Anh Đức Thắng ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) chia sẻ, tôi đang định cho cả gia đình đi du lịch Phú Yên mà giá vé máy bay từ Hà Nội đi Phú Yên tăng thêm 1 triệu đồng/vé nên đành phải chuyển hướng di chuyển bằng ô tô tới điểm du lịch Thiên Cầm (Nghệ Tĩnh).
Thời điểm này trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook cũng “dậy sóng” ý kiến có nên hoãn đi du lịch hè 2022 hay không? Tài khoản Hường Vinh trên mạng xã hội FB bầy tỏ, giờ khắp các điểm du lịch đều tăng giá thuê phòng khách sạn, giá tour và vé máy bay cũng tăng nên gia đình đang có ý định hoãn lại kế hoạch du lịch hè.
Tương tự tài khoản Vinh Phúc cho hay, trước cả nhà tôi 4 người đi du lịch Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm mất khoảng 15 triệu thì giờ phải thêm 5 - 7 triệu nữa mới đủ. Vậy chắc hoãn chuyến du lịch sang tháng 8 hoặc tháng 9 cho đỡ tốn kém.
Để hạn chế hiện tượng du khách không mua tour du lịch hè các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đang cố gắng hạn chế tăng giá vì như vậy khách sẽ "quay lưng" với du lịch hè và các chương trình du lịch cuối năm.
Phó Giám đốc Vietmoon Travel Ngô Văn Long chia sẻ, trong thời gian tới đơn vị sẽ tư vấn cho khách sự biến động giá dịch vụ hoặc điều chỉnh lịch trình tour để giảm các chi phí không cần thiết nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng tour. Ngoài ra, DN cũng sẽ ưu tiên giới thiệu với khách các điểm đến có chi phí chưa tăng cao nhưng chất lượng tương đương.
"Giá tour tăng là điều tất yếu của mùa du lịch cao điểm. Tuy nhiên, quá tải dịch vụ khiến chất lượng tour cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhiều điểm đến tương đồng, dịch vụ được đáp ứng đầy đủ nên thường tư vấn cho du khách qua đó mang lại lợi ích cho khách hàng", ông Long nêu rõ.
Chủ tịch HĐQT Golden Smile Travel Nguyễn Trần Hoàng Phương, lo lắng mặc dù ngành du lịch đang cố gắng kiềm chế giá tour nhưng đây là điều khó khả thi nếu xăng dầu tiếp tục tăng giá.
Việc giá tour tăng sẽ khiến khả năng thu hút du khách giảm và ngành du lịch Việt Nam mất lợi thế điểm đến quốc gia, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch mở cửa, phục hồi ngành kinh tế xanh. “Thời gian tới rất cần những chính sách kiểm soát việc tăng giá xăng dầu từ các cơ quan chức năng”- ông Phương kiến nghị.
Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài cho rằng nếu các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Tài Chính không có chính sách kiểm soát giá cả (đặc biệt là giá xăng dầu) hiệu quả, nạn “chặt chém” phát sinh, dẫn đến tình trạng “loạn giá”, thả nổi thị trường sẽ khiến du khách “ngại” đi du lịch.
Trong bối cảnh khó chồng khó, các DN mong mỏi Nhà nước sẽ kéo dài chính sách cơ cấu nợ vay, duy trì mức lãi suất ổn định, triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất áp dụng cho DN du lịch; đồng thời, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về visa dành cho khách du lịch quốc tế… qua đó thu hút du khách đến nhanh và đến nhiều hơn.