Mệt mỏi vì tự ý điều trị
Chị P.T.Hoa (34 tuổi, Hà Nội) cho hay, ngày 19/7 vừa qua, chị bất ngờ phải nhập viện trong tình trạng sốt cao sau nhiều ngày tự điều trị bằng thuốc cảm cúm tại nhà mà không khỏi.
Chị cho biết thêm, ngày 12/7, có những triệu chứng đầu tiên là ho, sổ mũi. Ban đầu, chị nghĩ là cảm cúm thông thường do nằm điều hòa nên đã tự điều trị bằng thuốc cảm cúm.
Nhưng sau 6 ngày, tình trạng bệnh không giảm mà còn có thêm triệu chứng ho có đờm, chảy nước mũi liên tục. Đến ngày thứ 7, chị sốt 39 độ, người mệt mỏi nhiều nên lập tức trong đêm đến viện khám. Sau khi test, chị có kết quả dương tính với cúm A và được yêu cầu nhập viện ngay để điều trị.
Sức khỏe của chị chưa kịp bình phục thì sau 1 ngày sau, bé N.M.K (14 tháng tuổi) là con chị Hoa ở nhà cũng có biểu hiện sốt, ho, nôn trớ… Lo lắng bé lây cúm A từ mẹ, cùng tình trạng li bì kéo dài, gia đình lập tức đưa bé vào viện khám. Kết quả xét nghiệm dương tính cúm A nên bệnh viện có chỉ định nhập viện gấp.
Bé K. còn nhỏ, cả ngày chỉ bám mẹ nên được bệnh viện ưu tiên cho hai mẹ con ở cùng phòng. Những ngày đầu, khi cả hai mẹ con có những triệu chứng nặng, em bé K. bám mẹ, quấy khóc cả ngày, chị luôn trong tình trạng tay vừa cắm truyền, vừa bế con. Có những lúc mẹ truyền trước, con truyền sau.
Sau hai tuần điều trị, may mắn sức khỏe của hai mẹ con chị H. đã ổn định và được xuất viện về nhà.
Khác với trường hợp của chị H. vì chủ quan mà phải nhập viện gấp, anh T.Đ.G (nam, 27 tuổi) đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám sau 2 ngày ở nhà điều trị, xuất hiện sốt nóng.
Kết quả chẩn đoán cúm A ngay khi vừa có triệu chứng nên việc điều trị của anh diễn ra hết sức thuận lợi và nhanh chóng hồi phục sau 3 ngày điều trị.
Anh G. cho biết, sau 2 ngày sốt nóng, nhiệt độ cao nhất 38,5 độ, sốt liên tục trong ngày nên có chủ động uống thuốc hạ sốt (Paracetamol 500 mg) có đỡ, nhưng sau đó lại sốt lại.
Sau sốt 2 ngày kèm theo đau họng, ho có đờm màu trắng. Chảy nước mũi trong, ngạt mũi. Hơn nữa, chỗ làm việc có nhiều đồng nghiệp bị sốt nên anh G. nhanh chóng đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec kiểm tra.
Không tự ý điều trị
Bác sĩ Trần Tiến Tùng, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, bệnh cúm hay gặp, nhưng không vì thế mà người dân lơ là, chủ quan.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch diễn biến khó lường như hiện nay rất có nguy cơ “dịch chồng dịch” gồm cúm, sốt xuất huyết, Covid-19, thậm chí là cả bệnh đậu mùa khỉ đang gặp ở nhiều nước trên thế giới.
Bác sĩ khuyến cáo việc điều trị cúm chỉ dễ dàng và hiệu quả khi được phát hiện sớm, vì nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh này có thể để lại hậu quả khôn lường như viêm xoang, viêm tai, nặng hơn là suy đa tạng.
Do đó, khi có dấu hiệu người dân cảnh giác đi khám ngay để được chữa phát hiện kịp thời, đặc biệt bệnh nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai.
Để tránh biến chứng và hậu quả khôn lường có thể xảy ra do cúm, bác sĩ Tùng lưu ý, khi có dấu hiệu của bệnh cúm người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm kịp thời.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu của cúm như ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể; thì sau sốt 24h là thời điểm thích hợp nhất có thể làm xét nghiệm để biết được có bị cúm hay không.
Cũng theo chuyên gia, do cúm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên người bệnh không được uống thuốc bừa bãi, cần uống thuốc theo hướng dẫn của chuyên môn.
