Nhiều ca ngộ độc chì nặng
Một bệnh nhi 3 tuổi, ở Thanh Hóa có tiền sử mắc bệnh bệnh động kinh từ lúc 6 tháng tuổi. Thay vì tuân thủ hướng dẫn điều trị bệnh của bác sĩ, gia đình lại tự ý đi mua thuốc nam không rõ nguồn gốc dạng viên về cho trẻ uống. Sau uống thuốc, tình trạng co giật giảm hơn nhưng trẻ xuất hiện rối loạn hành vi, khóc buồn vô cớ, hay kêu đau đầu,…
Trẻ được đưa vào Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái và được chẩn đoán bị ngộ độc chì rất nặng. Ngoài ra, trẻ còn thiếu máu nặng và giãn não thất. Sau khi được điều trị tích cực bằng thở máy, chống phù não, dùng thuốc thải chì, trẻ vẫn trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu.
Tương tự, bệnh nhi T.M. (9 tuổi, Hà Tĩnh) có tiền sử động kinh từ lúc 6 tuổi, gia đình thấy con co giật nhiều nên đã mua thuốc cam không rõ nguồn gốc về cho trẻ uống. Sau dùng thuốc, các cơn giật của T.M. không giảm mà còn tăng lên kèm theo nôn, đau đầu, lơ mơ dần.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, trẻ được chẩn đoán ngộ độc chì nặng và chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị. Sau 1 ngày điều trị tại đây, tình trạng tri giác của bệnh nhi xấu dần, tăng áp lực nội sọ nặng, đe dọa đến các chức năng sống, bệnh nhi rơi vào tình trạng mất não.
Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, đây là một ca ngộ độc rất đáng tiếc vì sự thiếu hiểu biết của gia đình. Người nhà đã không tuân thủ hướng dẫn điều trị bệnh động kinh của các bác sĩ chuyên khoa, không cho trẻ uống thuốc đều đặn và đi tái khám theo lịch mà lại tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh.
Trước đó, bé trai 1 tuổi (Phú Thọ) nhiễm độc chì trong máu nặng do rơ lưỡi bằng “thuốc cam” được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị nhiễm chì trong máu nặng, lượng chì trong máu 226.5 µg/dl, cao gấp nhiều lần mức cho phép. Bệnh nhi được chuyển điều trị tại Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư.
Tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc
TS Đào Hữu Nam – Trưởng khoa Điều trị tích cực – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, chì (Lead) là loại kim loại nặng, rất độc gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của con người, đặc biệt là trẻ em.
Khi xâm nhập vào cơ thể, kim loại này có thể gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, tim mạch, huyết học, dạ dày, đường ruột, thận và sẽ phải mất hàng chục năm mới có thể thải được chì ra ngoài.
Ngộ độc chì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Về thần kinh, trẻ có các biểu hiện cấp tính như kích thích, co giật, lơ mơ, hôn mê, liệt.
Hoặc các biểu hiện lâu dài, không điển hình như chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, mất các kỹ năng học tập, thay đổi thái độ hành vi, mệt mỏi.
Ngoài ra, trẻ có biểu hiện nôn, đau bụng, chán ăn, da xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu. Trẻ nhiễm độc chì còn có rất nhiều biểu hiện kín đáo, chỉ có thể phát hiện bằng các xét nghiệm định lượng chì trong máu.
Để phòng ngừa ngộ độc chì cho trẻ em, TS Đào Hữu Nam khuyến cáo cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc nam và các loại thuốc không rõ nguồn gốc khi không có chỉ định của bác sĩ.
Đối với các bệnh nhi có bệnh mạn tính phải tuân thủ điều trị cũng như tái khám theo đúng hẹn tại cơ sở y tế uy tín. Cha mẹ cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ như thường xuyên rửa tay, cắt móng tay, hướng dẫn trẻ không đưa tay và mọi vật lên miệng; vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ tiếp xúc với đồ chơi không đảm bảo chất lượng có thể nhiễm chì và các kim loại nặng khác.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, người dân khi bị bệnh cần đi khám bệnh ở các cơ sở y tế để được xác định bệnh và kê đơn thuốc phù hợp, an toàn.
Người dân cần cảnh giác và tránh xa trước các lời quảng cáo, chào mời từ các loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hay các thuốc không đảm bảo về nguồn gốc (không có các thông tin đầy đủ rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế).