Trường top trên điểm chuẩn học bạ lên tới 29,8 điểm
Để đa dạng nguồn tuyển cũng như mong muốn lựa chọn được những thí sinh có chất lượng đầu vào tốt nhất, bên cạnh phương thức xét tuyển sinh ĐH bằng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, nhiều trường ĐH đã mở rộng tuyển sinh bằng hình thức tổ chức kỳ thi riêng, xét tuyển theo học bạ kèm theo chứng chỉ quốc tế... Tại thời điểm này, một số trường ĐH top đầu đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào học bạ THPT, có ngành điểm chuẩn cao chót vót.
Đơn cử như trường ĐH Sư phạm (SP) Hà Nội công bố điểm trúng tuyển ngành SP Toán học (dạy học bằng tiếng Anh) là 29,8 điểm. Mức điểm này áp dụng đối với học sinh các trường THPT chuyên, trường thuộc ĐH SP Hà Nội, ĐH SP TP Hồ Chí Minh. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình môn Toán trong 3 năm THPT (lớp 10, 11, 12). Cũng với cách tính điểm xét tuyển này, ngành SP Toán có điểm chuẩn 27,65; SP Vật lý dạy bằng tiếng Anh 26,4 điểm; SP Vật lý 26,25 điểm...
Năm nay, Học viện An ninh nhân dân tuyển sinh theo 3 phương thức. Học viện vừa công bố điểm trúng tuyển đối với phương thức 1 và 2; trong đó phương thức 2 xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế (IELTS Academic, TOEFL iBT, HSK) với kết quả học tập THPT. Theo đó, đối với thí sinh nữ cần có IELTS đạt từ 7.5 trở lên, điểm trung bình 3 năm học THPT đạt từ 9,13 và điểm trung bình môn Ngoại ngữ THPT đạt từ 9,53; hoặc HSK bậc 6.
Các trường đại học top trên xét tuyển học bạ có kèm theo tiêu chí chứng chỉ quốc tế. Ảnh: Phạm Hùng. |
Trường ĐH Y dược – ĐH Thái Nguyên đã xét tuyển ĐH theo hình thức học bạ THPT, kết quả 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất là Răng – Hàm – Mặt 29,72 điểm, Y khoa 29,71 điểm, Dược học 29,47 điểm. 4 ngành còn lại có điểm trúng tuyển từ 24,81 đến 28,78 điểm.
Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đã thông báo ngưỡng điểm xét trúng tuyển và điều kiện trúng tuyển chính thức vào ĐH hệ chính quy năm 2021 theo phương thức xét tuyển kết hợp. Đó là hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở bậc THPT với một trong các loại chứng chỉ quốc tế hoặc thành tích cá nhân trong các kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi hoặc thành tích ở các trường THPT chuyên. Ngưỡng điểm xét trúng tuyển Cơ sở phía Bắc, ngành Công nghệ thông tin cao nhất là 27,44 điểm, tiếp đến là ngành An toàn thông tin 27,21 điểm, Thương mại điện tử 26,42 điểm, Công nghệ tài chính (Fintech) 26,24 điểm.
Trường đại học top giữa điểm trúng tuyển học bạ chênh lớn
Những ngày này, các trường ĐH top giữa bắt đầu công bố điểm chuẩn xét tuyển bằng phương thức học bạ. Đơn cử, trường ĐH Thủy lợi thông báo điểm chuẩn xét tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ cho 31 ngành và chương trình đào tạo. Trong đó, 3 ngành có điểm chuẩn xét tuyển cao nhất mức 25,50 là: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kế toán. Ngành có điểm trúng tuyển 25 là Kinh tế, Thương mại điện tử, Logistics và quản lý chuỗi cũng ứng. Tuy nhiên, một số ngành khác điểm chuẩn xét tuyển thấp hơn tới 6 - 7 điểm: Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông 18,01 điểm, Kỹ thuật tài nguyên nước 18,03 điểm, Kỹ thuật cấp thoát nước 18,04 điểm; Công nghệ sinh học 18,07 điểm, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy 18,07 điểm, Thủy văn học 18,10 điểm...Các ngành khác có mức điển trên 22 đến 24 điểm.
Trường ĐH Phenikaa đã công bố điểm trúng tuyển theo học bạ đợt 1 năm 2021, với tổng điểm của 3 môn xét tuyển theo tổ hợp (không nhân hệ số, điểm mỗi môn phải lớn hơn 1 điểm). 3 ngành của trường có điểm chuẩn xét tuyển học bạ cao nhất là 24, gồm: Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Khoa học máy tính, Dược học. 29 ngành đào tạo trình độ ĐH còn lại có mức điểm xét tuyển học bạ từ 20 đến 23 điểm.
Trường ĐH Điện lực cũng đã công bố điểm trúng sơ tuyển đợt 1 tuyển sinh hệ ĐH chính quy theo phương thức xét bằng kết quả học tập THPT (học bạ) năm 2021. Trong số 18 ngành đào tạo, có 8 ngành điểm trúng tuyển học bạ chỉ từ 18 – 19 điểm; 10 ngành còn lại có điểm chuẩn 20 – 20,5 điểm. Trường ĐH Điện lực thông báo, đây là mức trúng sơ tuyển dành cho học sinh phổ thông khu vực 3; mỗi khu vực ưu tiên kế tiếp giảm 0,25 điểm; mỗi đối tượng ưu tiên kế tiếp giảm 1 điểm. Các thí sinh sẽ chính thức trúng tuyển nến tốt nghiệp THPT...
Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Mỏ - Địa chất đã công bố điểm xét tuyển đại học hệ chính quy năm 2021 theo kết quả học bạ, đợt 1. Nhà trường tiếp tục tuyển sinh theo học bạ đợt 2, với điều kiện thí sinh phải có hạnh kiểm xếp loại khá trở lên. Cộng với tổng điểm trung bình các môn thi theo khối thi của 3 học kỳ THPT (lớp 11 và kỳ I lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên.
Xét tuyển bằng học bạ, mở cửa cho tiêu cực
Trước việc năm nay có thêm nhiều trường ĐH mở rộng phương thức xét tuyển trong đó có học bạ để có đa dạng nguồn tuyển, các chuyên gia không khỏi băn khoăn. Biết rằng, trường ĐH tự chủ nên có quyền tuyển sinh theo học bạ, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn tình trạng mua điểm, xin điểm bậc phổ thông thì chất lượng đầu vào ĐH bằng học bạ khó đảm bảo. TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT nhận định: Xét tuyển bằng học bạ không tốt vì điểm tin cậy không cao và mở ra rất nhiều cửa cho tiêu cực. Tiêu cực thứ nhất là phong trào học lệch; ví dụ trường ĐH xét tuyển học bạ 3 môn Toán – Lý - Hóa thì trong 3 năm học THPT, học sinh chỉ tập trung học 3 tốt môn này; các môn khác học làng nhàng.
Hậu quả thứ hai khi xét tuyển học bạ là mở ra phong trào luyện thi những môn xét tuyển ĐH. Thứ ba, học sinh xin điểm thầy cô giáo dạy môn học có xét tuyển ĐH hoặc giáo viên chủ nhiệm. Tiếp đến là mua điểm; tình trạng này đã xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Mức độ cho điểm không đồng đều giữa các tỉnh, các trường cũng ảnh hưởng đến sự công bằng đối với các em học sinh. Các trường ĐH chỉ nên xem điểm học bạ chỉ là yếu tố xét bổ sung, còn cái chính là điểm thi tốt nghiệp THPT. Còn nếu các trường ĐHchỉ căn cứ vào xét tuyển học bạ để xét tuyển ĐH thì tiêu cực sẽ xảy ra” – ông Lê Viết Khuyến nói.
Trao đổi về việc trường ĐH xét tuyển học bạ, PGS.TS Lê Hữu Lập – nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng: Những trường ĐH có thương hiệu không chỉ dùng kết quả học bạ để xét tuyển, mà kèm theo các yếu tố khác, như là học sinh giỏi cấp tỉnh, chứng chỉ quốc tế (ngoại ngữ, SAT, ACT... ).
Đối với những trường chỉ dùng kết quả học bạ để xét tuyển ĐH thì có vấn đề: Mặt bằng điểm học bạ của mỗi tỉnh, thành rất khác nhau (chưa nói đến tình trạng xin điểm, chạy điểm). Như vậy, những thí sinh trúng tuyển chưa hẳn là có kết quả học tập tốt nhất để vào trường. Vậy là các trường mới tuyển sinh chỉ được số lượng mà chưa biết chất lượng thực sự ra sao?!
“Khi kết quả học bạ không phản ánh mặt bằng chung lực học của học sinh cả nước, chẳng có cách nào để việc tuyển sinh theo học bạ tốt được. Nhận thấy chỉ dựa vào kết quả học bạ để xét tuyển có bất cập nên số lượng chỉ tiêu xét tuyển dựa vào phương thức kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của các trường ĐH vẫn chiếm tỷ lệ cao” – PGS Lê Hữu Lập cho hay.