Từ kết quả điều tra do Viện Phát triển DN (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) vừa công bố có thể thấy, các chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong năm qua chưa thực sự "ngấm" đều đến DN.Cũng theo Báo cáo khảo sát động thái của DN về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2013 và dự cảm năm 2014 của Viện Phát triển DN, các giải pháp giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và chính sách quản lý thị trường vàng miếng chưa được đánh giá cao. "Dường như các giải pháp, hỗ trợ thị trường và đầu tư chưa giải thoát cho DN khỏi nỗi ám ảnh về hàng tồn kho, vì thế tỷ lệ DN đánh giá chính sách này có hiệu quả "thấp và rất thấp" là 42% trong khi tỷ lệ DN đánh giá có hiệu quả "cao và rất cao" chỉ có 16,3%" - bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI nhận định.
Thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong ảnh: May hàng xuất khẩu tại Công ty May Đức Huy (KCN Vĩnh Tuy). Ảnh: Trần Việt
|
Bà Phạm Thị Thu Hằng cho rằng, nguyên nhân của kết quả này có thể do các giải pháp mà Chính phủ và địa phương đưa ra còn chung chung, dẫn đến việc chưa có những tác động tích cực rõ rệt mà DN có thể cảm nhận. Mặt khác, xét về tính chất của các giải pháp thì giải pháp về thị trường đôi khi chỉ có thể tác động đến một nhóm DN hoặc ngành hàng mà chưa thể mang lại hiệu ứng ngay lập tức và lan tỏa như chính sách kinh tế vĩ mô.
Đối với các giải pháp gia hạn thuế thu nhập DN, tỷ lệ DN đánh giá "có hiệu quả cao và rất cao" (37,5%) lớn hơn tỷ lệ DN đánh giá có hiệu quả "thấp và rất thấp" (22,9%). Tương tự, tỷ lệ này tương ứng là 37,7% và 21,3% đối với giải pháp gia hạn thuế VAT. Hỗ trợ về chính sách thuế là một trong những biện pháp truyền thống để hỗ trợ DN và thường được các DN đánh giá rất cao vì nhìn ngay được cái lợi trước mắt. Và đấy cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ được phần lớn các DN cho là "có hỗ trợ tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh". Không thể phủ nhận tác dụng tích cực của các biện pháp này. Tuy nhiên, rõ ràng các biện pháp này cũng chưa thể nói là đã đủ để giúp các DN vực dậy sau những sóng gió vừa qua.
Các giải pháp khác như hoàn thuế bảo vệ môi trường và giảm 50% tiền thuế đất năm 2013 và năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được xếp ở vị trí thứ hai trong bằng xếp hạng về "có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp". Xếp vị trí thứ ba là các nhóm giải pháp về vốn tính dụng, hoàn thiện cơ chế bảo lãnh cho các DN nhỏ và vừa, áp dụng mức thuế suất 5% đối với bán, cho thuê và cho thuê mua nhà ở xã hội, và áp dụng 20% thuế thu nhập DN đối với các DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng. Các giải pháp này đều có tỷ lệ DN đánh giá "có hiệu quả cao và rất cao" lớn hơn so với tỷ lệ DN đánh giá "thấp và rất thấp".
Năm 2013, dù lãi suất cho vay giảm 2 - 3% so với năm ngoái, nhưng đa số DN vẫn đánh giá là còn cao. Mặt khác, do tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng cao, nên các DN khó tiếp cận vốn, thời gian để vay được cũng kéo dài hơn, không như dự cảm sẽ thuận lợi trước đó của DN. Gần 35% DN không vay vốn do lãi suất cao. Gần 33% DN được hỏi vẫn phải vay lãi suất trên 12%; có trên 64% số DN được hỏi cho rằng sẽ gặp khó khăn với mức lãi này, nếu phải chịu trong dài hạn.