Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá vào sáng nay (1/7).
Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đưa ra 2 kịch bản điều hành giá, theo đó, kịch bản 1 thì CPI bình quân cả năm 2020 so với năm 2019 tăng khoảng 3,64%, kịch bản 2 CPI tăng khoảng 3,95%. Ngân hàng Nhà nước dự báo CPI cả năm 2020 trong khoảng 3,7±0,5%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI cả năm 2020 theo 2 kịch bản: Kịch bản 1 tăng từ 3,5-3,7% và kịch bản 2 tăng từ 3,8-4,1%.
Ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí cho rằng có khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4%. Một số chuyên gia kiến nghị, phải quản lý tốt khâu trung gian; xem xét vấn đề giá của bộ sách giáo khoa mới; phối hợp tốt chính sách tiền tệ và tài khóa; tiếp tục giữ ổn định tỉ giá…
Về việc giá bộ sách giáo khoa mới cao hơn bộ sách cũ mà một số ý kiến phản ánh, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nguyên nhân là thay đổi cơ chế biên soạn, phát hành. Trước đây, Nhà nước bao cấp một số nội dung trong công tác biên soạn, in ấn, kể cả phát hành, nay thực hiện xã hội hóa thì nhà xuất bản phải trả nhuận bút cho tác giả, khâu đọc thẩm định bản thảo, tập huấn. Biên soạn bộ sách theo chương trình giáo dục mới thì số lượng đầu sách tăng hơn. Sách được in màu, chất lượng tốt hơn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các nhà xuất bản tiết giảm chi phí sản xuất. Qua nhiều lần các nhà xuất bản kê khai giá với Bộ Tài chính thì giá các bộ sách giảm từ 8-18% so với giá bìa kê khai ban đầu. Với những đối tượng an sinh xã hội như đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, được cấp phát sách giáo khoa miễn phí.
Tuy nhiên, với quy định hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy có một số bất cập, vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu chỉnh sửa Thông tư 33 về quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa. Theo đó, sẽ tách ra “nội dung nào sẽ xã hội hóa, nội dung nào Nhà nước phải bảo trợ, ví dụ như khâu biên soạn sách giáo khoa”.
Cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, điều hành khá ăn ý, nhịp nhàng, chấp hành nghiêm những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sử dụng các biện pháp, công cụ liên quan, cả vi mô và vĩ mô. Như báo cáo của Bộ Tài chính, CPI bình quân giảm dần từ mức cao là 6,54% về mức 4,19% trong 6 tháng đầu năm. Từ đó, có thể nhận định khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu đề ra là khả thi.
Nêu ra một số bất cập cần tập trung khắc phục như vấn đề giá thịt lợn, sách giáo khoa, giá nước sạch, quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thủ tướng nhấn mạnh các yêu cầu điều hành giá 6 tháng cuối năm. Đó là cần tiếp tục kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sự ổn định và nền tảng thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển, sản xuất kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, của người dân vào công tác điều hành chung của Chính phủ, “không chỉ tập trung tháo gỡ để tăng trưởng mà còn lưu ý hơn nữa đến giá cả, lạm phát”.
Sức ép tăng giá, lạm phát vẫn còn lớn, đặc biệt là giá dầu thô, lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng, nhiều nước đã giảm giá đồng tiền. Trong bối cảnh ấy, chúng ta kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, Thủ tướng khẳng định “chúng ta sẽ rất linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nhất là thời điểm, mức độ can thiệp các công cụ chính sách để không ảnh hướng đến mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế”.
Kiểm soát lạm phát nhưng không thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. Chính sách kiểm soát giá phải góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh doanh, kích thích tăng trưởng.
Yêu cầu điều hành giá đặt ra là kết hợp đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các biện pháp vĩ mô, tài khóa, tiền tệ và các công cụ vi mô, điều hành các mặt hàng cụ thể, nhất là xăng dầu, thịt lợn, các mặt hàng thiết yếu như y tế, giáo dục, lương thực, thực phẩm.
Đối với các kịch bản điều hành giá, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp chủ trì với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản phù hợp với mục tiêu đề ra để chúng ta đạt được con số dưới 4%. Trong trường hợp thật cần thiết, có thể điều hành ở 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ, chính sách tài khóa, tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng, tất cả các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả, kiểm soát yếu tố tình hình giá, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng đầu cơ, nâng giá, gây biến động giá, độc quyền giá trái quy định, trong đó kiểm soát tốt đầu vào, chống đầu cơ nâng giá.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện thể chế và các quy định pháp luật về giá bảo đảm đúng, phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tiễn hiện nay, ví dụ như đề nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước kiểm soát giá.
Đối với điều hành giá một số mặt hàng cụ thể, trước hết là xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, lưu ý sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá để tránh biến động lớn về giá xăng dầu, đồng thời bảo đảm cân đối nguồn cung trong nước và nhập khẩu xăng dầu để dự trữ phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Kiểm soát chặt chẽ gian lận tại các đơn vị bán lẻ và buôn lậu xăng dầu.
Đối với mặt hàng điện, không tăng giá điện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính quyền cơ sở kiểm tra, xử lý ngay các bức xúc của người dân về các trường hợp chi phí tiền điện tăng đột biến, hoặc các thủ tục hành chính về cấp điện, thanh toán tiền điện.
Về mặt hàng nước sạch, Thủ tướng đã có chỉ đạo giảm giá nước sạch. Bộ Tài chính cần kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này để góp phần giảm chi phí sinh hoạt của người dân trong bối cảnh khó khăn. Giá dịch vụ viễn thông tiếp tục xem xét để giảm giá phù hợp.
Về mặt hàng thịt lợn, Thủ tướng đánh giá cao, nhất trí với các biện pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra gồm tái đàn, tăng đàn, nhập lợn sống, xử lý vấn đề giống lợn để bảo đảm tái đàn, quản lý tốt hơn khâu trung gian, kiểm soát chi phí của từng khâu để tiếp tục giảm giá thịt lợn phù hợp.
Bộ Công Thương phải chỉ đạo làm tốt khâu lưu thông, phân phối, bán buôn, bán lẻ để góp phần bình ổn giá thịt lợn.
Về giá gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm sản xuất lúa gạo (khoảng 43,5 triệu tấn thóc năm 2020 và có thể chúng ta đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo). Bộ Tài chính thực hiện ngay việc thu mua dự trữ lúa gạo.
Về giá dịch vụ hàng không, vận tải, logistics, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, không để tăng giá mà phải giảm giá để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Về giá sách giáo khoa, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung mặt hàng này vào danh mục Nhà nước định giá. Đồng thời, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xem xét chính sách giảm giá hoặc cấp không thu tiền sách giáo khoa đối với học sinh, con hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, những người khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Về giá dịch vụ giáo dục, y tế, hiện nay đời sống và thu nhập của nhiều người lao động và gia đình bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch COVID-19. Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giá các dịch vụ này phù hợp, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin truyền thông, “phải nói dễ nghe, dễ hiểu để người dân ủng hộ chủ trương”. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, các bộ, ngành chức năng, các địa phương chủ động thông tin truyền thông về tình hình giá cả thị trường quốc tế, trong nước, chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước về điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, độc quyền giá trái quy định.
Các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp có chương trình giảm giá, khuyến mại, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương luôn đồng hành, lắng nghe thực sự cầu thị, hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng bày tỏ.