70 năm giải phóng Thủ đô

Nhiễm cúm A/H1N1, nhiều ca biến chứng nặng

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong mấy tuần qua, tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư gia tăng bệnh nhân mắc cúm mùa H1N1 nhập viện. Trong đó có nhiều ca biến chứng rất nặng, phải điều trị bằng ECMO (kỹ thuật hỗ trợ tuần hoàn và trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể). Các chuyên gia y tế cảnh báo, cúm mùa là bệnh thông thường, tuy nhiên nếu bị biến chứng sẽ rất nguy hiểm, thậm chí nhiều bệnh nhân đã tử vong.

 Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Nguyệt Dung
Hiện tại, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư đang điều trị cho 4 bệnh nhân cúm trong tình trạng nặng. Đơn cử, bệnh nhân Nguyễn Văn Miền nhiễm cúm A/H1N1, đã điều trị một tuần nay tại Khoa Hồi sức tích cực, phải thở máy. Hiện tình trạng bệnh nhân đã tương đối ổn định. Người nhà bệnh nhân cho biết, mấy ngày trước anh Miền chỉ hắt hơi sổ mũi, nghĩ là bị xoang mũi. Bệnh nhân điều trị ở BV Quân y 110 trong 2 ngày, sau đó sốt nặng, bệnh diễn biến xấu hơn nên được chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư.

Còn thai phụ N.H.T. bị nhiễm cúm A khi đang mang thai 31 tuần. Ngay khi được xác định nhiễm cúm, bệnh nhân đã được theo dõi sát sao vì thuộc nhóm nguy cơ cao. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, tình trạng của thai phụ diễn tiến nhanh trong vòng 12 giờ, suy hô hấp nặng, suy đa tạng, nên đã phải chạy ECMO. “Với tổn thương ở phổi, theo kinh nghiệm điều trị của chúng tôi thì tiên lượng cần 3 - 5 tuần nữa để hồi phục dần" - bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Khoa Hồi sức tích cực cho biết.

Mới đây, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cũng đã điều trị thành công cho một bệnh nhân nam, 59 tuổi, vào viện vì sốt đau rát họng, sau đó ho khó thở tăng dần. Qua thăm khám lâm sàng và làm xác xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng do nhiễm cúm A/H1N1. Sau 10 giờ điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn tiến triển rất nặng, độ bão hòa oxy máu rất thấp. Bệnh nhân đã được tiến hành kỹ thuật ECMO, sau can thiệp, tình trạng bệnh nhân xu hướng ổn định dần và hồi phục hoàn toàn, ra viện sau 45 ngày điều trị.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Sau khi bị nhiễm virus cúm, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt cao 39 - 40oC kèm theo rét run, nhức đầu, buồn nôn, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi. Hoặc có thể kèm theo các biểu hiện sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, đau họng, ho...

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư khuyến cáo, cả người lớn và trẻ nhỏ nên đi tiêm vaccine phòng cúm định kỳ (1 mũi/năm) để phòng bệnh. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Ngoài ra, người bệnh cần uống đủ nước, ăn uống đủ dưỡng chất để tăng sức đề kháng, không tự điều trị bằng kháng sinh để tránh kháng thuốc.