Đa lợi ích
5 năm trước, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, hệ thống tưới bán tự động đã được Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đưa vào thí điểm. Mô hình nhanh chóng cho thấy hiệu quả tích cực thông qua việc tiết giảm nhân công. Bên cạnh đó, chất lượng rau màu của hợp tác xã cũng được nâng cao nhờ hạn chế được sâu bệnh hại.
Tương tự, Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cũng đang ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho hàng chục héc-ta diện tích rau màu. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Văn Minh cho biết, việc ứng dụng kỹ thuật tưới mới giúp cây trồng được cung cấp nước đầy đủ, cân đối; từ đó sinh trưởng, phát triển đồng đều.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, để triển khai kế hoạch tưới tiên tiến, tiết kiệm nước của Bộ NN&PTNT, UBND TP đã giao đơn vị thực hiện thiết kế mẫu, thí điểm việc ứng dụng tại một số địa phương. Tính đến nay, toàn TP đã xây dựng được hơn 128 mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.
Việc đưa kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào trong thực tiễn sản xuất đã giúp giảm lượng nước sử dụng so với các biện pháp tưới truyền thống; giảm công lao động; ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại và sâu bệnh hại. Không chỉ giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, công nghệ tưới hiện đại còn góp phần thay đổi dần tập quán canh tác của người nông dân. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và bảo đảm an toàn thực phẩm cung cấp đến tay người tiêu dùng Thủ đô.
Cần thêm cơ chế, chính sách
Để khuyến khích nhân rộng mô hình này, từ năm 2018, HĐND TP đã có Nghị quyết số 10/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó, hỗ trợ 100% lãi suất cho các tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Dù vậy, việc nhân rộng các mô hình đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là bởi cơ sở hạ tầng vùng sản xuất nhìn chung chưa đồng bộ. Việc cấp điện tại những vùng canh tác ven bãi sông, khu vực xa khu dân cư vẫn còn nhiều khó khăn. Song song với đó, việc tiếp cận nguồn lực tài chính của người dân vẫn còn những hạn chế nhất định.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Kim Lữ, điều kiện địa hình cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc ứng dụng kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước chưa thực sự phát triển. Đối với những khu vực trũng thấp, dễ bị ngập úng, việc lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là không dễ dàng và khả năng hư hỏng thiết bị cao…
Để nhân rộng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm, tổ chức lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tiến tới chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả, khu tưới có nguồn nước cấp thấp sang trồng các loại cây trồng cạn phù hợp, làm cơ sở để hoàn thiện hệ thống tưới. Bên cạnh đó, tiếp tục tạo điều kiện về vốn vay cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo Nghị quyết số 10/NQ-HĐND của HĐND TP.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm, phát triển hệ thống thủy lợi. Đồng thời, sớm hoàn thiện hướng dẫn cụ thể về việc thí điểm, nhân rộng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước hiệu quả, gắn với cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể về nguồn vốn dành cho các thành phần kinh tế.