Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Bài, ảnh: Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong điều kiện thời tiết hiện nay, diễn biến dịch bệnh khó lường, nhất là dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng. Nguy hiểm hơn, ở giai đoạn này, người dân lo phòng dịch Covid-19 mà lơ là, chủ quan với SXH.

Chống dịch Covid-19 không quên phòng bệnh sốt xuất huyết
Là một trong những “điểm nóng” về SXH, những ngày qua, tình hình dịch SXH trên địa bàn huyện Hoài Đức đang có diễn biến phức tạp, số ca mắc có dấu hiệu tăng lên. Theo ghi nhận, tại địa phương này có 12 ổ dịch SXH với 57 trường hợp mắc tại 9/20 xã, thị trấn. Đáng lưu ýĐức Giang là xã đứng đầu ghi nhận số ca mắc nhiều nhất trong toàn huyện với 27 ca SXH, tại 2/4 thôn, toàn xã có 4 ổ dịch. Các ổ dịch còn lại nằm rải rác trên địa bàn huyện, trong đó, xã Cát Quế ghi nhận 8 ca, tại một số xã như Yên Sở, Sơn Đồng ghi nhận 1-3 ca mắc SXH… Để chủ động phòng, chống dịch, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp. Riêng xã Đức Giang, từ đầu năm đến nay đã tổ chức 2 chiến dịch vệ sinh môi trường (VSMT), diệt bọ gậy, 2 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi, xử lý các ổ dịch SXH.
 Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành  tế, người dân huyện Hoài Đức tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. 
Bác sĩ Khánh Thị Việt Hà – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế (TTYT) huyện Hoài Đức cho biết, ngay sau khi phát hiện ổ dịch SXH tại xã Đức Giang, TTYT huyện đã phối hợp với trạm y tế xã tổ chức nhiều đợt phun hóa chất, VSMT, diệt bọ gậy. Ngoài ra, huyện triển khai các biện pháp điều tra, bao vây, khoanh vùng xử lý ổ dịch, giám sát phát hiện ca bệnh tại cộng đồng. “Nhìn chung, dịch SXH năm nào cũng tồn tại nhiều nguy cơ. Do công tác VSMT, xử lý diệt bọ gậy chưa triệt để. Mặt khác, do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều nên tình hình khó kiểm soát” - bác sĩ Hà nhìn nhận.
Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc TTYT huyện Hoài Đức Trần Quang Tuấn cho hay, gần như năm nào, huyện cũng trở thành “điểm nóng” về SXH. Dù tập trung phòng, chống dịch Covid-19, nhưng huyện vẫn không quên triển khai phòng, chống dịch SXH như phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy. Bên cạnh đó, tổ xung kích diệt bọ gậy “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân VSMT, nhất là ở những xã có ổ dịch. Đến nay, tỷ lệ phun hóa chất trên địa bàn huyện tăng lên 97%. Sau khi phun, chỉ số muỗi, vật chủ trung gian truyền bệnh đã giảm, các ổ dịch được khống chế, xử lý triệt để. Nếu như cách đây 2 tuần, huyện ghi nhận 10 ca mắc SXH/tuần, thì hiện tại giảm còn 6-7 ca/tuần.
Tiềm ẩn nguy cơ
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 334 ca mắc SXH phân bố tại 136 xã thuộc 26 quận, huyện, chưa có trường hợp tử vong. Trong đó, những quận, huyện có số ca mắc nhiều nhất là quận Đống Đa với 82 ca, huyện Hoài Đức 57 ca, quận Nam Từ Liêm 18 ca,  quận Thanh Xuân 18 ca…
Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho hay, so với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc SXH trên địa bàn TP giảm 868 ca mắc. Tuy nhiên, thời gian tới, nguy cơ bùng phát dịch SXH có thể gia tăng. Vì vậy, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cần tiếp tục tăng cường triển khai chiến dịch phòng, chống SXH.
 Huyện Hoài Đức triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.
"Theo chu kỳ 4 năm 1 lần, dịch SXH sẽ bùng phát mạnh ở miền Bắc. Năm 2017, dịch bệnh này gia tăng mạnh ở khu vực này, trong đó, Hà Nội trở thành "điểm nóng" với 37.651 ca mắc và 7 trường hợp tử vong. Năm 2021, đúng vào chu kỳ nói trên nên dự báo tiềm ẩn nguy cơ lớn SXH bùng phát thành dịch. Vì vậy, cả ngành chức năng và người dân tuyệt đối không chủ quan” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị các địa phương triển khai có hiệu quả, phát huy vai trò của chính quyền, người dân tích cực trong phòng, chống SXH, vẫn đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng chống Covid-19. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành  tế, mỗi người dân, gia đình, hàng ngày, hàng tuần nên thực hiện vệ sinh môi trường, loại bỏ vật dụng chứa nước, tổ chức diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi không có lăng quăng, bọ gậy, không có muỗi vằn, sẽ không có SXH.
“Mặt khác, TTYT các quận, huyện, thị xã phải triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý ổ dịch SXH tại địa phương, bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật, giám sát vật chủ trung gian truyền bệnh trước và sau khi xử lý. Khi có triệu chứng  sốt kéo dài, nghi ngờ mắc SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà. Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn phải tổ chức tốt việc thu dung bệnh nhân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong do SXH” - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý.
Đề cập đến vấn đề điều trị bệnh SXH, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp cho rằng, SXH nếu phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ thì sẽ khỏi bệnh, không để lại di chứng. Bất kỳ ai cũng có thể  mắc SXH dù trước đó đã từng mắc, lần sau mắc sẽ nặng hơn lần trước, vì có nhiều tuýp khác nhau. SXH không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Do vậy, mỗi người có thể sẽ SXH 4 lần trong cả đời người. 
Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh mắc SXH sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà. Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước, nhiều người bệnh hay cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng.
 Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của SXH như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt... , đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Tất cả các bệnh viện địa phương đều có khả năng điều trị bệnh SXH, không nhất thiết phải đến tuyến trung ương, gây nguy hiểm cho bệnh nhân nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Chỉ trong những trường hợp bệnh nhân bị sốc, suy tạng, y tế tuyến cơ sở sẽ hồi sức ban đầu và cho chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến Trung ương bằng xe cứu thương.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương