Các vụ nổ đã làm rung chuyển nhiều khu vực trên dải Gaza, khi Israel cho biết máy bay phản lực của họ đã tấn công nhiều mục tiêu, bao gồm các đường hầm và địa điểm sản xuất vũ khí của Hamas - nhóm Hồi giáo kiểm soát dải ven biển phía Nam bị phong tỏa.
Đây là cuộc đáp trả 34 quả rocket đã được phóng từ Lebanon vào khu vực phía Bắc Israel, mà các quan chức nước này đổ lỗi cho Hamas. Quân đội Israel cho biết, 25/34 quả đã bị hệ thống phòng không đánh chặn, đánh dấu cuộc tấn công lớn nhất kể từ năm 2006 - khi Israel tham chiến với phong trào vũ trang Hezbollah.
"Phản ứng của Israel, tối nay và sau đó, sẽ khiến kẻ thù của chúng tôi phải trả giá đắt" - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu sau cuộc họp nội các an ninh tối 6/4.
Khi các máy bay phản lực của Israel tấn công ở Gaza, hàng loạt tên lửa đã được bắn để đáp trả, còi báo động vang lên ở các thị trấn và thành phố biên giới của Israel.
Các cuộc tấn công xuyên biên giới diễn đánh dấu cuộc đối đầu leo thang sau khi cảnh sát Israel tấn công khu nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Mặc dù Israel đổ lỗi cho Hamas về vụ tấn công hôm 6/4, diễn ra khi người đứng đầu Hamas Ismail Haniyeh đang ở thăm Lebanon, nhưng các chuyên gia an ninh cho rằng điều này phải được sự cho phép của Hezbollah - nhóm Shi'ite hùng mạnh giúp "kẻ thù chính" của Israel là Iran thể hiện sức mạnh của mình trên khắp khu vực.
Tamir Hayman, cựu giám đốc tình báo quân đội Israel, viết trên Twitter: "Không phải Hezbollah nổ súng, nhưng thật khó tin rằng Hezbollah không biết về điều đó".
Trước các cuộc khai hỏa tên lửa vào ngày 6/4, Hashem Safieddine - quan chức cấp cao của Hezbollah- tuyên bố bất kỳ hành vi xâm phạm nào đối với Al-Aqsa "sẽ khiến toàn bộ khu vực bùng cháy".
Thủ tướng Lebanon Najib Mikati đã đưa ra tuyên bố lên án bất kỳ hoạt động quân sự nào từ lãnh thổ của mình đe dọa sự ổn định. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên án vụ phóng tên lửa từ Lebanon và các cuộc tấn công trước đó từ Gaza, cho biết Israel "có quyền tự vệ".
Nhưng Washington cũng bày tỏ lo ngại về những hình ảnh trong nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nơi cảnh sát Israel đánh đập những tín đồ trong các cuộc đột kích mà quan chức cho biết là để truy quét những nhóm thanh niên đã cố thủ bên trong nhà thờ.
Khu phức hợp Al-Aqsa ở Thành phố Cổ của Jerusalem là địa điểm linh thiêng thứ 3 của đạo Hồi, thu hút hàng trăm ngàn người cầu nguyện trong tháng Ramadan. Được người Do Thái gọi là Núi Đền, vị trí của 2 ngôi đền Do Thái trong Kinh thánh, đây cũng là địa điểm linh thiêng nhất của Do Thái giáo, mặc dù những người không theo đạo Hồi không được phép cầu nguyện ở đó.
Nơi này từ lâu đã là điểm nóng. Các cuộc đụng độ tại đây năm 2021 đã châm ngòi cho cuộc chiến kéo dài 10 ngày giữa Israel và Gaza. Hành động của cảnh sát đã khiến phản ứng giận dữ lan rộng giữa những người Palestine ở Bờ Tây và Gaza bị chiếm đóng, cũng như sự lên án trong thế giới Ả Rập những ngày qua.
Phát biểu từ Gaza, Mohammad Al-Braim, phát ngôn viên của Ủy ban Kháng chiến Nhân dân Palestine, đã ca ngợi các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Lebanon, mà ông cho là có liên quan đến các vụ Al-Aqsa, nhưng không nhận trách nhiệm. Ông nói: "Không người Ả Rập và người Hồi giáo nào có thể giữ im lặng trong khi (Al-Aqsa) đang bị đột kích một cách man rợ như vậy".