Nhiều lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số ngành y tế

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giảm bớt tình trạng quá tải của bệnh viện (BV) công và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, Chính phủ đang thúc đẩy chương trình số hóa tại các BV và phòng khám trên cả nước.

Thời gian qua, ngành y tế đã thực hiện nhiều giải pháp đột phá chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng khám chữa bệnh (KCB) và phục vụ Nhân dân.

Tiện lợi nhờ chuyển đổi số

Là BV hạng II của TP Hà Nội, thời gian qua, BV Đa khoa huyện Quốc Oai tích cực triển khai phần mềm Quản lý khám chữa bệnh (HIS) áp dụng công nghệ lưu trữ hệ thống đám mây. Hệ thống lưu trữ toàn bộ lịch sử khám của bệnh nhân, giúp bác sĩ biết thông tin về bệnh lý của người bệnh, để KCB được chính xác và hiệu quả.

BV Đa khoa huyện Quốc Oai  riển khai phần mềm Quản lý khám chữa bệnh (HIS)
BV Đa khoa huyện Quốc Oai  riển khai phần mềm Quản lý khám chữa bệnh (HIS)

BV cũng tiếp tục triển khai phần mềm quản lý hình ảnh (PACS), phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS), triển khai lấy số tự động việc thực hiện xét nghiệm, giảm ùn tắc, đảm bảo công bằng cho người bệnh. Ngoài ra, BV đã và đang triển khai có hiệu quả hồ sơ bệnh án điều trị nội trú (bệnh án điện tử) tại các khoa, tiến tới BV thông minh, áp dụng hệ thống số hóa vào công tác KCB và điều trị; áp dụng công nghệ bệnh án không giấy và chữ ký số.

Theo báo cáo, năm 2021, tổng số lượt khám tại BV đạt 122.932 lượt; tổng số lượt bệnh nhân điều trị nội trú năm 2021 là 10.828 lượt. Đặc biệt, tháng 5/2022, BV đưa phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án điện tử áp dụng thí điểm tại khoa Ngoại Sản, từng bước chuyển đổi sang việc không sử dụng bệnh án giấy theo lộ trình thông tư 46/2018/TT-BYT. Theo lộ trình, BV sẽ hoàn thiện việc triển khai bệnh án không giấy cho toàn bộ các khoa trong viện vào cuối năm 2022.

BV Đa khoa huyện Quốc Oai đã triển khai thí điểm hệ thống đón tiếp từ xa, giúp người bệnh không phải đến tận nơi để lấy số đón tiếp, mà có thể thông qua hệ thống đón tiếp từ xa để đặt lịch khám phù hợp, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng công tác KCB.

Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho hệ thống y tế. Thực tế đã cho thấy, nhân viên y tế tuyến cơ sở rất thiếu về số lượng cũng như chưa thường xuyên được đào tạo, cập nhật kiến thức. Sự thiếu hụt về nhân lực, đội ngũ chuyên gia, khoảng cách xa,... là những thách thức rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Đoàn Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và các đơn vị xây dựng dự án www.Y360.vn từ năm 2020, với mong muốn góp thêm một phần nhỏ vào dữ liệu thông tin y khoa rộng lớn.

Sau 2 năm ấp ủ, đầu tư, xây dựng Cộng đồng y khoa Học và Đọc https://y360.vn/ được ra mắt.
Sau 2 năm ấp ủ, đầu tư, xây dựng Cộng đồng y khoa Học và Đọc https://y360.vn/ được ra mắt.

Sau 2 năm ấp ủ, đầu tư, xây dựng Cộng đồng y khoa Học và Đọc https://y360.vn/ - dự án của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam xây dựng được ra mắt, với mục tiêu xây dựng nền tảng học thuật dành cho các nhân viên y tế, góp phần nâng cao chuyên môn tiến tới thực hiện đào tạo kiến thức chuyên môn cho hội viên. Bên cạnh đó, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng đang xây dựng chương trình đào tạo cho nhân viên y tế cơ sở Y360.vn với quy mô 20.000 nhân viên y tế. Đây là dự án đầu tiên được thực hiện với quy mô khá lớn về việc ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo liên tục.

Thời gian qua, toàn ngành khẳng định chuyển đổi số trong y tế là bắt buộc, là xu hướng chung của tất cả quốc gia, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ trong KCB. Các phòng khám tư nhân cũng không nằm ngoài luồng xu hướng, cần phải ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, thăm khám và điều trị để mang lại sự hài lòng cao nhất cho người bệnh.

Việc ứng dụng phần mềm quản lý phòng khám sẽ hỗ trợ các cơ sở KCB tư nhân trong quản lý toàn diện hoạt động. Phòng khám thông minh không cần phải tốn quá nhiều chi phí, sức lực để vận hành, mà thông qua việc sử dụng công nghệ để mang lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động KCB, đem đến sự hài lòng cho người bệnh.

Với yêu cầu cầu đó, phần mềm quản lý phòng khám E-Clinic là giải pháp phù hợp giúp người bệnh có thể đăng ký online, không phải xếp hàng đăng ký khám, không cần chờ đợi kết quả cận lâm sàng. Việc đăng ký khám trực tiếp không cần phải mang theo nhiều giấy tờ, chỉ cần mang thẻ khám bệnh hoặc đọc họ tên. Ngoài ra, người bệnh không cần khai báo lại lịch sử khám trước đó, vì hệ thống phần mềm đã có lưu lại, chỉ cần tra cứu theo họ tên hoặc mã số khách đã có thể khai thác được lịch sử bệnh.

Chuyển đổi số biến nhiều điều không thể thành có thể

Đề cập đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho hay, chuyển đổi số sẽ tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ cơ quan, đơn vị ngành y. Cách thức lãnh đạo, quản lý công việc trong ngành y thời gian tới sẽ chính xác, kịp thời và hiệu quả hơn nhờ nền tảng công nghệ số. Không chỉ vậy, việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế sẽ được chuyển đổi từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số. Điều này góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.

Chuyển đổi số trong ngành y còn tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, từ đó hình thành nên người thầy thuốc số.

GS.TS Nguyễn Văn Kính chia sẻ, trong đại dịch Covid-19, nhờ việc hội chẩn, điều trị online, bệnh nhân là một phi công nước ngoài tưởng không qua khỏi nhưng đã trở lại được cuộc sống bình thường. Từ đại dịch này, chúng ta đã học được cách làm việc online trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt là việc áp dụng công nghệ số để chẩn đoán, tư vấn và điều trị từ xa. Nhờ hệ thống này mà các bệnh nhân ở những quần đảo ngoài xa cũng có thể được cấp cứu kịp thời.

Chuyển đổi số sẽ tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ cơ quan, đơn vị ngành y.
Chuyển đổi số sẽ tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ cơ quan, đơn vị ngành y.

Theo ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, chuyển đổi số đã hiện diện trong các BV tại Việt Nam. Trước đây, khi bác sĩ muốn khám cho bệnh nhân, người bệnh phải đến cơ sở y tế để bác sĩ trực tiếp “sờ, nhìn, gõ, nghe”. Giờ đây, với chuyển đổi số, bác sĩ có thể khám, chẩn đoán cho bệnh nhân từ xa. Trong nhiều trường hợp, nếu không dựa vào công nghệ số và việc chẩn đoán từ xa, chắc chắn người bệnh sẽ không thể được cứu khỏi. Đây là ví dụ cho thấy rõ nhất công nghệ số và chuyển đổi số đã giúp biến nhiều điều không thể thành có thể. “Sắp tới chúng ta sẽ làm sao để xây dựng BV 3 không “không giấy tờ, không xếp hàng, không thanh toán bằng tiền mặt” – ông Nguyễn Trường Nam nói.

Việt Nam sẽ đẩy mạnh KCB từ xa để người dân không đến BV mà vẫn có thể tiếp cận được dịch vụ y tế thông qua công nghệ số. Chủ động chăm sóc sức khỏe người dân chính là định hướng chuyển đổi số ngành y tế trong giai đoạn tới. Nhìn từ những lợi ích của chuyển đổi số mang lại cho thấy, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động chăm sóc sức khoẻ Nhân dân là vô cùng cần thiết, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện với mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia số.

Tại hội nghị ''Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững'', Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, thời gian qua, ngành y tế đạt được những kết quả đáng kể. Trong đó, chất lượng KCB tiếp tục được duy trì. Ngành đã đẩy mạnh triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB trực tuyến, từ xa, kết nối gần 30 bệnh viện tuyến trên với 1.500 cơ sở KCB trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Ứng dụng CNTT được đẩy mạnh.

Để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước đồng thời tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong y tế.

 

Hiện nay, nhằm góp phần thực hiện thành công Chính phủ số trên địa bàn TP, Hà Nội đang đẩy mạnh việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử trên cơ sở tích hợp, xác thực những thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhờ đó, chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) khi đi KCB BHYT, nhiều người dân không phải mang các loại thẻ, giấy tờ như trước nên rất tiện lợi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần