Nhiều thách thức chờ đón tân Tổng thống Mỹ Donald Trump

Nhóm PVQT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đua vào Nhà Trắng đã chính thức khép lại với chiến thắng ngoạn mục của ông Donald Trump. Tuy nhiên, ông Trump sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Liệu ông Tổng thống Donald Trump có kế thừa và phát huy được những ”di sản” của ông Obama, đồng thời chèo lái siêu cường số 1 thế giới vượt qua thách thức về sức mạnh chính trị, khó khăn về tăng trưởng kinh tế?

”Di sản” của ông Obama

Trong suốt hai nhiệm kỳ, Tổng thống Barack Obama đã vực nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua khủng hoảng, với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong vòng 5 năm qua ổn định ở mức trung bình 2%/năm, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 5%, tiêu dùng và thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi.

Ông Obama cũng theo đuổi khá thành công chính sách đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo dựa trên nền tảng “quyền lực mềm”, chú trọng hơn giải pháp đa phương để tiếp tục duy trì vị thế siêu cường của Mỹ. Điều này thể hiện qua việc hàn gắn quan hệ với Cuba sau hơn 50 năm đối đầu. Thành tựu đối ngoại khác là thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa các cường quốc thế giới và Iran, mà trong đó Washington góp phần không nhỏ.

Thỏa thuận này được coi là chiến thắng lớn về chính sách đối với cả Tổng thống Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani sau nhiều thập kỷ đối đầu, tạo môi trường tiếp xúc thuận lợi cho giới chức và DN hai nước. Hai thành tựu ngoại giao này đã cho thấy một nước Mỹ linh hoạt, mềm dẻo, từ đối đầu chuyển sang đối thoại dưới thời Tổng thống Obama.

Với chiến lược hướng Đông, hay còn gọi là xoay trục sang châu Á của ông Obama, Mỹ đã tham gia sâu hơn vào khu vực ASEAN nhờ đối sách tập trung nhiều vào các vấn đề chiến lược. Mặc dù vẫn có những dấu hiệu đáng lo ngại khi Hiệp định TPP đang gặp khó khăn tại Quốc hội Hoa Kỳ cũng như cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, nhưng Đông Nam Á vẫn là nơi chứa đựng lợi ích cốt lõi của Mỹ. Nhắc tới dấu ấn của ”thời kỳ” Obama cũng phải đề cập việc Mỹ rút 190.000 lính khỏi Iraq và Afghanistan; can thiệp để đối phó với lực lượng phiến quân Hồi giáo; không để xảy ra cuộc tấn công khủng bố mới quy mô lớn nào xảy ra trên lãnh thổ nước Mỹ.

Thách thức của ông Donald Trump

Theo các chuyên gia, người kế nhiêm Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tác động lớn đến các chính sách kinh tế chủ chốt của Washington. Yếu tố quyết định tình hình kinh tế Mỹ trong năm tới chính là mức độ hài lòng mà người dân Mỹ dành cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8/11 vừa qua.

Tính từ năm 2009 đến nay, nền kinh tế Mỹ dù phục hồi và khởi sắc sau cuộc "Đại khủng hoảng”, nhưng vẫn ở vào giai đoạn tặng trưởng chậm nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, với tăng trưởng trung bình 2%/năm. Thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm tài khóa 2016 (kết thúc vào ngày 30/9/2016) lần đầu tiên trong 5 năm đã tăng, đảo ngược xu hướng giảm trong thời gian qua. Đà phục hồi chậm, không còn duy trì được tính năng động cần thiết, kết hợp với tình trạng chi phí y tế, giáo dục leo dốc, lượng DN mới thành lập giảm sút là những điểm yếu nổi bật của nền kinh tế Mỹ.

Những nhân tố này dần tích tụ và có thể sẽ khiến bóng ma “đột quỵ” năm 2008 lặp lại. Hiện chính phủ liên bang đang phải vay mượn để xử lý các vấn đề chi tiêu, khiến số nợ ngày một chồng chất, về lâu dài sẽ đe dọa tới túi tiền của người dân cũng như nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những vấn đề giao dịch thương mại dù ít tác động tới tình hình lao động, song lại tạo ra sự khác biệt về mức lương giữa nhân công ở nhiều quốc gia làm việc tại Mỹ. Trong vấn đề dịch vụ y tế, hiện nay, cứ khoảng 9/10 công dân Mỹ có bảo hiểm y tế, song sự tiến bộ không đầy đủ, chi phí tăng cao... cũng có thể trở thành ”bài toán khó” cho Nhà Trắng.

Bên cạnh bài toán kinh tế, ông Donald Trump phải đối mặt với nguy cơ đảng Dân Chủ và đảng Cộng hòa chia rẽ với mâu thuẫn chiều hướng gia tăng. Ở tầm vĩ mô, chính quyền mới sẽ bị phân liệt do không một đảng nào muốn ủng hộ “đối thủ” hiện thực hóa các chính sách đề ra. Bất kể ai lên nắm quyền tại Nhà Trắng cũng đều bảo vệ quyền lợi của giới thượng lưu, giàu có chiếm thiểu số, đồng thời phải có biện pháp “xoa dịu” tầng lớp trung lưu, nghèo khổ chiếm đa số, không để mâu thuẫn xã hội bùng phát vượt tầm kiểm soát. Đó cũng là một thách thức lớn khi mà bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ liên tục gia tăng.

Về đối ngoại, Mỹ sẽ phải giành nhiều nỗ lực cho khu vực châu Âu. Đối tác thương mại và đồng minh quan trọng này của Washington đang đối diện những thách thức không nhỏ, do kinh tế trì trệ, chia rẽ nội khối, gia tăng biến động, nhất là sau sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tìm kiếm một cách tiếp cận khác trong quan hệ với Nga là mối bận tâm lớn của tân Tổng thống Mỹ, khi quan hệ Nga - Mỹ rơi xuống mức đáy sau diễn vừa qua ở Ukraine, Syria. Chính quyền mới tại Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ phải có những điều chỉnh nhất định trong Chiến lược Tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ hiện phải đối mặt với một Trung Quốc ngày một quyết đoán hơn, muốn tiến đến một cấu trúc đa cực mà ở đó Trung Quốc hay Nga sẽ trở thành những người chơi quan trọng, có thể cạnh tranh với Mỹ về vai trò toàn cầu cũng như trong các thể chế lớn như G-20. Những biến động chính trị gần đây như sự ”khó đoán” của Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, bê bối ”bạn thân” Tổng thống Hàn Quốc hay vấn đề hạt nhân của Triều Tiên… sẽ là mối bận tâm của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần