Nhiều doanh nghiệp Việt chưa quan tâm đến bảo vệ thương hiệu hàng hóa

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/1, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tham dự trao bằng khen.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội, năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh nhưng Ban Chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Doanh nghiệp bán lẻ chủ động lựa chọn các điểm bán hàng mở cửa trở lại phục vụ nhân dân khi dịch Covid-19 đã phần nào được khống chế. Điều này đã giúp giữ giá bán ổn định, hạn chế tình trạng lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán bất hợp lý.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường Hà Nội, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị kết nối hàng Việt với các sàn thương mại điện tử, triển khai hiệu quả các hoạt động liên kết vùng, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trên cả nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã trao tặng bằng khen của TP Hà Nội tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Cuộc vận động năm 2021.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã trao tặng bằng khen của TP Hà Nội tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Cuộc vận động năm 2021.

Thực tế trong quá trình triển khai Cuộc vận động cho thấy, một số doanh nghiệp chưa quan tâm bảo vệ thương hiệu, nhãn mác của sản phẩm, hàng hóa. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu… vẫn khó kiểm soát trên thị trường dẫn đến giảm lòng tin của người tiêu dùng.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị, trong năm 2022 phát huy những kết quả đạt được của năm 2021, các sở, ngành, đơn vị thành viên tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, đổi mới phương thức tuyên truyền cuộc vận động; chú trọng giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt chất lượng cao. Quan tâm đặc biệt đến các sản phẩm được bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi doanh nghiệp triển khai bán hàng lưu động, đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, khu vực ngoại thành, cũng như các chương trình kích cầu nội địa, kết nối giao thương, phát triển các kênh phân phối hàng Việt ở nước ngoài…

Riêng các sở, ngành tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế, nguồn vốn vay, tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp phục hồi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trên địa bàn. Thực hiện tốt nhiệm vụ chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm… qua đó góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội. “Cần đẩy mạnh truyền thông về cuộc vận động tới người tiêu dùng trong nước và nước ngoài, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo các quận, huyện đẩy mạnh triển khai cuộc vận động, không phụ thuộc vào một Sở, ngành nhất định”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã trao tặng bằng khen của TP Hà Nội và MTTQ VN TP Hà Nội cho 46 tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động năm 2021.