Nhật ký Covid từ tâm dịch Thanh Xuân Trung

Tạ Thu Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngõ nhà tôi nằm trên đường Nguyễn Trãi về phía Tây Nam TP, cách 2 ngõ “ổ dịch” của phường Thanh Xuân Trung đúng một bức tường. Đây là 2 ngõ nhỏ thông nhau, có khoảng 2.000 cư dân sinh sống trong những ngôi nhà chật hẹp, thậm chí có những ngách không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Tại đây có một chợ cóc hàng ngày cung cấp khá đầy đủ các mặt hàng thực phẩm tươi sống cho các cư dân trong ngõ và khu lân cận, bao gồm cả ngõ nhà tôi. Chỉ trong vòng một tuần, gần 400 ca F0 được phát hiện.

Một ngõ vùng xanh tại phường Thanh Xuân Trung. Ảnh: Hải Linh
Nỗi lo F0

Đó là một buổi sáng tĩnh mịch đến nao lòng.

Mặt trời dường như thức dậy muộn hơn thường ngày, không tiếng mèo kêu nhức óc, không tiếng bước chân người đi ngoài ngõ, không tiếng vòi phun nước tưới cây rào rào phát ra từ nhà hàng xóm.

Tất cả đều yên ắng, trầm mặc!

Bỗng… “Tao không hiểu mẹ chúng mày kiểu gì nữa??? Vừa nãy thì bảo đóng cửa vào hết cho Covid nó không bay vào nhà được… Giờ mẹ mày lại gào lên: Mở cửa ra cho thông thoáng để Covid nó bay ra…Trời ơi!!!”

Tôi bật cười. Đâu có nhẽ thế. Tôi chợt nhận thấy người vợ hình như có lý trong sự việc phi lô gic này.

Tiếng quát tháo của người chồng dường như là sự khởi đầu cho chuỗi ngày sống trong hoang mang và xáo trộn của mấy chục hộ dân trong ngõ nhỏ nơi gia đình tôi sinh sống, sau khi ca F0 đầu tiên được phát hiện tại đây.

Ngõ nhà tôi chính thức bị phong tỏa.

Bữa cơm trưa hôm ấy thật nặng nề! Cả nhà tôi ngồi ăn cơm mà không ai nói với ai câu nào… mỗi người vừa ăn vừa theo đuổi một suy nghĩ riêng… Tôi nhớ lại cũng tầm trưa như này của 1 tuần trước đó.

Sau khi đã phân công công việc và duyệt được một số tin bài như mọi ngày, tôi chuẩn bị xuống tầng 1 chuẩn bị bữa trưa. Nhà tôi có khách.

Khách nhà tôi là 1 chị trong ngõ, sang cảm ơn bố tôi vì một việc gì đó. Tôi gật đầu chào chị và đi thẳng vào trong bếp. Tôi thực sự cảm thấy không thoải mái khi nhìn thấy chị ấy xuất hiện ở nhà tôi trong thời điểm cả thành phố thực hiện giãn cách xã hội như này.

Sau khi ngồi khoảng 15 phút, chị ấy về. Tôi ra trao đổi lại với Ông Bà:

Bố mẹ ạ! Con nghĩ bố mẹ không nên tiếp bất cứ ai vào thời điểm này ạ! Giờ Covid biến thể mới lây lan rất nhanh, với tốc độ cháy rừng, nên con mong muốn nhà mình không tiếp khách thời điểm này ạ! Những người tung tăng đi khắp nơi trong lúc giãn cách xã hội như chị ấy rất dễ bị nhiễm và truyền bệnh cho người khác ạ. Nếu bố mẹ ngại, con sẽ treo biển ngoài cửa thông báo không tiếp khách trong thời gian này.

Mẹ tôi có ý giận: Con cứ làm nghiêm trọng hóa vấn đề. Chị ý hàng xóm sang cảm ơn chả nhẽ lại bảo chị ý về à?

Và hôm nay, chị ý là F0 đầu tiên được phát hiện trong ngõ nhà tôi.

Tôi âm thầm gọi điện cho một cô em nhờ mua các thuốc men cần thiết như: Vitamin tổng hợp dạng viên sủi, Ozesol, thuốc hạ sốt, gừng, sả, nước dừa, bánh ngọt, sữa Ensure tươi... và tự nhẩm tính trong đầu: Nhà đã có bốn ấm siêu tốc, hai nồi lẩu mini, tinh dầu… đủ dùng cho sáu người nếu phải đi cách ly ở các nơi khác nhau. Tôi chuẩn bị tất cả với tâm thế sẵn sàng tới khu cách ly khi có điện thoại gọi.

Tôi làm theo công thức chữa bệnh của các anh chị F0 trong Sài Gòn, đó là chưng nước dừa, đường phèn và gừng tươi, uống hàng ngày. Tôi chịu khó đun sả, gừng và tinh dầu hồi cho cả nhà xông hơi, đun nước muối biển để súc họng và rửa mũi hàng ngày.

Ngõ nhà tôi nằm trên đường Nguyễn Trãi về phía Tây Nam thành phố, cách hai ngõ “ổ dịch” của Phường Thanh Xuân Trung đúng một bức tường. Đây là hai ngõ nhỏ thông nhau, có khoảng 2,000 cư dân sinh sống trong những ngôi nhà chật hẹp, thậm chí có những ngách không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Tại đây có một chợ cóc hàng ngày cung cấp khá đầy đủ các mặt hàng thực phẩm tươi sống cho các cư dân trong ngõ và khu lân cận, bao gồm cả ngõ nhà tôi.

Chỉ trong vòng một tuần, gần 400 ca F0 được phát hiện. Kinh hoàng! Đây chưa phải là con số cuối cùng. Có nhiều gia đình cả nhà đều bị dính Covid, thậm chí có nhà 10 người thì cả 10 đều bị, từ cụ 80 đến con trẻ 5 tuổi… xót xa cho cảnh ly tán. Đã có người tử vong và hôn mê sâu.

Lần đầu tiên ngõ tôi lập nhóm trên Zalo. Lo sợ lây nhiễm và hoảng loạn là những gì tôi cảm nhận được trong những ngày này. Sự lo sợ là rất tự nhiên, ta thường sợ khi ta không biết rõ về thứ đang đe dọa mình… đang câu chuyện 5K sang câu chuyện chủ đầu tư khu chung cư 90 Nguyễn Tuân xây dựng làm hư hỏng một số nhà mà lờ đi không đền bù chút nào… rồi lại bay vèo sang câu chuyện dịch dã ở Bắc Kinh… Hôm nay ăn món gì để đủ chất… chiều nay nhà hết gạo rồi … rau trong tủ lạnh bị hỏng hết rồi …

Số lượng F0 trong ngõ nhà tôi ngày càng tăng sau các đợt xét nghiệm của phường. Đầu tiên là 1, sau lên 7, 16, rồi hơn 20. Có nhà cả 4 người đều bị F0, họ nói không đi đâu và tiếp xúc với ai trừ lúc đi làm xét nghiệm… Biến thể Delta vô tình và không biết nói … nên mọi người lại càng hoang mang.

Nhiều người lo rằng Covid bay từ ngõ bên cạnh sang ngõ nhà chúng tôi… thậm chí có vài người bàn nhau đề nghị quận xin đưa cư dân trong ngõ đi cách ly!!! Đến lúc này thì tôi không thể không lên tiếng. Dân cư ngõ “ổ dịch” đã đi gần hết, có nghĩa là nguy cơ mầm bệnh đã giảm đi rất nhiều. Khu cách ly là khu nguy cơ cao, trong khi đó ngõ nhà tôi rất thoáng đãng, nhà nào cũng có cửa số trước và sau. Thực phẩm đã dự trữ sẵn. Nếu thiếu có thể đặt hàng online. Tại sao lại rủ nhau tới khu cách ly? Rất may! Việc này sau đó đã không xảy ra.

Có chị trong ngõ mất ăn mất ngủ khi cửa sổ phòng ngủ nhà chị cạnh ngay cửa số phòng ngủ nhà bên có cô bé F0. Chị lo lắng Covid nhà ấy bay hết sang nhà chị.
 
Những tấm lòng và niềm tin mọi việc rồi sẽ qua nhanh thôi!

Loa Phường (cô em hàng xóm thân thiết với tôi) gọi điện vài lần một ngày cho tôi, cập nhật đầy đủ thông tin từ hai ngõ “ổ dịch” bên cạnh cho đến tình hình các ngõ khác nữa. “Ngày nào em cũng lau nhà rửa sân chị ạ, lau mòn hết cả nền rồi… em chắc chắn Covid không thể tồn tại trong nhà em được.”

Bỗng một ngày giọng hốt hoảng: “Chị ơi, đội xét nghiệm đến trước cửa nhà em yêu cầu xét nghiệm lại ba người nhà em… chị ơi chân tay em run lẩy bẩy!”

Tôi cảm nhận rất rõ sự run rẩy của cô ấy. Tôi chỉ kịp trấn an Loa Phường rằng: “Hôm trước họ xét nghiệm gộp năm, nay chắc thấy lô xét nghiệm gộp dương tính nên họ xét nghiệm lại để bóc tách F0 thôi mà, chưa chắc đã phải người nhà mình đâu. Cứ bình tĩnh. Rồi mọi chuyện sẽ qua nhanh thôi.”

“Rồi mọi chuyện sẽ qua nhanh thôi” là slogan trong đầu tôi mấy ngày hôm nay.

Trấn an Loa Phường vậy thôi, nhưng thực ra lòng tôi cũng rối bời. Cả một vệt bảy nhà sát nhau đều có F0. Nhà tôi thoát trong đợt xét nghiệm lần một.

Hàng loạt câu hỏi tự đặt ra và tự trả lời trong đầu: Bao giờ không bị xét nghiệm nữa? Chắc hẳn phải hết F0. Bao giờ được gỡ phong tỏa? Chắc chắn là phải hết F0 rồi. Chỉ có một cách duy nhất là vùi đầu vào công việc và chờ kết quả xét nghiệm tiếp theo thôi.

Trong những ngày này, điện thoại của tôi đổ chuông liên tục. Đó là các cuộc gọi hỏi thăm từ các cô, dì, chú, bác, anh, chị, em họ hàng, bạn bè … và của cậu em đang ở trong Đà Nẵng, dặn đi dặn lại: “Chị phải cho cả nhà mặc áo mưa khi đi xét nghiệm nhé … có việc gì phải báo em ngay nhé … để em sắp xếp bay ra ngay.”

Tôi thực sự trân trọng những lời nhắn nhủ, động viên an ủi của mọi người. Nhưng đôi khi tôi thực sự không dám nghe nữa. Khi tâm bình an thì tôi gọi lại.

Tin nhắn trong nhóm của ngõ lại nổi lên. Có ý kiến tỵ nạnh về việc phường không quan tâm đến ngõ tôi như những ngõ khác, kiểu như: “Hay họ nghĩ ngõ mình sang chảnh rồi nên không cần cứu trợ???” … “Bà tổ trưởng… ông bí thư sống ở ngõ bên kia mà!!!” … “Ngõ bên kia hôm nay được tiêm vaccine rồi đấy! Ngõ nhà mình đúng là con rơi, chả ai quan tâm.”

Thành phố đã hạ quyết tâm sẽ hoàn thành tiêm mũi một cho toàn bộ người dân trước ngày 15/9. Tuy nhiên cư dân chỉ quan tâm tới việc họ đang sống trong tâm dịch nên phải được ưu tiên tiêm.

Sau mấy ngày vất vả di tản gần 2,000 người ở hai ngõ “ổ dịch” bên cạnh xong, phường bắt đầu có thời gian quan tâm đến ngõ tôi hơn.

Giấy mời tiêm vaccine đã được phát ra, giờ chỉ chờ ngày đi tiêm thôi. Lô hàng cứu trợ đầu tiên gồm gạo và rau xanh đã được chuyển đến đầu ngõ. Đàn ông trong xóm ngay lập tức thành lập đội xung kích, nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng cứu trợ đến từng hộ gia đình và hỗ trợ đội xét nghiệm thực hiện nhiệm vụ.

Chỉ là mấy cân gạo và vài mớ rau thôi… mà tôi thấy ấm lòng… Đó là nỗ lực của cả một đội ngũ, từ những người trồng rau, người đóng gói, người vận chuyển, cho đến bà tổ trưởng tổ dân phố.

Những người chị em thân thiết của tôi gọi điện nhắn nhủ họ sẽ luôn ở vòng ngoài mua thực phẩm giúp. Thực sự cảm động và trân quý.

Điện thoại liên tục nổi tin nhắn… Mọi thông tin về F0 và F1 của ngõ được cập nhật thường xuyên. Anh P hôm nay bắt đầu sốt, chị T hôm nay mệt hơn rất nhiều, ông N bắt đầu đau họng rồi, con út nhà c N vẫn sốt cao quá mà không chịu ăn uống gì… Nhà c H bị dương tính cả nhà rồi…

Rồi có ý kiến đề xuất được cung cấp thịt Meatesy nhận được khá nhiều like từ cư dân trong ngõ… Tôi phải định hình lại vài giây trong đầu mới đoán ra đó là thịt Meat Deli, một loại thịt cao cấp. Tôi chợt nhớ đến Sài Gòn những ngày đầu chống dịch, có những gia đình yêu cầu địa phương cung cấp sữa Ensure và táo Envy … toàn loại thực phẩm đắt tiền …

Hàng ngày tôi cập nhập thông tin Covid từ mọi miền đất nước, số lượng người mắc vẫn tăng, giảm chút rồi lại tăng… giãn cách xã hội và phong tỏa đã được áp dụng trong nhiều tuần, nhiều biện pháp được thực hiện đồng bộ. Cả nước đang oằn mình chiến đấu với Covid. Tôi thèm có được cái cảm giác nhìn các chỉ số tỷ lệ người nhiễm và tử vong đi xuống… Tôi thèm cảm giác không phải nghe tiếng còi xe cứu thương chạy trên đường Nguyễn Tuân vọng lại.

Tối hôm ấy đặc biệt hơn mọi tối… gác việc duyệt tin bài sang một bên… Tôi không rời mắt khỏi màn hình tivi 1 giây. “Ranh giới” – tiêu đề của phim tài liệu dài 50 phút của Đài Truyền hình Trung ương đã ám ảnh tôi.

Tôi đã từng nghĩ mình cảm nhận được hết các khó khăn, vất vả, gian truân, và đau đớn của những con người trong tâm dịch tại TP Hồ Chí Minh… nhưng chưa đủ… những ánh mắt thẫn thờ của các bác sỹ khi bất lực để bệnh nhân ra đi … những giọt nước mắt nghẹn ngào của người cha không được nhìn con gái lần cuối… Đau đớn, trái tim tôi như bị ai đó bóp nghẹt thở… Những lời ca đau xót da diết trong bài hát “Sài Gòn buồn” mà một người bạn sống trong TP Hồ Chí Minh gửi cho tôi cách đây vài ngày của ca sỹ Hà Trần lại vang lên …

Rồi mọi chuyện cũng sẽ qua nhanh thôi!

Ranh giới – giữa F1 và F0, giữa F0 và ECMO, giữa sự sống và cái chết, giữa lòng bao dung và sự oán hận – rất mong manh nhưng dường như hiện ra trước mắt tôi một cách chân thực và sắc nét hơn bao giờ hết.

Đứng giữa ranh giới – tôi nhận ra sự đồng lòng của người dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu cam go này … Thương lắm hai chữ Việt Nam!
* Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại tâm dịch phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân - Hà Nội)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần