Do vậy, mở rộng độ bao phủ BHYT với nhóm người nhiễm “H” là việc làm cấp thiết để tạo cơ hội điều trị bền vững cho những đối tượng này. Đây là nội dung chính tại cuộc họp cung cấp thông tin về công tác phòng, chống HIV/AIDS của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức sáng 9/11.
Tỷ lệ bao phủ tăngTrưởng phòng Truyền thông và Huy động cộng đồng (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) Đỗ Hữu Thủy cho biết, tính đến tháng 9/2017, 45/63 tỉnh, TP đã có tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị ARV đạt trên 80%, 23 tỉnh có tỷ lệ bao phủ trên 90%. “Trước kia, thuốc ARV được cấp phát miễn phí dưới sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, nhưng từ năm 2017 các nguồn tài trợ bị cắt giảm. Do vậy, về lâu dài, giải pháp sử dụng BHYT chi trả cho điều trị HIV là hiệu quả nhất” - ông Thủy nhấn mạnh.
Theo phân tích, chi phí thấp nhất cho việc điều trị HIV hiện nay khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người đối với bệnh nhân điều trị theo phác đồ 1. Nhưng đối với bệnh nhân kháng thuốc, phải điều trị phác đồ 2 thì chi phí điều trị tăng lên gấp 7 - 8 lần. Điều đáng nói, tỷ lệ kháng thuốc đang có xu hướng tăng lên, chiếm khoảng 4,5% bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị. Như vậy, nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để điều trị bằng thuốc ARV.
|
Tư vấn điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Hà Nội. Ảnh: Hà Ngân |
Tuy nhiên, ông Đỗ Hữu Thủy cho biết thêm, tại một số tỉnh, TP độ bao phủ BHYT cho đối tượng này cũng còn thấp do tâm lý sợ lộ thông tin của người bị bệnh. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS có tâm lý lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT. Đặc biệt, có một số bệnh nhân tuy có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi ra khám chữa bệnh, hoặc đến nơi không được hưởng BHYT để che giấu tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án.
Phấn đấu 100% người nhiễm tham gia BHYTPhó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh cho biết, để khuyến khích người nhiễm HIV tham gia BHYT, trước mắt cần hoàn thiện hệ thống thanh toán BHYT tại các cơ sở điều trị trên cả nước. Hiện nay, cả nước có 403 điểm điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV. Tuy nhiên, chỉ có 296 điểm điều trị thuộc các bệnh viện tỉnh, huyện là đủ điều kiện ký hợp đồng với cơ quan BHYT. Lý giải điều này, ông Cảnh cho biết, nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS trước đây thuộc hệ thống y tế dự phòng nên cán bộ y tế chưa có chứng chỉ hành nghề riêng về điều trị HIV. Vì thế, nếu các cơ sở này muốn được cấp giấy phép khám chữa bệnh thì các cán bộ ở đây phải được cấp chứng chỉ hành nghề sau khi đi học và thực hành tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, một số địa phương hiện còn hiểu chưa đúng về khám chữa bệnh BHYT cho người bệnh HIV/AIDS. “Đây là những vấn đề cần sớm khắc phục trong lộ trình thực hiện chi trả cho người nhiễm HIV bằng quỹ BHYT. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT và 80% thuốc ARV được quỹ BHYT thanh toán” – ông Cảnh chia sẻ.
Theo ông Cảnh, hiện nay, một số tỉnh, TP đã cân đối ngân sách của địa phương để mua BHYT cấp cho người nhiễm HIV. Đồng thời, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đang rà soát nhu cầu BHYT cho người nhiễm HIV của một số tỉnh khó khăn để dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế hỗ trợ trong thời gian đầu mới chuyển đổi nguồn lực. Riêng tại Hà Nội, Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa khẳng định, Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất về mặt thủ tục hành chính cho người nhiễm HIV mua thẻ BHYT. Những người nhiễm HIV không đủ điều kiện mua BHYT theo hộ gia đình có thể trực tiếp đến TTYT các quận, huyện hoặc TTYT dự phòng Hà Nội để báo cáo. Những trường hợp này sẽ được lập danh sách riêng để gửi BHXH Hà Nội xem xét và tạo điều kiện mua BHYT tự nguyện mà không nhất thiết phải mua theo hộ gia đình.