Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều dự án bất động sản dừng hẳn do thiếu vốn

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2023/NQ-CP của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS).

Cùng dự Hội nghị tại trụ sở Văn phòng Chính phủ có Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng thương mại, chuyên gia kinh tế. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong 7 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ bên ngoài và nội tại bên trong, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân, DN, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội vẫn đạt được các kết quả cơ bản: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần, các cân đối lớn được bảo đảm, kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Trong kết quả chung về kinh tế xã hội có đóng góp rất quan trọng của lĩnh vực BĐS.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị.

Theo Thủ tướng, cũng như các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, thị trường BĐS có lúc thuận lợi và lúc khó khăn, DN có lúc lãi và có lúc lỗ, nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta cần phát hiện kịp thời các vấn đề nổi lên, các khó khăn, vướng mắc, đánh giá đúng nguyên nhân, đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, triển khai quyết liệt, hiệu quả. Thông điệp của Hội nghị là chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường BĐS phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tiếp theo Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 17/2, để tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS đã được Chính phủ ban hành thời gian qua, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS.

“Một hoặc hai hội nghị không thể giải quyết được hết tất cả những vấn đề đặt ra, trong đó có những vấn đề đã kéo dài hàng chục năm không thể xử lý trong "một sớm một chiều". Song tinh thần là rõ đến đâu xử lý đến đó, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, các chủ thể có liên quan (các cơ quan quản lý, địa phương, bộ, ngành, DN, khách hàng và người dân có nhu cầu mua bán BĐS) cùng nhau chung tay giải quyết, đề cao trách nhiệm mỗi chủ thể vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích chung, hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thị trường chưa có tín hiệu khả quan

Trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2023/NQ-CP, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong quý II/2023, nguồn cung BĐS, nhà ở vẫn hạn chế hoàn thành có 7 dự án với 2.424 căn (852 căn hộ; 1.572 căn nhà ở riêng lẻ), số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so với quý I/2023 và 29,17% so với quý II/2022. “Việc triển khai bị chậm hoặc bị dừng hẳn do nhiều dự án gặp khó khăn vướng mắc về pháp lý, về nguồn vốn…” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày báo cáo về thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày báo cáo về thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2023.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, lượng giao dịch BĐS, theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo (58/63 tỉnh), trong quý II/2023 có 96.977 giao dịch thành công, trong đó: Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ: có 29.725 giao dịch thành công, bằng 75,61% so với quý I/2023 và 43,03% so với quý II/2022; lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền với 67.525 giao dịch thành công, bằng g 99,98% so với quý I/2023 và 31,57% so với quý II/2022.  

Trong quý II/2023, giá giao dịch chung cư mới ở một số TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được đánh giá là có những khu vực tăng dù thị trường đang có dấu hiệu chững lại; giá bán BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên, mức độ giảm không nhiều như thời điểm cuối năm trước do các chi phí vốn hiện nay vẫn ở mức cao; giá bán của phân khúc biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2 - 5% so với quý trước (cá biệt có dự án sản phẩm liền kề shophouse của dựng án được rao bán giảm khoảng 10 - 15% số với giá gốc).

Cần nới rộng quy định pháp lý và vốn

Trình bày kiến nghị tại Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Sun Group Đặng Minh Trường cho biết, sự ra đời của Nghị quyết số 33/NQ-CP thực sự cần thiết và đã đi vào cuộc sống.

“Chúng tôi đánh giá cao Nghị định số 10/2023/NĐ-CP và số 35/2023/NĐ-CP. Nghị định số 10/2023/NĐ-CP đã tháo gỡ được rất nhiều pháp lý liên quan đến các công trình xây dựng gắn với đất sử dụng vào mục đích thương mại, cụ thể ở đây là condotel, biệt thự nghỉ dưỡng. Nghị định số 35/NĐ-CP bổ sung một số điều thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng đã tăng cường phân cấp thẩm quyền cho UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trong thẩm định báo cáo khả thi, quyền thẩm định thiết kế xây dựng… Do đó, rút ngắn rất nhiều các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng” – Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường nhìn nhận.

Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý.
Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý.

Chủ tịch Sun Group cho rằng, có 2 chính sách của Chính phủ tác động rất tích cực vào phân khúc BĐS du lịch, gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam mới có hiệu lực từ ngày 15/8. 7 tháng đầu năm chúng ta đón khoảng 6,6 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 83% kế hoạch 8 triệu lượt khách, dựa vào công tác truyền thông, rất nhiều đối tác, cơ sở lưu trú đã dự đoán tăng trưởng của du lịch trong 5 tháng cuối năm rất cao; Thứ hai là việc khởi công, khánh thành một loạt hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng du lịch. Điều này tạo lực đẩy, thúc đẩy phát triển BĐS, các ngành dịch vụ, thương mại, là tín hiệu rất vui cho BĐS du lịch và du lịch nói chung.

Trên cơ sở đó, Sun Group để xuất 3 nội dung: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và mở rộng danh sách được miễn thị thực. Hiện nay chúng ta mới miễn thị thực cho 7 nước và thị trường Bắc Âu. Ngoài ra là thị trường Ấn Độ với 1,5 tỷ khách, nên Chính phủ nghiên cứu mở rộng danh sách miễn thị thực cho các thị trường trên; Thứ hai, Bộ Giao thông vận tải thúc đẩy, tăng cường cấp thêm các slot chuyến bay quốc tế để đưa khách thị trường trọng điểm về Việt Nam; Thứ ba, tiếp tục tăng cường phân cấp thẩm quyền hơn nữa hoặc kiến nghị Quốc hội phân cấp thẩm quyền đối với các lĩnh vực, thí điểm ở một số địa phương về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng trong lĩnh vực xây dựng, phân cấp thẩm quyền về thiết kế cơ sở, điều chỉnh quy hoạch cục bộ… và tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, cấp phép đối với lĩnh vực BĐS.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp Nguyễn Đình Trung cho biết, Nghị quyết đã đi vào thực tế, phía DN rất cảm ơn Thủ tướng và tổ công tác đã có những chương trình giúp cho DN trong thời gian khó khăn vừa qu và kiến nghị 5 nội dung, gồm: Các cơ quan ban ngành từ Chính phủ đến tỉnh, thành có giải pháp hỗ trợ đặt mục tiêu DN được cấp phép xây dựng để đưa dự án vào triển khai; Ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn như dự án có chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thể được phép tiếp cận vốn vay.

Thứ ba, cần phải cho phép người mua NƠXH được phép chuyển nhượng BĐS của mình tự do. Trường hợp này có thể quy định bên nhận chuyển nhượng lại phải nộp thêm khoản tiền tương ứng phần giá trị tiền sử dụng đất, Nhà nước có thể thu ngay được tiền mà do họ chuyển nhượng tương đương giá trị sử dụng đất; Cần áp dụng CPI của địa phương nhằm phản ánh đúng tăng trưởng và tình trạng kinh tế của địa phương, tránh tình trạng giá bất động sản ở một số nơi cao.

Chủ tịch Hưng Thịnh Corp Nguyễn Đình Trung kiến nghị linh hoạt giải ngân các khoản vốn vay.
Chủ tịch Hưng Thịnh Corp Nguyễn Đình Trung kiến nghị linh hoạt giải ngân các khoản vốn vay.

“Cuối cùng, chúng tôi kiến nghị Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nên tính tới giải pháp sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hay còn gọi là phương pháp hệ số K). Với phương pháp này, DN có thể tính toán được tiền sử dụng đất mình phải đóng trước khi quyết định đầu tư và hợp tác đầu tư. Nhà nước không khó khăn trong việc định giá đất. Khi áp dụng phương pháp hệ số K, đảm bảo nguồn thu ngân sách, hài hoà lợi ích: Người dân - Nhà nước - Doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi kiến nghị tăng thuế TNDN của ngành nghề kinh doanh BĐS lên từ 20% tăng lên 28 - 30% dưới mức thuế khai thác tài nguyên quý hiếm hiện là 32 - 50%” - Chủ tịch Hưng Thịnh Corp Nguyễn Đình Trung kiến nghị.