Nhất thiết phải điều chỉnh lại khung chính sách đô thị hiện tại

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là nội dung chính được đề cập tại hội thảo “Đối thoại chính sách đô thị hướng tới chương trình nghị sự mới cho đô thị” do Bộ Xây dựng, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức UN - Habitat tổ chức tại Hà Nội, ngày 20/4.

Việt Nam là nước đông dân thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines, hiện đang trải qua một quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng. Trong khi tỉ lệ đô thị hóa hiện nay của Việt Nam vẫn ở mức thấp (35,7%) nhưng tốc độ tăng trưởng cao, dân số đô thị tăng bình quân 3%/năm từ năm 2005, tương đương với các nước đô thị hoá nhanh như Trung Quốc. Đến năm 2050, phần lớn người dân Việt Nam sẽ sống ở các khu vực thành thị với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 54% (Báo cáo của Liên Hợp quốc, 2014).
 
Đồng thời, Việt Nam đã giữ vững mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 6,9% kể từ năm 1990. Mặc dù đã tăng gần 4 lần kể từ đầu năm 1990, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp của những nước có thu nhập trung bình. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng đặt ra một số thách thức cấp bách đối với các thành phố của Việt Nam về môi trường, tính toàn diện và năng suất.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho hay, hiện Bộ Xây dựng đang từng bước hoàn thiện thể chế và hệ thống văn bản pháp luật về quản lý phát triển đô thị, đảm bảo sự đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển, quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo cán bộ quản lý đô thị. Trên cơ sở đó, Bộ nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị với các chính sách lớn và Báo cáo đánh giá chính sách đô thị quốc gia Việt Nam.
Trước những thách thức này, nhất thiết Việt Nam cần có sự điều chỉnh khung chính sách đô thị hiện tại. Lấy thực tiễn từ Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đánh giá, việc quy hoạch, phân bổ và xây dựng chức năng các đô thị là cần thiết để đảm bảo kết hợp hài hòa giữa các đô thị trong phát triển, tránh sự cạnh tranh không cần thiết dẫn đến lãng phí nguồn lực. Nhưng cần xác định những đô thị trung tâm của 1 vùng, có nhiệm vụ hỗ trợ các đô thị khác trong quá trình phát triển. Mô hình quản trị đô thị theo quy mô, tính chất của từng đô thị cần được xác định, nhất là với những đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hoặc các đô thị vệ tinh. Quy định về đội ngũ nhân lực trong bộ máy hành chính cũng cần phù hợp với quy mô, tính chất đô thị
TS. Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) tại Việt Nam cho hay, đô thị cần quỹ đất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, bảo vệ các khu vực nhạy cảm và tránh tình trạng mở rộng thiếu kiểm soát. Chính sách đô thị quốc gia phải cân bằng giữa nhu cầu tiếp cận đất đai bình đẳng và đảm bảo quyền sở hữu đất với các vấn đề môi trường bền vững và sử dụng đất hiệu quả, tránh những ràng buộc về đất đai ảnh hưởng đến năng suất đô thị và khả năng cung cấp nhà ở giá rẻ. Việt Nam đang gặp thách thức lớn trong giải phóng mặt bằng, tái định cư gắng với sinh kế; thị trường đất đô thị kém hiệu quả; vấn đề trong quyết định phân bổ đất đai, đăng ký sử dụng, giá cả, thủ tục hành chính phức tạp…
“Vì vậy, cần xác định vai trò và trách nhiệm pháp lý của chính quyền địa phương, đây là chìa khóa để đảm bảo tính khả thi của Chính sách. Các cơ quan này cần có đủ năng lực và quyền hạn để đóng góp cho việc xây dựng và triển khai Chính sách đô thị quốc gia. Bên cạnh đó, Chiến lược đô thị quốc gia cần đảm bảo sự thống nhất với các khung chính sách phát triển khác, như về năng lượng, nước, giao thông, cơ sở hạ tầng…” ông Quang nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Rudiger Ahrend - Trưởng ban Chính sách đô thị OECD cho rằng, bộ máy quản trị sẽ tác động tích cực đến năng suất kinh tế. Dữ liệu thành phố dựa trên ranh giới hành chính không đem lại sự so sánh hiệu quả; mà việc thu thập dữ liệu, xây dựng chức năng trên một quy mô không gian phù hợp là chìa khóa giúp xây dựng chính sách đô thị đúng đắn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần