Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều ưu đãi khi xây dựng lại chung cư, nhà cũ và cải tạo biệt thự

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuối tuần qua, tập thể UBND TP đã họp dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh để xem xét Tờ trình thực hiện khoản 2, 3 Điều 16, Luật Thủ đô về việc ban hành Nghị quyết về một số biện pháp nhằm cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng (XD) trước năm 1954 trên địa bàn TP.

* Nhập khẩu vào nội thành (4 quận cũ) phải có nhà ở diện tích 26,6m2/người

Hiện TP có khoảng 1.155 nhà chung cư cao tầng, 10 khu nhà cũ (từ 1 - 3 tầng) và các nhà thuộc diện vắng chủ, cải tạo, tập trung tại các quận với tổng diện tích khoảng 5 triệu mét vuông nhà ở. Trong số này, TP mới quản lý và ký hợp đồng cho các hộ gia đình thuê khoảng 1,8 triệu mét vuông nhà ở; còn lại các khu tập thể đơn lẻ, quy mô nhỏ và một số khu nhà do các cơ quan tự quản đang và sẽ phải bàn giao cho TP… Theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, khu vực nội đô lịch sử (4 quận cũ: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) cần giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu người xuống 0,8 triệu người.

Dự thảo đưa ra 4 nhóm biện pháp để cải tạo, XD lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp. Cụ thể, người dân trong phạm vi dự án được góp vốn bằng chuyển quyền sở hữu căn hộ, áp dụng hình thức BT trong thực hiện cơ chế đầu tư đi đôi với việc lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức chỉ định; được phép mua nhà xã hội, nếu không có nhu cầu tái định cư tại chỗ; trường hợp quỹ nhà tái định cư tại chỗ không đủ phải bố trí tái định cư (ngoài 4 quận) thì áp dụng hệ số k = 1,5 lần. Chủ sở hữu căn hộ nếu bán căn hộ cũ cho chủ đầu tư đến nơi ở khác thì được miễn các loại thuế liên quan, như thuế thu nhập cá nhân…

Nhiều ưu đãi khi xây dựng lại chung cư, nhà cũ và cải tạo biệt thự - Ảnh 1

Về việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc XD trước năm 1954, Dự thảo đưa ra nhóm biện pháp, gồm: phân loại nhóm biệt thự; phương thức xã hội hóa (XHH) và biện pháp ưu đãi đối với người dân và chủ đầu tư. Theo thống kê, toàn TP có 562 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, 1.024 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và 642 biệt thự thuộc diện được bán theo Nghị định 61/CP của Chính phủ và 509 biển số nhà trong phạm vi phố cổ, các tuyến phố cần bảo vệ, tôn tạo.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch TP Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, việc cải tạo, XD các chung cư cũ là cần thiết, nhưng chưa có chế tài cụ thể, hiệu quả thực hiện chậm. Theo khoản 2, 3 Điều 16, Luật Thủ đô đã quy định rõ các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp được cải tạo, XD nhằm đảm bảo an toàn nơi cho người sử dụng và mỹ quan đô thị; đề nghị cần bổ sung chế tài đối với các trường hợp cố tình không thực hiện, đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn lực tài chính… cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân, trong đó cần quan tâm, theo hướng bảo đảm nơi ở mới của người dân, phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ, đồng thời  ưu tiên cho người dân trong việc mua nhà tái định cư cả về vị trí, diện tích… 

 Đối với việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đề nghị phải bảo đảm bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc theo quy định và tạo cơ chế thu hút nguồn lực để thực hiện.

 Phiên họp cũng đã xem xét Tờ trình về việc xây dựng Nghị quyết của HĐND TP quy định diện tích bình quân đối với nhà thuê được đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội, cụ thể hoá điểm b, khoản 4, điều 19, Luật Thủ đô.

Theo dự thảo, đối tượng áp dụng là người ngoại tỉnh đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, thuê nhà ở nội thành của các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà (chưa có nhà ở thuộc sở hữu cá nhân). Theo đó, người để được đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội, dự kiến cần có nhà ở, với diện tích bảo đảm bằng diện tích bình quân nhà ở của thành phố năm 2013 là 23,1 m2/người và nâng lên 26,6m2/người năm 2015 và diện tích hộ gia đình là 80,1m2/hộ. Hạn mức này sẽ được điều chỉnh 5 năm/lần, kể từ năm 2015 trở đi.