Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều người nhiễm sán dây lợn do ăn đồ tái, sống

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn mắc bệnh sán dây lợn do ăn thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín kỹ. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng ngừa nhiễm sán lợn, người dân nên ăn chín uống sôi, không ăn thực phẩm tái, sống.

Nhiễm ấu trùng sán dây lợn do ăn uống không hợp vệ sinh

Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân V. (51 tuổi, Nam Định) nhập viện trong tình trạng ho nhiều, chảy nước mũi và đau ngực. Trước khi đến khám, bệnh nhân V. xuất hiện các triệu chứng bệnh và tự ý dùng thuốc ho dài ngày nhưng không thuyên giảm.

Sau khi khám và xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán dây lợn ở cơ. Đây là một trong nhiều bệnh nhân nhập viện khi đã mắc bệnh trong thời gian dài có nguy cơ gây nhiễm ấu trùng ở não, gây những biến chứng nguy hiểm như động kinh, viêm não, não úng thuỷ, thậm chí gây tử vong.

Bác sĩ Đào Đức An - Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, qua khai thác tiền sử dịch tễ, bệnh nhân V. từng ăn gỏi cá, nem chua, nem nắm và ăn rau sống thường xuyên. Đây là thói quen của phần lớn người dân Việt Nam hiện nay và chính là nguyên nhân cao dẫn đến nhiễm ấu trùng sán dây lợn.

Ăn rau sống thường xuyên có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán dây lợn.
Ăn rau sống thường xuyên có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán dây lợn.

Thời gian qua, nhiều bệnh viện cũng đã tiếp nhận các ca bệnh nhiễm ký sinh trùng, điển hình là bệnh liên quan ấu trùng sán dây lợn do ăn uống không hợp vệ sinh.

Đơn cử như, do có sở thích ăn đồ tái sống như gỏi cá, nem sống và tiết canh với tần suất dày đặc, ông T.V.N. (50 tuổi, ở Thái Nguyên) bị nhiễm ký sinh trùng sán dây. Sau điều trị, bệnh nhân xổ ra con sán dài khoảng 10m.

Tương tự, do thường xuyên bị nóng trong người  nên mỗi tháng, bà N.T.O. (58 tuổi, ở Hải Dương) ăn tiết canh tự đánh để giải nhiệt. Sau mấy tháng, bà bị ngã, được cấp cứu, điều trị tại cơ sở y tế địa phương và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bà bị ấu trùng sán lợn lên não và được chuyển sang Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương).

Bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, các biểu hiện nhiễm sán của bệnh bà O. khiến nhiều người lầm tưởng sang bệnh tai biến, đột quỵ. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị liệt nửa người và các di chứng kèm theo.

Tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm

Theo TS Trần Huy Thọ - Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, nguyên nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn ở người do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, thói quen ở một số vùng miền, ăn thực phẩm sống, nấu chưa chín như tiết canh, nem chạo, nem thính, rau sống…

Ở vùng núi, tình trạng chăn thả lợn rông vẫn còn nhiều, trong chất thải của lợn có thể có trứng sán. Khi người hoặc động vật ăn phải rau cỏ, thực phẩm có trứng sán thì sẽ bị nhiễm sán lợn.

Nhiều người quan niệm, ăn tiết canh lợn nhà nuôi, tiết canh vịt nhà tự làm sẽ không thể bị nhiễm sán. Tuy nhiên, TS Trần Huy Thọ cho rằng, suy nghĩ này không đúng. Ăn tiết canh sống không đảm bảo an toàn, tiết canh cũng không phải thực phẩm giúp giải nhiệt như nhiều người nghĩ. 

Các loại tiết canh đều tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm.
Các loại tiết canh đều tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm.

“Các loại tiết canh dù là tiết canh lợn, dê, vịt… thực chất đều là máu sống, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn, nhiễm ấu trùng giun sán… Thực tế, nhiều bệnh nhân nhiễm các loại ký sinh trùng có tổn thương ở não đi khám ở các cơ sở y tế nhưng không chẩn đoán ra bệnh. Thậm chí, nhiều ca bệnh ở giai đoạn tương đối muộn, ký sinh trùng đã tấn công vào cơ thể và lên não khiến người bệnh phải chịu nhiều di chứng suốt đời (giảm thị lực, co giật như động kinh....)” - TS Trần Huy Thọ cảnh báo.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Đào Đức An - Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, bệnh ấu trùng sán dây lợn là bệnh ký sinh trùng gây ra do người ăn phải trứng sán dây lợn Taenia solium qua thực phẩm hoặc nước uống.

Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà cơ thể sẽ có những biểu hiện và mức độ nguy hiểm khác nhau. Đặc biệt trên những bệnh nhân mắc bệnh nội tiết mãn tính như đái tháo đường, suy thượng thận, dễ mắc những bệnh nhiễm trùng nặng, tỉ lệ biến chứng nặng cao hơn. Do đó, người dân cần chú ý phòng bệnh.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên chủ động phòng ngừa nhiễm sán lợn bằng cách vệ sinh môi trường sạch sẽ, quản lý nguồn chất thải thật tốt. Trong sinh hoạt hàng ngày, sử dụng nguồn nước sạch và an toàn thực phẩm là điều vô cùng quan trọng để phòng bệnh sán dây lợn.

Bên cạnh đó, người dân cần ăn chín uống sôi,  không được ăn thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn (tiết canh, nem) khi chưa nấu chín, tránh xa thịt lợn gạo và hạn chế ăn rau sống.

Đặc biệt, nếu phát hiện có biểu hiện bất thường dưới da, u nhỏ trong cơ như hạt đậu tương hoặc hạt lạc, đau đầu, co giật, hay đã từng đi ngoài có đốt sán nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, điều trị kịp thời.

 

Bệnh ấu trùng sán dây lợn xảy ra khi ăn phải trứng sán dây lợn. Ấu trùng sán dây lợn có thể phát triển ở cơ, da, mắt và hệ thần kinh trung ương. Trường hợp nặng có thể gây đau đầu dữ dội, nôn, co giật hoặc động kinh.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Bình - Phó Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương