Nhiều nước tái phong tỏa vì biến thể Delta, giá dầu tiếp tục lao dốc

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tiếp tiếp tục giảm trong phiên ngày 29/6 do triển vọng phục hồi tăng chậm khi biến thể Delta đang bùng phát tại nhiều nước.

Thị trường dầu mỏ chứng kiến phiên giảm giá thứ hai liên tiếp trong ngày thứ Ba khi nhiều nước phải tái áp đặt lệnh phong tỏa và biện pháp hạn chế trước lo ngại về sự lây lan nghiêm trọng của biến thể Delta.
Cụ thể, giá dầu Brent sụt 26 xu Mỹ, tương đương 0,4% xuống còn 74,42 USD/thùng sau khi giảm 2% trong phiên ngày thứ Hai.
 Giá dầu giảm phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 29/6 do lo ngại triển vọng nhu cầu tăng chậm lại.
Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ mấy 19 xu Mỹ, khoảng 0,3%, về mức 72,72 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này cũng giảm 1,5% trong phiên ngày 28/6.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Hiện có nhiều mối lo ngại về biến chủng Delta. Delta là biến chủng dễ lây lan nhất trong số các biến chủng được xác định cho đến nay. Biến thể này được xác định ở ít nhất 85 quốc gia và đang lan truyền nhanh chóng trong các khu vực chưa được tiêm chủng".
Tại Bangladesh, lệnh phong tỏa toàn quốc mới bắt đầu có hiệu lực vào ngày 28/6. Các văn phòng phải đóng cửa trong vòng một tuần và chỉ cho phép vận chuyển liên quan đến y tế.
Trước làn sóng dịch Covid-19 mới nhất, TP lớn nhất của Australia là Sydney đã bắt đầu đợt phong tỏa kéo dài hai tuần từ ngày 28/6. Người dân được lệnh ở nhà, và chỉ được di chuyển trong trường hợp cấp thiết. Khoảng 5 triệu người Sydney cùng hàng trăm nghìn người ở các thị trấn lân cận chịu hảnh hưởng từ các hạn chế này.
Trong khi đó, New Zealand đã thông báo tạm dừng ba ngày đối với việc đi lại không cần cách ly với Australia.
Còn tại châu Âu, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hôm 28/6 đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với du khách Anh chưa tiêm phòng vaccine Covid-19.
Đợt bùng phát mạnh của biến thể Delta tại nhiều nước diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là nhóm OPEC+, chuẩn bị tổ chức cuộc gặp vào ngày 1/7 tới đế thảo luận về chính sách điều hành sản lượng.
Dự báo nhu cầu của OPEC cho thấy, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm 2,2 triệu thùng/ngày trong quý IV năm nay, điều này có thể thúc đẩy các nhà sản xuất chủ chốt nhất trí tăng sản lượng trong cuộc họp sắp tới.
Giới phân tích kỳ vọng các nước OPEC+ sẽ nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng từ tháng 8 khi thị trường được thắt chặt hơn nhờ nhu cầu nhiên liệu tăng trưởng mạnh tại Mỹ và Trung Quốc - hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
"Chúng tôi kỳ vọng OPEC và các đồng minh sẽ tăng sản lượng thêm khoảng 250 ngàn thùng/ngày từ tháng 8 trở đi. Nếu liên minh này không bổ sung nguồn cung dầu mỏ, giá dầu Brent có thể tăng vọt lên 80 USD/thùng trong tháng 7 tới”, chuyên gia kinh tế Howie Lee tại Trung tâm tài chính OCBC ở Singapore nhận định.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo về dữ liệu dầu tồn kho của Mỹ để đánh giá về triển vọng nhu cầu. Theo kết quả thăm dò sơ bộ của Reuters, dự trữ dầu thô của Mỹ có thể sẽ tiếp tục ghi nhận tuần giảm thứ sáu liên tiếp, trong khi dự trữ xăng cũng sụt nhẹ.
Bảy nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 25/6 dự kiến giảm khoảng 4,5 triệu thùng. Theo kế hoạch, Viện Dầu mỏ Mỹ sẽ công bố báo cáo về lượng dầu tồn kho vào ngày thứ Ba, còn dữ liệu mới nhất sẽ được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố vào ngày thứ Tư./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần