Ghi nhận của phóng viên ngày 10.10, chợ dân sinh Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), được xây dựng từ năm 2014 nhưng đến nay cỏ mọc um tùm không được sử dụng.
Sau 10 năm bị bỏ hoang, cơ sở vật chất tại đây đã bị xuống cấp. Khu vực cổng chính bị vật liệu xây dựng lấp kín chặn lối đi vào.
Bên trong chợ, cây cối mọc quá đầu người. Các khung sắt hoen gỉ và một số đã bị trộm mất. Người dân xung quanh cho biết, trước đây khu vực này thường xuyên có người đến để hút chích nên người dân không dám lại gần.
Chợ dân sinh Tây Mỗ được xây dựng với mục tiêu là nơi tập trung các tiểu thương ở chợ cóc cách đó 300m, nhưng do ở khu vực vắng vẻ và không thuận tiện nên các tiểu thương vẫn bán hàng ở khu vực cũ.
Bà Nguyễn Thị Đào (53 tuổi) tiểu thương tại chợ cóc gần đó cho biết: "Khu vực chợ mới vẫn chưa được hoàn thiện, những tiểu thương bán sản phẩm tươi sống như tôi bán ở đó sẽ khó bảo quản".
Trước đó, ngày 7.5.2013, UBND huyện Từ Liêm (cũ) đã có Văn bản số 228/QĐ-UBND “Chấp thuận điều kiện, bố trí kế hoạch, chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng chợ dân sinh thôn Tây Mỗ, xã Tây Mỗ”, diện tích 3.600m2, kinh phí đầu tư 22,5 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2015. Hạ tầng khu chợ bao gồm: Nhà chợ chính, nhà ban quản lý và các công trình phụ trợ.
Không chỉ có chợ dân sinh Tây Mỗ, tại chợ dân sinh Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng xảy ra tình trạng trên. Khu chợ này cũng đã được hoàn thiện nhưng tiểu thương vẫn lựa chọn bán ở ngoài.
Anh Ngô Văn Công (41 tuổi) tiểu thương tại đây chia sẻ: "Do chợ ở khu vực không thuận tiện cho việc buôn bán nên không có người vào đó".
Do không được các tiểu thương sử dụng, chợ dân sinh Lĩnh Nam được khai thác làm nơi để xe ô tô. Ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động tại đây cho thấy, biển tên của chợ đã được gỡ xuống do không có người buôn bán bên trong.
Trong khi đó, phía ngoài khu chợ dân sinh Lĩnh Nam không xa, người dân và các tiểu thương buôn bán vẫn phải tụ họp dưới các ki ốt lợp tôn tại chợ Lòng Thuyền, ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng.
Công ty CP Chợ Lĩnh Nam - chủ đầu tư dự án chợ dân sinh Lĩnh Nam cho biết, hiện chợ chưa đi vào hoạt động do nhiều lý do như khu vực chợ Lòng Thuyền tiếp giáp mặt đường thuận tiện nên người dân tập trung mua bán tại đây, không vào chợ dân sinh Lĩnh Nam…
Tại Hà Nội cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp bất hợp lý trong việc quy hoạch xây dựng chợ: như chợ Hàng Da, chợ Mơ… xây dựng rồi bỏ hoang hay nâng cấp rồi lại ế ẩm.
Ngày 8.4, UBND TP.Hà Nội ban hành Kế hoạch số 110 thực hiện chỉ tiêu về đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2025. Theo đó, giai đoạn 2024-2025, thành phố sẽ đầu tư xây mới 17 chợ (năm 2024 hoàn thành 5 chợ, năm 2025 hoàn thành 12 chợ).