục tu nghiệp ở nước ngoài. Nói xong, anh mang một cái dây chuyền vàng rất đẹp tặng chị. Anh nói: “Hôm cưới, anh chỉ có một cái nhẫn đơn sơ để làm nhẫn cưới trao em. Lúc đó anh thấy em rơm rớm nước mắt có lẽ hơi tủi thân”.

Chị cười và nói với anh: “Không phải em rớm nước mắt vì nhẫn đơn giản đâu mà em biết đó là chiếc nhẫn gom góp tiền qua nhiều năm của mẹ dành cho vợ chồng mình, cho con dâu của mẹ”.

Lúc đó, chị không nói với anh là trước ngày cưới của vợ chồng chị, mẹ anh có khuôn mặt lo lắng. Chị hỏi đứa bạn thì mới biết, mẹ anh không đủ tiền để mua cặp nhẫn cưới đẹp cho anh chị, nên mới có vẻ mặt như vậy. Ngoài ra, bà còn phải lo tiền đãi hai họ, khách khứa. Chị tìm cách vào gặp bà và nói: “Mẹ ơi, nhẫn của mẹ cho là đáng quý rồi, không cần nhẫn thật đẹp đậu ạ”.
Chiếc nhẫn cưới của mẹ như mang cả một đời vất vả nuôi con ăn học của bà, “lẽ nào mình lại không vui, phải không anh?”, chị hỏi chồng.