70 năm giải phóng Thủ đô

Nhật Bản nỗ lực khắc phục hậu quả động đất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi người dân còn chưa hết bàng hoàng vì hậu quả thảm khốc của trận động đất và sóng thần tại vùng Đông Bắc hôm 11/3, thì sáng 14/3, khu vực Kanto lại rung chuyển bởi một trận động đất có cường độ 6,2 độ Richter.

KTĐT - Trong khi người dân còn chưa hết bàng hoàng vì hậu quả thảm khốc của trận động đất và sóng thần tại vùng Đông Bắc hôm 11/3, thì sáng 14/3, khu vực Kanto lại rung chuyển bởi một trận động đất có cường độ 6,2 độ Richter.

Tâm chấn của trận động đất nằm ở tỉnh Ibaraki và trải dài từ Fukushima xuống các tỉnh Tochigi, Saitama và Chiba. Hiện không có cảnh báo nào về sóng thần, nhưng giới chức Nhật Bản yêu cầu mọi người dân tiếp tục nâng cao cảnh giác. Trước đó, trưa ngày 13/3, một đợt sóng thần cao 5m đã ập vào một loạt các tỉnh miền Đông Nhật Bản, gồm Aomori, Iwate và Miyagi. Đặc biệt, Cơ quan khí tượng Nhật (JMA) vừa đưa ra cảnh báo, trong 3 ngày tới, sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều dư chấn trong đó dư chấn từ 7 độ Richter sẽ chiếm khoảng 70%, trong đó, có thể xuất hiện dư chấn mạnh gấp 200 lần so với các dư chấn sau trận động đất kinh hoàng hôm 11/3. Các tâm chấn có thể nằm rải rác trong khu vực 500km trải dài từ Bắc sang Nam, giữa vùng duyên hải Iwate và Ibaraki, và khoảng 200km từ Tây sang Đông. Chuyên gia của JMA, Takashi Yokota cho biết sẽ xảy ra sóng thần nếu tâm chấn mới gần với tâm chấn của trận động đất hôm 11/3.

Mặc dù công tác cứu hộ đã được tiến hành rất khẩn trương với sự có mặt của 100.000 binh lính Nhật Bản cùng các đội cứu nạn của nhiều quốc gia, nhưng sóng thần ập vào quá nhanh khiến thiệt hại về người là rất lớn. Riêng trong ngày 14/3, giới chức Nhật Bản đã phát hiện khoảng 2.000 thi thể tại bờ biển thuộc Bán đảo Ojika và Minamisanriku của tỉnh Miyagi. Trong khi đó, thành phố Minamisanriku vẫn chưa liên lạc được với 10.000 người dân địa phương. Theo ước tính ban đầu, trận động đất mạnh 9 độ Richter và sóng thần cao 10m hôm 11/3 đã tàn phá hơn 46.000 tòa nhà và căn hộ. Ngoài ra, đường sá bị tàn phá tại 582 địa phương ở 11 tỉnh; cầu bị tàn phá tại 32 điểm ở Tokyo và 3 tỉnh, thành khác; đường sắt bị hủy hoại ở 7 địa điểm tại 2 tỉnh. Động đất cũng gây sạt lở tại 66 điểm trên 7 tỉnh, thành. Hiện, hàng trăm nghìn người đang phải sống tập trung tại các nơi lánh nạn, trong khi đó tình trạng thiếu điện, nước nghiêm trọng dự kiến sẽ kéo dài đến cuối tháng 4, gây ảnh hưởng đến đời sống của 45 triệu người dân ở thủ đô Tokyo và 8 tỉnh lân cận.

Quy mô và hậu quả lâu dài của thảm hoạ là rõ ràng, đặc biệt sau vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân hôm 12/3 gây rò rỉ phóng xạ. Hiện, những người nhiễm phóng xạ và phơi nhiễm phóng xạ đang được cách ly và điều trị. Trong khi đó, theo kênh truyền hình NHK, lò phản ứng số 3 của Nhà máy điện số 1 Fukushima đã phát nổ hôm 14/3 khiến ít nhất 11 người thiệt mạng. Chánh văn phòng Nội các Nhật Yukio Edano cho biết, mặc dù nhiệt độ của lò phản ứng số 3 tăng cao, nhưng các thanh nhiên liệu không có nguy cơ bị tan chảy. Ngoài ra, lượng phóng xạ bị rò rỉ sau vụ nổ sáng nay tại lò số 3 là "rất nhỏ" nên không gây nguy hại đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, theo NHK, nguy cơ nổ các lò phản ứng vẫn còn khá cao do nỗ lực làm mát cấp tốc lò phản ứng số 2 đã thất bại.