Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhìn lại vai trò của kinh tế tư nhân

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những ý kiến về việc hỗ trợ các hãng hàng không tư nhân, trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ vào tối 2/12 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc hỗ trợ cho các DN vận tải hàng không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như giảm chi phí mặt đất, thuế nhiên liệu bay... là bình đẳng, không phân biệt hãng bay Nhà nước hay hãng bay tư nhân.

Ông Nguyễn Ngọc Đông cũng lý giải việc vì sao Vietnam Airlines vừa nhận được gói hỗ trợ từ Chính phủ trong khi các hãng hàng không khác thì chưa. Theo đó, về yếu tố tài chính của Vietnam Airlines có sự khác biệt khi đây là DN có vốn Nhà nước, vì vậy, Nhà nước cần bảo toàn nguồn vốn này khi doanh nghiệp bị tác động nặng nề do đại dịch.
 Công tác phòng dịch tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Ngọc Tú
Cụ thể, hiện Nhà nước đang sở hữu 86% vốn tại Vietnam Airlines. Theo Nghị quyết vừa thông qua giữa tháng 11, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá hai lần với ngân hàng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh. doanh nghiệp (DN) này cũng được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo quy định của Luật Chứng khoán nhưng được miễn trừ điều kiện hoạt động kinh doanh phải có lãi năm liền trước khi chào bán. "Việc bảo toàn vốn Nhà nước cũng là một khía cạnh để xem xét hỗ trợ. Còn với đề xuất của các hãng tư nhân, chúng tôi cho là cần phải đối xử bình đẳng, nhưng cần xem xét vốn chủ sở hữu xuất phát từ đâu" - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói.

Phân tích về vấn đề này, PGS. TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho rằng, từ câu chuyện hỗ trợ các hãng hàng không tư nhân ảnh hưởng bởi Covid-19, cần phải nhìn lại về vai trò của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển chung của cả nền kinh tế để có cách đối xử phù hợp và xứng đáng hơn với kinh tế tư nhân.
“Hãy nhìn vào những DN hùng mạnh ở nước ta hiện nay như Vingroup, Massan, Vietjet, Thaco, Hòa Phát... mà xem, họ chẳng phải là DN tư nhân hay sao. Giờ hầu hết họ đã vươn tầm quốc tế và đang trở thành động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta đó thôi” - PGSTS. Ngô Trí Long nói. Chuyên gia kinh tế này cho rằng, các quốc gia phát triển trên thế giới đều luôn dành cho kinh tế tư nhân một chính sách ưu đãi đặc biệt để khuyến khích phát triển.
Thực tế cho thấy, kinh tế tư nhân chứ không phải quốc doanh mới là đòn bẩy của nền kinh tế. Nhìn nhận vấn đề này từ câu chuyện hỗ trợ các hãng hàng không tư nhân, PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định: “Cùng với việc hỗ trợ Vietnam Airlines, Chính phủ cần đồng thời hỗ trợ cho các hãng bay tư nhân”. Chuyên gia này cũng cho rằng, việc hỗ trợ các hãng hàng không tư nhân không chỉ đơn thuần thể hiện sự công bằng về mặt chính sách mà còn mang lợi cho chính những DN vốn Nhà nước như Vietnam Airlines.
“Khi các hãng hàng không tư nhân cùng được hỗ trợ, cùng vượt qua khó khăn để cùng phát triển thì ngành hàng không, Nhà nước, người dân và kể cả Vietnam Airlines đều có lợi. Một môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ thúc đẩy ngành hàng không sớm vượt qua khó khăn chứ đừng nghĩ nếu chỉ hỗ trợ mỗi Vietnam Airlines mà đã tốt đâu” - PGS. TS Ngô Trí Long khẳng định.

Đồng tình với quan điểm gói hỗ trợ dành cho các hãng hàng không nên có sự công bằng, không phân biệt lớn - nhỏ, Nhà nước - tư nhân nhưng PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, để nhận được gói hỗ trợ, việc đầu tiên các hãng hàng không phải làm là chứng minh với ngân hàng, ngành hàng không là mũi nhọn về kinh tế, hứng chịu thiệt hại nhiều nhất nhưng lúc đứng dậy cũng phải là đầu tiên.
“Việc tìm nguồn tài trợ cho hàng không phải đặt hướng thuyết phục các ngân hàng, Chính phủ rằng, tài trợ hàng không chính là tài trợ cho tương lai” - PGS. TS Trần Đình Thiên nói. Theo chuyên gia kinh tế này, trong bối cảnh DN thiệt hại bởi Covid-19, việc đánh giá khả năng phục hồi của các DN không thể dựa vào cảm quan theo kiểu ông lớn thì sống dai, ông nhỏ thì chết yểu được. Cái chính là các DN sẽ “đứng dậy” và “đi tiếp” như thế nào sau đại dịch vì sẽ có nhiều sự xáo trộn về mặt trật tự trong lĩnh vực hàng không thời kỳ hậu Covid-19.
“Sau đại dịch, chắc gì những DN to, thị trường lớn đã sống lâu được hơn các DN nhỏ, thị trường ít? Nhiều khi DN càng lớn thì thiệt hại càng lớn và nợ nần sẽ càng nhiều” - chuyên gia Trần Đình Thiên phân tích và khẳng định, việc cứu trợ cho các hãng hàng không cần phải được thực hiện đều ở tất cả các hãng và đó thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước có thể hỗ trợ họ bằng cách cấp vốn, hỗ trợ lãi suất ưu đãi. Điều này sẽ tránh được tình trạng “tị nạnh”, thậm chí là “choảng nhau” giữa các hãng hàng không. Ở chiều ngược lại, các hãng cũng cần có sự đoàn kết, đồng lòng để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.