70 năm giải phóng Thủ đô

Nhiều giải pháp bảo đảm nguồn cung về thuốc, trang thiết bị y tế

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những khó khăn của ngành y tế, nhờ sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp, từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm, bảo đảm nguồn cung về thuốc, trang thiết bị y tế (TTBYT).

Bảo đảm đủ thuốc cung ứng cho thị trường

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt, ban hành nhiều văn bản, nghị quyết, nghị định và thông tư của các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề thuốc, vật tư, TTBYT.

Để bảo đảm nguồn cung về thuốc, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15, trong đó cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết năm 2024.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Y tế đã công bố 4 đợt với tổng số 10.572 thuốc (8.204 thuốc trong nước, 2.143 thuốc nước ngoài, 225 vaccine, sinh phẩm) được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết 31/12/2024.

Hiện nhiều bệnh viện đang thiếu nguồn thuốc và trang thiết bị y tế. Ảnh: Phạm Hùng
Hiện nhiều bệnh viện đang thiếu nguồn thuốc và trang thiết bị y tế. Ảnh: Phạm Hùng

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã cấp phép cho gần 3.000 thuốc chưa có số đăng ký theo quy định của Luật Dược, hiệu lực 3 - 5 năm, với số mới được cấp thêm này, hiện có khoảng 22.000 số đăng ký thuốc có visa lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại. Do vậy, hiện nay cơ bản bảo đảm được nguồn cung thuốc trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo Bộ Y tế, nhiều đơn vị đã tập trung triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đến nay đã cơ bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có từ 7.000 - 8.000 bệnh nhân, nhưng đến nay bệnh viện đã cơ bản đáp ứng được tất cả nhu cầu về thuốc.

Liên quan đến vấn đề thuốc hiếm, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, theo quy định của Luật Dược đã có nhiều quy trình về thuốc hiếm; chính sách Nhà nước về mua sắm; quy định về nhập khẩu, bán, chuyển nhượng của các bệnh viện; việc ưu tiên thẩm định thuốc hiếm; các thuốc hiếm bắt buộc phải dự trữ…

Bộ Y tế đã có Thông tư số 26/2019, trong đó có quy định 214 loại danh mục thuốc hiếm và 229 thuốc không sẵn có. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang xây dựng một quy chế liên quan đến việc dự trữ và bảo đảm thuốc đặc biệt hiếm để áp dụng trên toàn quốc.

Đề cập đến vấn đề thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, việc thiếu nguồn cung về thuốc chỉ xảy ra đối với một số thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm do khó khăn về nguồn cung ứng, không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng (như các thuốc chống độc, giải độc tố, huyết thanh kháng nọc rắn).

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột tại châu Âu, nên dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với một số thuốc như Albumin, Globulin (các thuốc này hầu như nước nào cũng thiếu).

 

Việc cung ứng và mua sắm các TTBYT đòi hỏi phải luôn tiếp cận những thế hệ mới nhất, bảo đảm an toàn nhất và quản lý TTBYT theo vòng đời một cách hiệu quả nhất, luôn có bảo trì, bảo hành để mang lại tính an toàn cho người bệnh. Đặc biệt, việc mua sắm phải tuân thủ đúng quy định của Nhà nước, bảo đảm công bằng, minh bạch, hiệu quả, kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

 

Với các thuốc đặc biệt hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất Chính phủ và đã được Chính phủ đồng ý xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai việc hình thành 3 - 6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Số lượng danh mục các thuốc dự trữ khoảng từ 15 - 20 loại và botulinum cũng là một trong các loại thuốc nằm trong danh mục các thuốc này. Đây cũng sẽ là một giải pháp căn cơ để bảo đảm các thuốc đặc biệt hiếm, dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Đồng bộ hệ thống pháp luật

Đặc biệt, để bảo đảm nguồn cung về TTBYT, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được Chính phủ ban hành và gần đây nhất Thông tư 14 cũng được Bộ Y tế bãi bỏ.

Đến nay, đã cơ bản tháo gỡ, giải quyết được nhiều khó khăn trong mua sắm vật tư, TTBYT liên quan đến thủ tục nhập khẩu. Trong đó, Bộ Y tế đã gia hạn hiệu lực cho trên 12.500 giấy phép nhập khẩu TTBYT đến hết ngày 31/12/2024.

Về cấp số lưu hành các TTBYT, đến nay, TTBYT loại A có 27.847 hồ sơ, TTBYT loại B có 14.508 hồ sơ, TTBYT loại C, D có 1.673 hồ sơ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, để bảo đảm nguồn cung đối với TTBYT, thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT để rà soát, đề xuất sửa đổi một số nội dung đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lần này để tháo gỡ các khó khăn trong việc mua sắm.

Trong đó, về phạm vi điều chỉnh tại dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lần này đối với hoạt động nhà thuốc trong cơ sở y tế, vaccine dịch vụ sẽ giao cơ sở tự quyết định mua sắm; đồng thời, bổ sung quy định về mua, thuê mua TBYT, mua sắm theo dịch vụ kết quả đầu ra, bổ sung quy định trong trường hợp cấp bách, gồm: gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư, TTBYT, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để kịp thời bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.

Thời gian qua, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Quốc hội cũng đang xem xét, thảo luận, thông qua về Luật Giá (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai hy vọng với việc thông qua Luật Đấu thầu, Luật Giá và hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật sẽ tháo gỡ những khó khăn cho cho việc mua sắm, đấu thầu TTBYT, thuốc men.

Nêu quan điểm về nội dung này, ĐB Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) đề xuất bổ sung cơ chế đấu thầu tập trung đối với thuốc, vật tư y tế tiêu hao có số lượng nhỏ, rất nhỏ, rất ít, rất hiếm và nên giao cho một đơn vị thuộc Bộ Y tế thực hiện để cung cấp cho tất cả các bệnh viện trên cả nước. Quy định như vậy mới có nhà cung cấp, phục vụ cho bệnh nhân ở tất cả các bệnh viện. Nếu nhu cầu mua sắm của bệnh viện quá ít thì không nhà thầu nào muốn tham dự.

“Đơn cử như mua huyết thanh chống nọc rắn, men chống độc như ở Quảng Nam, một số bệnh viện chỉ cần vài chục, nhiều lắm là vài trăm liều… Đấu thầu tập trung thuốc hiếm, nhu cầu sử dụng ít nhưng là thuốc thiết yếu sẽ bảo đảm cung ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu điều trị, tránh tình trạng bệnh viện tuyến dưới có phác đồ điều trị nhưng không có thuốc, đành phải chuyển lên tuyến trên, gây áp lực quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối. Cơ chế đấu thầu tập trung này đồng thời hạn chế được những tiêu cực trong mua sắm, bệnh nhân không phải mua thuốc trôi nổi trên thị trường…” - ĐB Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Thời gian qua, về việc mua thuốc, vật tư y tế gặp nhiều vướng mắc, Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm; đơn cử như: quy định cụ thể về các trường hợp mua sắm tập trung, đàm phán giá, chỉ định thầu mua thuốc, TBYT trong trường hợp khẩn cấp, cấp cứu; quy định về các cơ chế mua hóa chất, TBYT để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập của mô hình máy đặt, máy mượn hiện nay, tạo cơ sở pháp lý cho việc đấu thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật bảo đảm cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả.

Đồng thời, Dự thảo Luật quy định về ưu đãi trong mua thuốc để vừa tạo điều kiện cho phát triển nền sản xuất dược trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh...

 

Dự thảo Luật được rà soát, hoàn thiện theo hướng: chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đấu thầu với các luật có liên quan; rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà