Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận trông nhóm trẻ trong thời gian nghỉ dịch: Vi phạm quy định

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo cho học sinh (HS) ở các cấp tạm dừng đến trường, gia đình có con ở độ tuổi nhà trẻ, mầm non rất khó khăn trong việc bố trí người trông con; đòi hỏi cha mẹ phải cân nhắc, sắp xếp hài hòa giữa công việc và con cái.

Loay hoay tìm cách trông, gửi con

Làm nhân viên bán hàng nên chị Nguyễn Mai Hoa (quận Ba Đình, Hà Nội) gửi con đi nhà trẻ từ lúc 16 tháng tuổi. Khi Hà Nội cho HS tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, không có ông bà ở cạnh nên chị Hoa quyết định xin nghỉ không lương để trông con. “Giờ tìm chỗ gửi con là không thể được, thuê hàng xóm hoặc một người lạ đến nhà trông con vào thời điểm này cũng không yên tâm nên tôi chọn phương án xin nghỉ không lương trông con để đảm bảo an toàn”.

Với chị Trần Thị Minh An (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thì may mắn hơn khi chị xin lãnh đạo công ty cho phép làm việc online, vừa xử lý số liệu, công việc trên máy tính vừa có thể trông con được. “Giai đoạn nghỉ dịch này chỉ có nhờ ông bà nội ngoại, họ hàng trông con hộ hoặc nhà nào có giúp việc thì sẵn người. Rất may nhờ giám đốc tạo điều kiện và thông cảm, cho linh động về hình thức làm việc nên tôi bớt lo người trông con”. Tuy nhiên với đa số các gia đình có con nhỏ khác, việc tìm được địa chỉ “trông con mùa dịch” là vô cùng nan giải!
 Từ 4/5, học sinh tại Hà Nội tạm dừng đến trường đến khi có thông báo mới.
Tuy nhiên, từ tối 3/5, trên nhiều diễn đàn, chủ để gom nhóm hay “tìm người trông trẻ” được trao đổi khá rôm rả. Đối tượng trao đổi ở đây là các mẹ - người có nhu cầu gửi con và các “cô giáo” - người nhận trông trẻ. “Tôi đi làm rất bận, không xin nghỉ được mà không có ai trông con, đành phải tìm người có kinh nghiệm trông giúp, trả phí theo ngày tầm 120.000 - 150.000 đồng/ngày. Tôi mới tìm được số điện thoại của một cô tự nhận là “giáo viên mầm non” trông theo nhóm khoảng 3 - 4 trẻ ở độ tuổi từ 2 - 6, sáng đưa đến nhà cô, chiều đón về. Tôi đã liên hệ nhưng vẫn hơi đắn đo, không biết có an toàn không?” - chị Ngô Loan, quận Thanh Xuân kể.

Liên hệ với một số điện thoại được trao đổi trên diễn đàn, “cô giáo” ở đầu dây bên kia nói: “Em là giáo viên mầm non, trường cho nghỉ dịch thì em cũng được nghỉ luôn. Nhà rộng rãi, có điều hòa nên em định nhận vài ba trẻ trông, vừa có thêm thu nhập lại làm được việc tốt cho người khác. Hiện tại em chưa trông cháu nào vì có nhiều mẹ gọi trao đổi nhưng toàn ở xa, chưa chốt được”.

Không được phép

Khi đặt câu hỏi: Thực hiện quy định phòng, chống dịch bệnh, tất cả các cơ sở, trường học đều cho trẻ ở nhà, việc nhận trông trẻ theo nhóm như vậy là vi phạm, mẹ và cô có biết không, thì cả hai đều lắc đầu nói “không biết”. Một bên cho rằng, mình không có người trông con, không nghỉ làm được nên mới phải gửi con; một bên nói mình được nghỉ nên nhận trông trẻ cũng là một hình thức giúp người.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: “Sở GD&ĐT Hà Nội đã có quy định tất cả các trường học, trong đó có cơ sở giáo dục mầm non công lập, tư thục hay nhóm trẻ đều phải nghỉ học để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Nếu tổ chức, cá nhân nào đứng ra nhận trông nhóm trẻ là không đúng quy định và sẽ phải chịu trách nhiệm với hành vi đó”.

Theo luật sư Trần Đăng Chung - Trưởng Văn phòng Luật sư Luật và Phát triển, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Những người tự ý nhận trông trẻ khi không được cấp phép phải đối mặt với mức phạt khá nặng. Tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 04/2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có quy định mức xử phạt từ 7 - 20 triệu đồng đối với hành vi thành lập cơ sở giáo dục (nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ) mà chưa được cấp phép.

“Phụ huynh cần chủ động có kế hoạch trông giữ con để đối phó với tình hình bệnh dịch bởi trên thực tế, khi gửi con ở những cơ sở tự phát không đáp ứng được cơ sở vật chất, trình độ giáo viên sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, hiện các trường đều tạm đóng cửa để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Việc nhận trông trẻ theo nhóm trong giai đoạn này là “vi phạm kép” và trách nhiệm thuộc về cả người nhận trông trẻ và người gửi trẻ” - luật sư Trần Đăng Chung cho biết.