70 năm giải phóng Thủ đô

Nhiều minh chứng khẳng định tính đúng đắn của chương trình đào tạo song bằng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau 7 năm triển khai, Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng (Đề án) đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía phụ huynh, học sinh, góp phần định hướng cho việc triển khai chương trình quốc tế, chương trình giáo dục nâng cao ở các trường công lập trên địa bàn TP.

Ngày 4/4, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội thảo công tác triển khai Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng giai đoạn từ năm học 2017 – 2018 đến năm học 2023 – 2024 tại các trường phổ thông trên địa bàn TP.

Nhiều kết quả toàn diện, vượt trội

Với các Quyết định phê duyệt Đề án, từ năm học 2017-2018 đến nay, tại Hà Nội có 2 trường THPT công lập (THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A-Level của Cambrige; 7 trường THCS triển khai thí điểm Chương trình đào tạo song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE của Cambrige (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (hệ THCS), THCS Cầu Giấy, THCS Nghĩa Tân, THCS Trưng Vương, THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Thanh Xuân, THCS Chu Văn An).

Học sinh Trường THCS Cầu Giấy, 1 trong các trường phổ thông triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng
Trường THCS Cầu Giấy, 1 trong các trường phổ thông triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng.

Theo theo lộ trình của Đề án kéo dài thí điểm chương trình đào tạo song bằng, năm học 2023 - 2024 là năm cuối cấp THCS triển khai thí điểm và năm học 2024-2025 là năm cuối tuyển sinh hệ song bằng cấp THPT.

7 năm qua, Đề án cho thấy hiệu quả của một mô hình giáo dục mới. Tính đến hết tháng 5/2023 đã có 246 học sinh THPT hoàn thành Chương trình song bằng và thi lấy chứng chỉ A-Level; có 891 học sinh THCS tham gia Chương trình song bằng. Tỷ lệ học sinh đạt điểm A* và A cấp THPT cao hơn tỉ lệ trung bình của thế giới, 100% học sinh đạt học lực giỏi và hạnh kiểm tốt, có kỹ năng xã hội tốt, năng động và có năng lực tốt về ngoại ngữ và tin học; đa số đỗ, đạt học bổng vào các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước; nhiều học sinh là thành viên nòng cốt tham gia các kỳ thi học sinh giỏi và đã đạt 62 giải quốc gia, 102 giải quốc tế trong các kỳ thi.

Với chất lượng ngày một nâng cao về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, kết quả của Đề án đáp ứng mong đợi của học sinh và cha mẹ học sinh. Sức hút của chương trình thí điểm song bằng cũng ngày một lớn. Số học sinh đăng ký thi tuyển vào chương trình song bằng hàng năm luôn ổn định và có xu hướng tăng dần theo các năm.

“Sau 7 năm triển khai chương trình thí điểm song bằng, Ngành GD&ĐT Thủ đô đã thực hiện có kết quả chủ trương lớn của TP, tạo ra được một mô hình giáo dục mới mang tính quốc tế, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh theo hướng phát triển của thời đại, góp phần nâng tầm giáo dục Thủ đô ngày càng hòa nhập sâu rộng với môi trường giáo dục quốc tế, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại”, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.

Đề xuất tiếp tục thực hiện chương trình

Nêu ý kiến tại hội thảo, đại diện các nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh và các đơn vị đối tác trực tiếp tham gia thực hiện đề án đều bày tỏ tính ưu việt của chương trình song bằng và mong muốn chương trình tiếp tục được tuyển sinh, phát triển.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương: Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng đã đạt được các mục tiêu đề ra
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định: “Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng đã đạt được các mục tiêu đề ra”.

Là trường công lập duy nhất của Hà Nội có hai cấp học (THPT và THCS) triển khai thí điểm chương trình song bằng và có 100% thầy cô trong ban giám hiệu, tổ bộ môn tham gia ban điều phối chương trình, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam Trần Thùy Dương chia sẻ, học sinh khối song bằng của trường luôn đạt kết quả cao tại các kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi lớp 10 chuyên và lớp 10 song bằng; các em cũng giành nhiều học bổng cao của những trường ĐH top đầu thế giới; luôn thể hiện tính sáng tạo trong chương trình chính khóa, ngoại khóa...

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy Lê Kim Anh, chương trình đào tạo song bằng Việt Nam có sự khác biệt trong triết lý học tập, ở phương pháp luận, ý thức trách nhiệm cá nhân, nhân sinh quan với cuộc sống. Học sinh tham gia chương trình vừa có kỉ luật của phương Đông vừa có tư duy cởi mở, khoáng đạt của của phương Tây... Học sinh song bằng sau này sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi của quá trình phát triển đất nước.

Với em Lê Quỳnh Chi, học sinh lớp 9C2 Trường THCS Ngô Sĩ Liên- Hoàn Kiếm, học chương trình song bằng giúp em phát triển kỹ năng ngôn ngữ, tăng cường tương tác và thực hành giao tiếp, thể hiện bản thân một cách đầy tự tin và năng động; xây dựng hình ảnh thế hệ học sinh Thủ đô - những công dân toàn cầu sáng tạo, sẵn sàng chủ động giao lưu, hội nhập.

Còn chị Đinh Thị Ngọc Lan, phụ huynh có con theo học hệ song bằng tại Trường THCS Trưng Vương cho rằng, chương trình giúp các con nâng cấp bản thân không chỉ về kiến thức mà còn về kỹ năng; thầy cô luôn hết lòng vì học sinh, có phương pháp dạy học tích cực; môi trường học và giáo trình hiện đại… 

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhận định: “Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng đã đạt được các mục tiêu đề ra; nhận được những phản hồi tích cực từ phía phụ huynh, học sinh, góp phần định hướng cho việc triển khai chương trình quốc tế, chương trình giáo dục nâng cao ở các trường công lập trên địa bàn TP; hình thành được những chuẩn mực giá trị, thúc đẩy mô hình giáo dục quốc tế phát triển theo đúng định hướng của Bộ GD&ĐT và TP Hà Nội”.

Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị, để có thể tiếp tục triển khai Đề án ở giai đoạn tiếp theo, căn cứ vào kết luận của Bộ GD&ĐT, UBND TP, các nhà trường cần tiếp tục hoàn thiện xây dựng Đề án cho giai đoạn mới, khi đã có đầy đủ hành lang pháp lý, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, các trường tích cực nghiên cứu tham mưu đề xuất cơ chế chính sách phù hợp, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt, phấn đấu có một đội ngũ giáo viên quốc tế ổn định về số lượng, bảo đảm về chất lượng; tăng cường vai trò quản trị của nhà trường; phát huy vai trò của mô hình giáo dục mới trong hội nhập quốc tế; kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội và cá nhân đầu tư cho sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng nhu cầu dạy học theo chuẩn Cambridge….

“Rất mong UBND TP, Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, xem xét, tạo điều kiện cho phép mô hình giáo dục mới, tích hợp với chương trình quốc tế có thể được triển khai trong giai đoạn tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội cũng như nhu cầu thực tế của đông đảo học sinh và phụ huynh…”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương bày tỏ.

 

"Kết quả của chương trình tại các nhà trường đã chứng minh sự đúng đắn của một quyết định. Việc tổ chức lớp học theo chương trình song bằng mang lại quyền lợi cho học sinh; giúp học sinh và giáo viên được du học tại chỗ... Đây là căn cứ để đề xuất tiếp tục triển khai đào tạo chương trình trong thời gian tới..." – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.