Bên cạnh đó, người bệnh không nên quá lo lắng khi mắc cúm, bởi thông thường bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau vài ngày và hết hẳn các triệu chứng sau 1 - 2 tuần.
Về chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt, người dân cần bổ sung nước (vì nước giải độc cho cơ thể người bệnh, nước còn có tác dụng làm loãng dịch gây tắc nghẽn mũi và ngăn ngừa nhiễm trùng cơ thể);
Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu và nhiều dinh dưỡng (cháo, súp gà); Bổ sung thực phẩm giàu kẽm (thịt bò, tôm, hàu, sò, thịt gà, ngũ cốc, yến mạch...); Ăn các loại rau củ quả; Thêm gừng, tỏi khi chế biến đồ ăn; Ăn các loại trái cây giàu vitamin C tăng hệ miễn dịch (cam, quýt, bưởi).
Lưu ý, khi có chẩn đoán cúm A, người bệnh cần tránh đến nơi đông người để hạn chế lây lan ra cộng đồng.
Tiêm vaccine là ưu tiên hàng đầu
Với cúm A, chuyên gia khuyến cáo tiêm vaccine vẫn là biện pháp ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp hiện nay.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Miami, bang Florida (Hoa Kỳ) đã có một nghiên cứu đánh giá số liệu trên 2 nhóm bệnh nhân mắc Covid-19, có 37.377 bệnh nhân mỗi nhóm.
Các bệnh nhân phân bố ở Hoa kỳ, một số quốc gia châu Âu, Israel, Singapore. Số liệu trên bệnh nhân được thu thập và phân ra 2 nhóm: Nhóm có sử dụng vaccine phòng cúm mùa (trước khi mắc từ 6 tháng đến 2 tuần) và nhóm kia bao gồm các bệnh nhân không chủng ngừa vaccine cúm mùa trước đó.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy đã có sự giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng huyết, đột quỵ, tắc tĩnh mạch sâu trên nhóm bệnh nhân mắc Covid-19 đã tiêm phòng vaccine cúm mùa trước đó từ 2 tuần đến 6 tháng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra khả năng phải nhập điều trị tại đơn vị điều trị tích cực (ICU) cũng giảm tới 20% trên nhóm có tiêm vaccine phòng cúm mùa.
Nghiên cứu đã cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm vaccine phòng bệnh cúm. Làm như vậy có thể giúp tránh đại dịch "kép” sự bùng phát đồng thời của cả bệnh cúm và Covid-19.
Đồng thời giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế, tăng cường sự bảo vệ ở các quốc gia mà vaccine Covid-19 chưa được cung cấp đầy đủ. Tuy nhiên vaccine cúm mùa không thể thay thế vaccine Covid-19, vì vậy vẫn cần tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ.
Trong số các vaccine cúm A đang lưu hành hiện nay, vaccine phòng cúm mùa 4 chủng bất hoạt (2 chủng nhóm A và 2 chủng nhóm B) (Quadrivalent) có thể sử dụng cho mọi đối tượng từ 6 tháng tuổi giúp phòng bệnh theo khuyến cáo WHO hằng năm cho các quốc gia Bắc bán cầu.
Được biết ở nước ta, tại Hệ thống tiêm chủng Safpo, vaccine cúm mùa 4 chủng (Quadrivalent) đang được sử dụng để tiêm phòng đáp ứng cho nhu cầu của người dân.
vaccine Quadrivalent có thể sử dụng an toàn trên phụ nữ có thai, trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ.
Phụ nữ có thai khi được tiêm chủng vaccine cúm mùa có thể bảo vệ được bản thân và cả em bé sau khi sinh. Chưa ghi nhận được biến cố nghiêm trọng của vaccine phòng cúm mùa bất hoạt đối với thai nhi và thai phụ .
Để phòng chống bệnh cúm mùa, người từ trên 6 tháng tuổi nên tiêm chủng vaccine cúm mùa hằng năm (do các chủng virus cúm có thể thay đổi hằng năm).
Nhóm ưu tiên đặc biệt bao gồm trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi, người >50 tuổi, người có bệnh phổi tim phổi, gan, thận mạn tính, rối loạn huyết học, chuyển hóa (gồm tiểu đường, người suy giảm miễn dịch) và phụ nữ mang thai.