Ngày 23/7, trả lời phỏng vấn RT, Đại sứ Nam Phi Anil Sooklal - phụ trách quan hệ với BRICS nói, khối các nước có nền kinh tế mới nổi sẵn sàng đối thoại với tất cả mọi người, đồng thời khẳng định BRICS không phân biệt giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu.
Đại sứ Sooklal nhấn mạnh, BRICS luôn đón nhận bất kỳ quốc gia nào có cùng tầm nhìn về một trật tự toàn cầu bao trùm và công bằng hơn.
Khối kinh tế BRICS hiện có 5 thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và gần một phần tư GDP của thế giới.
Trước đó, ngày 20/7, phát biểu tại cuộc họp báo ở Johannesburg, ông Sooklal tiết lộ có hơn 40 quốc gia bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS, trong bối cảnh khối muốn mở rộng.
Cũng theo nhà ngoại giao Nam Phi, đã có 22 quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập khối, trong khi hơn 20 nước khác đang thỏa luận không chính thức về việc tham gia BRICS.
Ông Sooklal nói thêm rằng, trong khi Liên hợp quốc vẫn chưa chịu bắt tay vào cải cách toàn diện để mang lại cho các nước đang phát triển tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế, BRICS đã vạch ra con đường riêng của mình để khắc phục vấn đề này.
Tuy nhiên, Đại sứ Sooklal khẳng định rằng khối “không tìm cách trở thành một lực lượng thống trị kinh tế toàn cầu” mà muốn sử dụng “sự liên kết giữa các nước thành viên tạo ra sự thay đổi”.
Nhà ngoại giao Nam Phi nêu rõ: “Chúng tôi không muốn một thế giới có một hoặc hai siêu cường toàn cầu, sự phân bổ quyền lực như vậy sẽ gieo rắc sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế”.
Theo như những gì ông Sooklal từng tiết lộ, Argentina, Iran, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) hiện nằm trong các nước muốn gia nhập BRICS trong thời gian tới.
Nam Phi đang là quốc gia chủ tịch BRICS và sẽ là quốc gia tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại thành phố Johannesburg ngày 22-24/8. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã gửi lời mời tới gần 70 nhà lãnh đạo trên thế giới đến tham dự hội nghị lần này.
Vì sao ngày càng có nhiều nước muốn gia nhập BRICS?
Theo tờ SCMP, ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới muốn tham gia vào BRICS vì những mục đích khác nhau như về vấn đề tài chính và mở rộng ảnh hưởng.
BRICS ngày càng trở nên hấp dẫn như một nền tảng mới cho ngoại giao và tài trợ phát triển. Theo các nhà quan sát, nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia ở châu Phi, coi đây là một tổ chức có thể thách thức cấu trúc quản trị toàn cầu do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chi phối.
Với việc các thành viên BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới và khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, ngày càng có nhiều thất vọng về sự thống trị của phương Tây đối với các hệ thống tài chính quốc tế.
XN Iraki, Giáo sư kinh tế tại Đại học Nairobi, nhận định rằng nhiều quốc gia coi BRICS là cơ hội để thoát khỏi sự thống trị của phương Tây cả về kinh tế và chính trị.
Theo ông Iraki, Trung Quốc và Ấn Độ là những cường quốc mới nổi và coi châu Phi là “sân chơi mới” của họ. "Họ có thể sẽ cạnh tranh với nhau để 'gây ấn tượng' với châu Phi thông qua các gói viện trợ, các khoản vay ưu đãi hoặc thương mại. Thành viên mới cũng sẽ là một vấn đề quan trọng" - ông Iraki cho hay.
Cũng có quan điểm tương tự, ông Cameron Hudson, cộng tác viên cao cấp tại chương trình châu Phi của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng BRICS đã mang đến cho các quốc gia châu Phi một con đường khả thi để tạo đòn bẩy và ảnh hưởng quốc tế.
Theo vị chuyên gia này, rõ ràng các nước châu Phi quan tâm đến một thế giới đa cực hơn, mang lại cho họ cơ hội lớn hơn để định hình các vấn đề có ảnh hưởng đến họ, từ biến đổi khí hậu đến tài chính cho phát triển hay chính trị toàn cầu.
Chuyên gia Hudson lưu ý nhiều quốc gia xem BRICS là một cách khác để thúc đẩy những lợi ích đó, bên cạnh những nỗ lực cải cách các công cụ quyền lực toàn cầu hiện có tại G20, Liên hợp quốc, Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Ví dụ, Ai Cập, quốc gia đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tiền tệ, đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS vào tháng 6 vừa qua.
Theo Đại sứ Nga tại Ai Cập Georgy Borisenko, Cairo coi việc BRICS tập trung vào vấn đề tiền tệ là lý do chính để tham gia. Đại sứ Borisenko lưu ý thêm: "Một trong những sáng kiến mà BRICS hiện đang thảo luận là tiến hành giao dịch thương mại bằng các loại tiền tệ thay thế, cho dù là đồng tiền quốc gia hay thiết lập một số loại tiền tệ chung".
Paul Nantulya, cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi, cho rằng một số thành viên mới tiềm năng như Iran, vốn bị cấm vận kinh tế, đang tìm cách mở rộng khả năng tiếp cận quốc tế của họ một phần để tránh bị cô lập. Trong khi đó, những nước khác như Ethiopia, Algeria và Ai Cập đang cạnh tranh khốc liệt để giành thị trường mới.
Theo ông Nantulya, Ả Rập Saudi đang tìm cách mở rộng và tăng cường quan hệ với Trung Quốc và việc gia nhập BRICS được coi là hấp dẫn và mang tính chiến lược. Argentina cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố tương tự.
Joe Sullivan, cựu quan chức Nhà Trắng, cũng thừa nhận nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước ở châu Phi, từ lâu đã mong muốn có một tổ chức đa phương phản ánh lợi ích của “Nam bán cầu”.