Nhiều giải pháp hỗ trợ nạn nhân bom, mìn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống kê từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương - phần lớn là những lao động chính trong gia đình.

Thông tin này được ông Lưu Hồng Sơn - Phó Chánh văn phòng Bộ LĐTB&XH cho biết tại buổi họp báo về Ngày thế giới phòng chống bom, mìn sáng 31/3.

Kết quả dự án “Điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn trên phạm vi toàn quốc” cho thấy, tất cả 63 tỉnh, TP đều bị ô nhiễm bom, mìn sau chiến tranh. Tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,8 triệu ha (chiếm 20,7% tổng diện tích cả nước). Ông Lưu Hồng Sơn cho biết, cùng với những chính sách trợ giúp nạn nhân bom mìn hiện hành, Bộ LĐTB&XH đang khảo sát, xây dựng dự án thí điểm trung tâm y tế cấp xã tại 10 tỉnh, TP (Đắk Nông, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang và Hưng Yên) để hỗ trợ nạn nhân bom, mìn phục hồi chức năng. Đồng thời thí điểm mô hình trợ giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Mô hình này tập trung phát hiện, can thiệp để phục hồi chức năng; trợ giúp nạn nhân học nghề tìm việc làm cũng như hỗ trợ sinh kế hòa nhập cộng đồng. Giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tăng cường năng lực cho địa phương để trợ giúp nạn nhân bom, mìn. Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách phát triển dịch vụ về trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bom, mìn.