Nhiều sắc thuế làm khó doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách thuế chưa ổn định, nhiều sắc thuế chưa hợp lý làm tăng chi phí sản xuất, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh là phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN).

Thuế cao và chưa hợp lý

Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, việc đánh thuế giá trị gia tăng đối với vật tư, trang thiết bị nhập khẩu (NK) phục vụ sản xuất và thuế NK muối công nghiệp là không hợp lý. Năm 2010, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn nhập lô muối của Israel về để nuôi cá nước biển trong "Thế giới đại dương" (trên thế giới, hiện chỉ duy nhất Israel có loại muối này với đầy đủ 55 loại vi lượng thích hợp cho nuôi cá nước mặn).
Các doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội.      Ảnh:  Linh  Anh
Các doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Linh Anh
Lô đầu tiên, do có sự đồng ý của Bộ Công Thương, nên thuế NK được áp dụng trên 15% giá nhập. Năm 2011 và 2014, Công ty lại nhập loại muối nói trên, nhưng vì không có công văn đồng ý của Bộ Công Thương, nên thuế suất áp dụng là 50% giá trị NK. "Việc áp mức thuế này là gây khó khăn cho DN. Theo tôi, những loại muối mà Việt Nam chưa sản xuất được đề nghị được vận dụng mức thuế hợp lý nhất để hỗ trợ sản xuất" - ông Sơn bức xúc. Ngoài ra, theo ông Sơn, cùng là một loại sản phẩm NK, không nên phân biệt NK trong hạn ngạch và ngoài hạn ngạch để vận dụng các mức thuế khác nhau. Đáng chú ý là vấn đề nếu có công văn của Bộ Công Thương thì được coi là trong hạn ngạch, còn nếu không có sẽ bị coi là ngoài hạn ngạch, sự phân biệt kiểu này đã tạo ra cơ chế xin cho, DN buộc phải "lót tay" cán bộ quản lý.

Chia sẻ vướng mắc liên quan tới chính sách thuế, ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh các chính sách thuế, phí hợp lý đối với tài nguyên than, khoáng sản. Nếu như năm 2007, thuế suất tài nguyên đối với than antraxit hầm lò là 1%, than antraxit lộ thiên là 2%, thì đến nay, các mức thuế này đã tăng 5 lần đối với than hầm lò, 3,5 lần đối với than lộ thiên. Ông Biên cho rằng, tỷ lệ nộp các loại thuế trên là rất cao trong khi điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm cho giá than tăng cao, nên lợi nhuận của ngành than đang giảm mạnh, không có điều kiện đầu tư phát triển, cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc cho người lao động… 

Ổn định chính sách thuế

Một kiến nghị được hầu hết các DN nêu lên, là Chính phủ cần sớm đưa thuế thu nhập DN về mức thống nhất 20%; bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị của DN hoặc nâng mức trần lên 15 - 20% của doanh thu chứ không phải của chi phí. 

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại, chính sách thuế chưa ổn định lại thiếu văn bản hướng dẫn khiến DN gặp nhiều rủi ro. Ông Hà Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty CP 26/3 Hòa Bình cho biết, đang chờ đợi hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính về việc cho phép DN sử dụng nợ chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm để khấu trừ phần thuế giá trị gia tăng phải nộp. Bà Phạm Thị Hồng Thái - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Nghệ An cho đây là tình cảnh của rất nhiều DN xây dựng cơ bản hiện nay bị DN Nhà nước chậm thanh toán nên buộc phải vay ngân hàng để nộp thuế nhằm tránh bị phạt và càng chậm nộp thì tiền phạt càng tăng. Bà Thái đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép DN dùng tiền nợ để trừ vào tiền thuế phải nộp. 

Chính sách thuế phải ổn định trong 5 - 10 năm mới giúp DN xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất lâu dài được, đó là ý kiến của khá nhiều DN hiện nay. Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là mong muốn của cộng đồng DN, cũng là tiêu chí quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần