Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều quy định liên quan đất đai, nhà ở có hiệu lực từ năm 2022

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, từ năm 2022, có thêm nhiều quy định liên quan đất đai, nhà ở có hiệu lực; và các quy định mới này có tác động lớn đến thị trường bất động sản.

Các chính sách mới về đất đai mới ban hành bao gồm:Thông qua quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030

Tại Nghị quyết 39/2021, Quốc hội đã thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.

Nhiều quy định liên quan đất đai, nhà ở có hiệu lực từ năm 2022 - Ảnh 1

Mục tiêu của Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đồng thời nhằm bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%;

Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng; hạn chế tình trạng suy thoái đất; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nghị quyết 39/2021/QH15 có hiệu lực từ ngày 28/12/2021.

Sửa quy định về phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Có hiệu lực từ ngày 10/01/2022, Thông tư 106/2021/TT-BTC sửa đổi quy định một số loại phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cụ thể, phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Là khoản thu đối với công việc thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ đảm bảo việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (bao gồm cấp lần đầu, cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận và chứng nhận biến động vào giấy chứng nhận đã cấp) theo quy định của pháp luật.

(Hiện hành, tại Thông tư 85/2019 chỉ quy định “cấp” giấy chứng nhận, còn Thông tư 106/2021 chia thành “cấp lần đầu” và “cấp mới”).

Căn cứ quy mô diện tích của thửa đất, tính chất phức tạp của từng loại hồ sơ, mục đích sử dụng đất và điều kiện cụ thể của địa phương để quy định mức thu phí cho từng trường hợp.

Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về đất đai

Từ ngày 01/12/2021, Quyết định 35/2021/QĐ_ TTg bãi bỏ toàn bộ 27 văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng ban hành, trong đó, có 2 văn bản liên quan đến đất đai, gồm:

- Quyết định 105/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nộp nợ thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuê nhà, đất.

- Quyết định 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.

Các chính sách mới về nhà ở mới ban hành gồm:

1. Lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở trong năm 2022 là 4,8%/năm

Mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở áp dụng trong năm 2022 không thay đổi so với năm 2021 nhưng đã giảm 0,2% so với năm 2019 và 2020.

Đây là nội dung tại Quyết định 1956/QĐ-NHNN ngày 03/12/2021 về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN, Thông tư 32/2014/TT-NHNNvà Thông tư 25/2016/TT-NHNN.

Cụ thể, mức lãi suất của ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở là 4,8%/năm.

Theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN, đối tượng vay vốn gồm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15.000.000 đồng/m2 được quy định tại Thông tư 07/2013/TT-BXD.

Bên cạnh đó, theo Thông tư 32/2014/TT-NHNN, đối tượng vay vốn là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1.050.000.000 đồng.

2. Điểm mới về chính sách vay mua, thuê mua nhà ở xã hội

Từ ngày 20/01/2022, Thông tư 20/2021/TT- NHNN sửa đổi Thông tư 25/2015/TT-NHNNhướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội có hiệu lực thi hành.

Cụ thể, Thông tư 20/2021/TT-NHNN đã bỏ quy định về ưu đãi lãi suất khi vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; kể từ ngày 20/01/2022, đối tượng được vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội tại các tổ chức tín dụng được nhà nước chỉ định gồm:

- Đối tượng vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

- Đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Như vậy, kể từ ngày 20/01/2022, việc vay mua nhà ở xã hội được thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

3. Vay ưu đãi để xây dựng mới nhà ở tối đa 500 triệu đồng

Đây là cũng là điểm mới tại Thông tư 20/2021/TT-NHNN.

Theo đó, mức vốn cho vay đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình như sau:

- Mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay.

- Mức vốn cho vay tối đa không quá 500.000.000 đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

(So với hiện hành, Thông tư 20/2021/TT-NHNN đã giới hạn mức vốn cho vay không quá 500.000.000 đồng).

Về thời hạn cho vay

Đối với đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP thì thời hạn cho vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

(Hiện hành chỉ quy định thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm).

Theo luật sư Phạm Thị Bích Hảo, với những chính sách mới về đất đai việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 đã tạo ra nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời với sự phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia sẽ phân bổ hợp lý hiệu quả nguồn lực đất đai.

Năm 2021, với những tác động của dịch bệnh, các quy định về cho vay ưu đãi về xây dựng mới nhà ở cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà Nước đối với nhu cầu vay vốn sửa chữa nhà ở. Đối với mức phí thẩm định khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được trao quyền cho từng địa phương quyết định dựa trên tình hình thực tế của địa phương. Các chính sách pháp luật về đất đai đang ngày càng được hoàn thiện theo hướng có lợi cho người sử dụng đất.