Nhiều người sai lầm khi test Covid-19 liên tục

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam liên tiếp tăng cao, nhất là tại Hà Nội, số ca nhiễm luôn đứng đầu cả nước. Việc bùng nổ F0 khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng tìm mua kit test nhanh cho cả gia đình và thực hiện test liên tục tại nhà gây lãng phí lớn.

Mỗi ngày test một lần!

Anh Nguyễn Phan Hùng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ở cơ quan nơi anh làm việc, ngày nào cũng phát hiện thêm 5-7 ca nhiễm mới, để cẩn thận, mỗi ngày trước khi đi làm, anh thực hiện test Covid-19 một lần. Nhiều hôm lo lắng quá, tối đi làm về anh lại test thêm lần nữa. “Giá đình tôi có bố, mẹ cao tuổi, có bệnh nền, chỉ sợ mang bệnh về lây nhiễm cho gia đình nên tôi test thường xuyên cho yên tâm”.

Tương tự, chị Nguyễn Hoài Thương (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, gia đình chị có 2 con nhỏ chưa tiêm vaccine, nên hàng ngày chị vẫn phải test, nhỡ “dính” còn cách ly với 2 đứa. Tính ra mỗi ngày cả 2 vợ chồng chị mất 200.000 đồng tiền test Covid-19. “Vợ chồng tôi test liên tục từ Tết đến nay, tính ra mất 5-6 triệu tiền mua kit test, tốn kém vô cùng”.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều người dân hiện nay, họ thực hiện test hàng ngày vì lo ngại mình nhiễm Covid-19. "Test nhiều vừa tốn kém, vừa khó chịu, đau mũi lắm nhưng để phòng tránh lây bệnh cho cả nhà, vợ chồng tôi đặc thù công việc phải giao tiếp nhiều nên phải giữ cho gia đình, test hàng ngày cho yên tâm” – chị Trần Thu Phương, nhân viên ngân hàng Techcombank cho biết.

Không chỉ thực hiện test nhanh tại nhà, để “chắc ăn” hơn, nhiều người còn thường xuyên xét nghiệm PCR. “Test nhanh kết quả có thể chưa chính xác, cứ 3 ngày tôi lại đến Medlatec xét nghiệm PCR một lần để biết chắc chắn mình có bị nhiễm hay không. Công ty tôi quá nhiều người dương tính, tôi chỉ biết phòng cho bản thân, kéo dài được ngày nào hay ngày đó, vì nhà có con nhỏ 8 tuổi chưa được tiêm vaccine”.

Khi nào cần test Covid-19?

Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, người dân tự phòng tránh bệnh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, không nên thực hiện test nhanh thường xuyên, liên tục nếu không tiếp xúc với F0 hoặc không có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, đau họng… Ngoài ra, hiện trên thị trường, trên mạng xã hội rao bán nhiều loại kit test nhanh với chất lượng, giá cả khác nhau. Thậm chí, nhiều loại kit xét nghiệm nhanh không nằm trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Vì vậy, người dân không nên mua hàng trôi nổi, hàng xách tay không rõ nguồn gốc. Nên tìm hiểu các loại kit test nhanh đã được Bộ Y tế cấp phép và sử dụng theo hướng dẫn.

Cũng theo ông Tuấn, nhiều người thực hiện test chưa đúng cách, vì vậy kết quả có thể sai lệch. Khi test, test cần đưa que đến vùng tỵ hầu thì khả năng "tìm" virus mới cao bởi virus cư trú ở vùng tỵ hầu. Nếu chỉ dùng que ngoáy vùng mũi trước thì không hiệu quả. Dù test nhiều lần, test đi test lại nhưng chưa đúng cách thì không những không đạt hiệu quả mà còn gây tốn kém không cần thiết" – ông Tuấn nói.

Ngoài ra, nhiều trường hợp nhiễm Covid-19, tự điều trị tại nhà và thường xuyên thực hiện test nhanh. Có trường hợp buổi sáng cho kết quả âm tính nhưng buổi chiều khi test lại thì lại kết quả dương tính hoặc ngược lại. Theo các bác sĩ, test nhanh vẫn có xác suất âm tính giả hoặc dương tính giả. Ngoài ra, còn có trường hợp khác là do tải lượng virus thấp nên có thể khi nhiễm bệnh rồi, kết quả test nhanh vẫn âm tính, hôm sau mới lên dương tính. Bên cạnh đó, kết quả còn phụ thuộc vào các yếu tố như: Vị trí lấy mẫu, thời gian từ lúc bệnh khởi phát đến khi lấy mẫu, người bệnh có triệu chứng hay không triệu chứng và nồng độ virus trong mẫu bệnh phẩm ảnh hưởng đến độ nhạy của test nhanh kháng nguyên.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân chỉ nên xét nghiệm khi có yếu tố nguy cơ, ngay cả khi tiếp xúc gần F0, cũng không cần xét nghiệm ngay, mà chỉ test khi có triệu chứng. Vì có test nhanh ngay sau khi tiếp xúc với F0 cũng không cho kết quả chính xác. Vì qua theo dõi và điều trị thực tế, các chuyên gia y tế rút ra kinh nghiệm, phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, tiếp xúc xét nghiệm ngay không có giá trị.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần