Nhân viên tư vấn tâm lý học đường: Đừng để mình đơn độc

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Xác định tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý trong trường học, Bộ GD&ĐT đã banh hành thông tư quy định, mỗi trường học có một biên chế tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Với hàng nghìn học sinh, một nhân viên tư vấn tâm lý có xuể việc?

Khó đảm trách nếu có một mình

Mặc dù công tác tư vấn tâm lý cho học sinh các trường phổ thông được nhắc đến từ năm 2017 nhưng việc tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý học đường được triển khai ở số ít trường ngoài công lập. Còn tại các trường công lập, hoạt động này gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, nhân lực, quy trình vận hành. Không những vậy, công tác tư vấn tâm lý chỉ là phụ, ít hoạt động hoặc nội dung nghèo nàn; cán bộ tư vấn thường là kiêm nhiệm; không có kiến thức, không được đào tạo bài bản về tâm lý nên chưa đủ kỹ năng giải quyết khi gặp những tình huống bất ngờ, đột xuất; quá trình xử lý thông tin còn lúng túng…

Công tác tư vấn tâm lý cho học sinh các trường phổ thông được Bộ GD&ĐT rất quan tâm (Ảnh: Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Công tác tư vấn tâm lý cho học sinh các trường phổ thông được Bộ GD&ĐT rất quan tâm (Ảnh: Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Chỉ đến khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư “Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt” công lập thì mỗi trường học mới chính thức được bố trí một người vào vị trí việc làm tư vấn cho học sinh.

Các nhà quản lý, chuyên gia tâm lý cho rằng, rất mừng khi Bộ đã dành một biên chế tại mỗi trường công lập cho vị trí cán bộ tham vấn tâm lý học đường. Đó là sự cố gắng rất lớn của Bộ GD&ĐT trong bối cảnh giảm biên chế hàng năm như hiện nay.

Tuy nhiên, “tại mỗi nhà trường chỉ có một nhân viên tâm lý là không thể giải quyết hết các phần việc phải thực hiện thường xuyên cho hàng nghìn học sinh của cả trường”, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường liên cấp Marie Curie chia sẻ quan điểm.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang nêu thực tế tại Trường Marie Curie đã và đang thực hiện; đó là từ năm 2018, Hệ thống Marie Curie thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường tại cơ sở Mỹ Đình với 5 cán bộ. Các nhân viên tâm lý là cán bộ chuyên trách, được đào tạo sâu chuyên môn tâm lý, có phương pháp chuyên nghiệp và chỉ làm 1 việc tham vấn tâm lý, không kiêm nhiệm bất cứ việc gì khác.

Bộ phận tham vấn tâm lý được bố trí phòng làm việc riêng rộng 50m2, được cấp kinh phí hoạt động theo năm học. Năm 2022, nhà trường tiếp tục thành lập phòng tham vấn ở cơ sở mới Văn Phú với quy mô, cách thực vận hành tương tự.

Được biết, sau 5 năm hoạt động, phòng tham vấn tâm lý của nhà trường đã hỗ trợ hàng nghìn học sinh và phụ huynh với hàng vạn lượt tư vấn. Học sinh, phụ huynh thường chủ động tìm đến phòng tâm lý nên 1 phòng làm việc 50m2 là không đủ và các thầy cô thường xuyên phải mượn phòng chức năng bên cạnh như thư viện, phòng họp… để làm địa điểm tư vấn vì nguyên tắc làm tâm lý là bí mật thông tin; tư vấn 1-1. Phòng tâm lý là nơi học sinh, phụ huynh tìm đến chia sẻ và được nhân viên tư vấn, tháo gỡ.

Huy động các lực lượng vào cuộc

Là cán bộ phụ trách công tác tư vấn học đường tại Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Cầu Giấy), cô Nguyễn Mỹ Linh cho hay, với khoảng 2.000 học sinh của toàn trường mà chỉ có một nhân viên tâm lý thì thực sự không thể xuể hết việc được và theo cô Mỹ Linh, nhân viên tâm lý học được có thể “phụ trách một mình nhưng không làm một mình”.

Các lực lượng cùng tham gia tích cực vào công tác tư vấn tâm lý cho học sinh (Ảnh: Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Các lực lượng cùng tham gia tích cực vào công tác tư vấn tâm lý cho học sinh (Ảnh: Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Khi tiếp nhận công việc, tôi nhanh chóng kết nối các lực lượng giáo dục trong nhà trường như: Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, tổ chức Đoàn – Đội, giám thị, nhân viên…. để chia sẻ, phổ biến nội dung mình phụ trách, đề xuất các lực lượng cùng hỗ trợ trong việc quan sát, nhận biết biểu hiện bất thường của học sinh. Cùng với đó, tôi cũng chủ động thảo luận, xin ý kiến để tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng theo chủ đề giúp sàng lọc, đánh giá biểu hiện ban đầu của học sinh; từ đó tiếp tục kết nối, giải quyết….”.

Đồng tình cách làm trên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng khẳng định: “Có một biên chế tâm lý học đường là rất tốt nhưng nếu chỉ có một người thì không thể làm được hết các nội dung liên quan. Để làm được việc này cần 2 yếu tố: Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm”.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng có vai trò quyết định hiệu quả của công tác tâm lý học đường; hiệu trưởng muốn làm tốt thì phải tự học, tự tìm hiểu về công tác này. Nếu hiệu trưởng không “phá băng” trước tiên thì không bao giờ công tác tư vấn tâm lý trong trường học thành công.

Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm có vị trí rất quan trọng. Các nhà trường phải huấn luyện giáo viên chủ nhiệm thành những nhà tâm lý, nhà giáo dục thực sự. Đa số các vụ việc liên quan đến học sinh ở trường đều xảy ra trong lớp học. Nếu giáo viên chủ nhiệm nắm bắt được sự việc từ sớm và có phương pháp tư vấn đúng sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Khi đó, nhân viên tâm lý chỉ can thiệp những ca nặng; đồng thời huy động các nguồn lực ngoài nhà trường cùng tham gia.

TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT, Nhà sáng lập Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm khẳng định: “Nhân viên tâm lý học đường đừng để mình đơn độc vì làm một mình không thể xuể việc. Người phụ trách nội dung này cần đóng vai trò là chuyên gia, là “ngòi nổ” để kéo tất cả các lực lượng khác trong nhà trường cùng tham gia hỗ trợ. Khi học trò có tâm lý yên ổn thì việc học tập mới yên ổn và làm phụ huynh yên tâm. Chỉ khi mỗi giáo viên chủ nhiệm là một nhà tâm lý, một nhà giáo dục thì nhà trường mới ổn định, phát triển".