Reuters ngày 22/4 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản Yasukazu Hamada đã ra lệnh cho quân đội nước này chuẩn bị những công đoạn cần thiết để bắn hạ vệ tinh do thám của Triều Tiên, trong trường hợp rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản.
Công đoạn chuẩn bị gồm việc sẵn sàng bắn hạ tên lửa đạn đạo mang theo tên lửa của Triều Tiên. Bên cạnh đó, Tokyo cũng điều động binh sĩ tới khu vực phía Nam vùng Okinawa để "giảm thiểu tối đa thiệt hại nếu tên lửa đạn đạo mang theo tên lửa bị rơi".
Trước đó, hôm 19/4, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố Bình Nhưỡng đã hoàn thành việc chế tạo vệ tinh do thám quân sự đầu tiên và đang chuẩn bị những bước cuối cùng để phóng vệ tinh theo kế hoạch.
Ông Kim cũng nhấn mạnh, kế hoạch phóng và vận hành vệ tinh do thám là "nhiệm vụ ưu tiên quan trọng nhất" để Triều Tiên tăng cường "hiệu quả và tính thực tiễn của các biện pháp răn đe chiến tranh khác nhau".
"Chủ tịch Kim Jong Un nêu nhiệm vụ thiết lập một ủy ban chuẩn bị phóng vệ tinh không thường trực để đảm bảo rằng vệ tinh do thám số 1 của quân đội, sau khi được hoàn tất vào tháng 4, sẽ được phóng vào ngày dự kiến" - KCNA đưa tin hôm 19/4.
Chính phủ Mỹ kêu gọi Triều Tiên từ bỏ kế hoạch phóng vệ tinh quân sự đầu tiên khi cho rằng hành động này sẽ vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp quốc (LHQ).
Hãng thông tấn Yonhap hôm 20/4 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, theo các nghị quyết đã được LHQ ban hành, Triều Tiên bị cấm thử nghiệm tên lửa. Ngoài ra, Mỹ nghi ngờ vệ tinh do thám sẽ giúp thúc đẩy chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Trong khi Washington liên tục yêu cầu Bình Nhưỡng dừng các vụ thử vũ khí, Triều Tiên vẫn tiến hành số lần phóng tên lửa kỷ lục trong những tháng gần đây.
Trước khi thông tin về vệ tinh do thám được Triều Tiên công bố, nước này đã phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18. Giới chức Triều Tiên nhận định, ICBM Hwasong-18 sẽ giúp tăng cường năng lực phản công hạt nhân của nước này.