Thêm cơ hội để “hiểu” cán bộ
Những năm qua, Tây Hồ đã có nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn trong quản lý, đánh giá cán bộ bằng các tiêu chí cụ thể; đồng thời, rà soát, phân loại, đánh giá số lượng, chất lượng cán bộ công chức, viên chức để có kế hoạch đào tạo. Theo lãnh đạo quận, cán bộ sau khi được quy hoạch đã có đầy đủ bằng cấp theo quy định, nhưng khi được điều động, luân chuyển nhất là luân chuyển làm Bí thư, Chủ tịch UBND phường thường lúng túng về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, ảnh hưởng đến việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Từ thực tế đó, hàng năm, Ban Thường vụ quận ủy đều tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ trong diện quy hoạch, trong đó chú trọng kỹ năng lãnh đạo quản lý sát với thực tiễn.
Việc xây dựng đề cương và thẩm định “Chương trình hành động của nhân sự dự kiến được giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm” là một sáng kiến nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại; từng bước nâng công tác giới thiệu, ứng cử. Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Đây không phải là một công đoạn trong quy trình bổ nhiệm cán bộ, nhưng là một trong nhiều khâu để đánh giá trách nhiệm, hiểu biết của cán bộ về chức năng, nhiệm vụ nơi mình dự kiến được bổ nhiệm. Một phần rất quan trọng là trên cơ sở hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn của cơ quan, đơn vị, ứng viên cần đưa ra những mục tiêu, giải pháp trước mắt và lâu dài mang tính đột phá. Hội đồng thẩm định sẽ có đánh giá năng lực cán bộ, có sự so sánh nếu có nhiều ứng viên cùng được giới thiệu vào một chức danh. “Ban Thường vụ Quận ủy sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề cương và lấy ý kiến cán bộ cơ sở để có sự đồng thuận, hưởng ứng khi thực hiện; góp phần nâng chất lượng công tác cán bộ, chọn được những người thực sự am hiểu và có năng lực” - ông Thắng cho biết.
Tiên phong chấm điểm cán bộ
Tây Hồ là một trong những đơn vị đầu tiên chủ động xây dựng quy trình, tiêu chí “chấm điểm” hằng năm đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý theo hướng thực chất, hiệu quả. Căn cứ tình hình thực tiễn, năm 2013, Ban Thường vụ Quận uỷ đã nghiên cứu xây dựng và ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá cán bộ với từng chức danh và các tiêu chí cụ thể, lấy hoàn thành nhiệm vụ là cơ sở để đánh giá. Năm 2017 là năm thứ tư, quận thực hiện kiểm điểm, đánh giá theo quy trình bắt buộc gồm nhiều bước chặt chẽ này.
Tùy chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí, Ban Thường vụ Quận ủy đề ra các tiêu chí cụ thể, chi tiết trong bảng điểm. Bước đầu tiên là cán bộ tự chấm điểm cho mình. Bảng điểm tự chấm được báo cáo tại hội nghị đảng ủy để đánh giá; gửi các đơn vị cấp dưới làm căn cứ chấm điểm cấp trên và gửi các đơn vị ngang cấp làm căn cứ chấm chéo. Ví dụ bí thư chi bộ tổ dân phố chấm điểm bí thư đảng ủy phường; phó chủ tịch UBND phường phụ trách đô thị chấm điểm lãnh đạo phòng Quản lý đô thị... Với những quy định rõ ràng, mỗi mục cán bộ bị chấm điểm thấp, người chấm phải ghi rõ lý do. Như chia sẻ của lãnh đạo quận, gần 4 năm nay, nhờ đánh giá thực chất, số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý đạt xuất sắc giảm, nhưng chưa có trường hợp nào thắc mắc, khiếu nại.
Đánh giá, nhận định chính xác năng lực, trình độ của cán bộ, thì các khâu tiếp theo là quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ mới thực chất, hiệu quả. Với quan điểm đó, cách làm của quận Tây Hồ thể hiện sự sáng tạo, đi đầu trong những khâu quan trọng để có “sản phẩm đầu ra” là những người nắm bắt và điều hành công việc tốt. Thực tế tại quận cho thấy, nhiều việc khó như quản lý đất đai, trật tự xây dựng... có sự chuyển biến tích cực, bắt nguồn từ công tác cán bộ.