70 năm giải phóng Thủ đô

Nhật Bản và kỳ vọng kỷ nguyên mới

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào ngày 1/5/2019, khi vị hoàng đế hiện tại của Nhật Bản thoái vị, đất nước này sẽ bước vào kỷ nguyên Reiwa. Tokyo đang ngập tràn hy vọng, như chính lời giải thích của Thủ tướng Shinzo Abe về tên thời đại mới, rằng đây sẽ là một điều thực sự mới mẻ “mở ra cánh cửa cho một kỷ nguyên tươi sáng”.

Tuy nhiên, sự lạc quan đó sẽ đưa Nhật Bản đến đâu trong bối cảnh thực tế đầy thách thức với nền kinh tế - xã hội hiện nay?

Người dân cố gắng lấy một ấn bản bổ sung của một tờ báo đưa tin về tên thời đại mới Reiwa hôm 1/4.
Truyền thống không phải phi bất biến
Nhật hoàng Akihito (85 tuổi) tiết lộ hồi năm 2016 rằng, ông cảm thấy sức khỏe cá nhân khó có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình. Cuối năm 2017, ông tuyên bố sẽ thoái vị vào 2 năm sau đó. Thái tử Naruhito sẽ chính thức tiếp quản ngai vàng Hoa cúc và sự kiện này được đánh dấu bằng việc thay đổi tên thời đại vào hôm 1/4 vừa qua, từ Heisei sang Reiwa. Tên thời đại luôn có ý nghĩa rất lớn ở Nhật Bản và đây là lần thứ 248 một kỷ nguyên mới được đặt tên kể từ khi hệ thống này được bắt đầu vào năm 645 sau công nguyên.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra một cảnh báo đáng chú ý rằng, GDP của Nhật Bản sẽ giảm hơn 25% vào năm 2040 nếu quốc gia này không có những cải cách. Và trong trường hợp không có thay đổi, thời điểm hiện tại chính là đỉnh trước sườn đổ dốc của Nhật Bản. 

Và khi Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tiết lộ tên kỷ nguyên mới Reiwa vào sáng ngày 1/4, phản ứng đầu tiên khá dễ hiểu là việc mọi người đều tò mò về ý nghĩa của nó. Một lần nữa, ký tự thứ hai “wa”, lại mang nghĩa hòa bình - một mong muốn phổ biến trong các tên thời đại gần đây của Nhật Bản. Yếu tố “rei” gây bất ngờ và ít nhiều tranh cãi, khi nó chưa bao giờ được sử dụng trong bất cứ niên hiệu nào trước đây, đồng thời lại mang nhiều trường nghĩa khác nhau - bao gồm “mệnh lệnh”, “điều lệ”, hay thậm chí là “tốt lành”…
Mọi thứ chỉ thực sự sáng tỏ sau lời giải thích của ông Suga hay Thủ tướng Shinzo Abe sau đó rằng, “Reiwa” có nguồn gốc từ một tập thơ cổ của người Nhật vào thế kỷ thứ VIII, bao gồm một nhóm 32 bài thơ về chủ đề hoa mận: “Là một tháng tốt lành (rei) mở đầu mùa Xuân, thời tiết dễ chịu và gió thật yên bình (wa)”.
Có thể hiểu, Reiwa ám chỉ mùa Xuân và sự đổi mới, nhưng cũng chứa đựng hy vọng về một tương lai nở hoa với Nhật Bản. Điều quan trọng, cái tên mới đã đến từ một tác phẩm của người Nhật thay vì những niên hiệu mang màu sắc văn học Trung Quốc như trước đây.
Cùng với việc không có Nhật hoàng nào thoái vị kể từ năm 1817 và bởi nó không được Hiến pháp Nhật Bản hiện đại cho phép, khiến Chính phủ lần này phải thông qua một luật đặc biệt để đáp ứng nguyện vọng của Hoàng đế Akihito, Reiwa thực sự đánh dấu loạt thay đổi đáng kể với một biểu tượng của chế độ quân chủ mang tính truyền thống, hiện vẫn còn rất phổ biến tại Nhật Bản.
Sự chuyển mình thực chất
Với tiềm năng mạnh mẽ của Nhật Bản, cánh cửa mà ông Shinzo Abe đã đề cập thực sự có thể mở ra sau khi thời đại Heisei ảm đạm sắp kết thúc. Sự trở lại của ông Shinzo Abe được coi là đã phần nào khép lại 2 thập kỷ trôi dạt mông lung, với lời hứa nhậm chức ấn tượng: “Tôi trở lại và Nhật Bản cũng vậy”.
Những tiến bộ cho một nỗ lực đáng ngưỡng mộ của vị Thủ tướng tới từ Đảng Dân chủ tự do là không thể phủ nhận, tiêu biểu là việc thực hiện chương trình kinh tế mang đậm dấu ân cá nhân - Abenomics - hòng ngăn chặn vòng xoáy đi xuống tại Nhật Bản. Ông cũng đã chấm dứt xu hướng “quay vòng” của các Thủ tướng nước này và chuẩn bị trở thành Thủ tướng phục vụ lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản nếu mọi chuyện diễn ra như dự kiến vào ngày 20/11 năm nay.
Bên cạnh đó, chính quyền Abe cũng đã thúc đẩy thông qua một chương trình nghị sự an ninh quốc gia và đạt được tiến bộ đáng kể về các chính sách tìm kiếm lâu dài - dù mục tiêu sửa đổi Hiến pháp của Thủ tướng vẫn chưa được thực hiện. Ông Abe còn nâng cao hồ sơ quốc tế của Nhật Bản với các sáng kiến ngoại giao tích cực và thành công như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương không có Mỹ hay Thỏa thuận đối tác kinh tế EU - Nhật Bản.
Nhưng sau tất cả những thành công đó, ông Abe dường như vẫn chưa đạt được mục tiêu cốt lõi là hướng đến sự hồi sinh của Nhật Bản. Nền kinh tế Nhật Bản đang làm tốt hơn nhưng nó vẫn trong trạng thái vật lộn. Mục tiêu lạm phát 2% còn ngoài tầm với. Nợ quốc gia tiếp tục gia tăng, trong khi cải cách cơ cấu mới chỉ dừng ở mức độ hứa hẹn hơn là thực tế.
Tuy nhiên, thất bại đó không có nghĩa là Nhật Bản đang trên bờ vực sụp đổ, khi Tokyo hiện vẫn là một đô thị lấp lánh, an toàn và thượng hạng. Và lời khẳng định của nữ nhà văn hàng đầu William Gibson (Mỹ) hẳn là không quá, rằng “khi muốn nhìn thấy tương lai, đến Tokyo trong một tuần”.
Nhưng nước Nhật không thể vì thế mà chủ quan, khi Tokyo khác với toàn bộ phần còn lại của quốc gia này, phần nào cho thấy sự kết hợp của các rào cản về cấu trúc và thái độ sẽ hạn chế triển vọng tương lai của đất nước. Trở ngại thách thức nhất - nhân khẩu học - khiến Nhật Bản bị xem là quốc gia “xám nhất thế giới”, khó lòng duy trì mạng lưới an sinh xã hội với một kim tự tháp bị đảo ngược và ngày càng co lại.
Chính phủ Nhật Bản mới đây đã chấp nhận giảm 20% dân số, đồng nghĩa với việc giữ mức 100 triệu (hiện tại đang là 127 triệu người). Song nguy hiểm hơn lại nằm ở tư duy của người Nhật. Thành công của đất nước đã tạo ra một nền văn hóa thoải mái và tự mãn khiến cải cách bị cản trở. Chính xác hơn, Nhật Bản không phải không thay đổi, nhưng sự chuyển đổi của nó được đánh giá là chưa bắt kịp tốc độ cần thiết.
Reiwa là cái tên mới mang đến những kỳ vọng về sự trở mình của đất nước, nhưng những mới mẻ thực sự sẽ chỉ xuất hiện một khi người Nhật sẵn sàng thay đổi.