Nhớ câu “ăn Bắc mặc Kinh”

Phạm Thanh Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm trước, chị đọc bài báo “Áo choàng chống “nạn” hở hang” nói về việc từ ngày 7/4, ở di tích đền Ngọc Sơn (Hà Nội) đã cho du khách mượn áo choàng miễn phí khi vào tham quan - một trong những hoạt động triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP.

Chị liền chia sẻ với tôi: “Mình biết chuyện khách nước ngoài đến Việt Nam ăn mặc hở hang theo cách mà họ cho là tự do ấy rất bình thường, bởi trước đó họ có thể không tìm hiểu kỹ văn hóa Việt, hoặc do chính chúng ta không có những biện pháp tuyên truyền hiệu quả. Nhưng đáng trách là không ít người Việt cũng thế, không coi trọng việc ăn mặc đúng nơi đúng chỗ. Vào chùa, đền thì mặc váy ngắn, quần soóc, đi đám hiếu thì mặc đồ sặc sỡ, thậm chí còn hở hang… Nói thật, là người đô thị văn minh và hiểu biết, mà mình thấy để chính quyền phải tốn công sức tiền của lo cho mỹ cảm ăn mặc của mình thì cứ làm sao ấy”… Giãi bày thế, rồi bất ngờ chị hỏi tôi: “Cậu đã nghe câu “ăn Bắc mặc Kinh” bao giờ chưa?”.

Khách nước ngoài mượn trang phục trước khi tham quan đền Ngọc Sơn. Ảnh:  Thanh Hải

Trước nay, tôi chỉ nghe câu “ăn Bắc mặc Nam”, chứ chưa nghe câu “ăn Bắc mặc Kinh” bao giờ. Tôi lên mạng tìm kiếm thông tin, quả nhiên có câu đó thật. Đó là một quan niệm xưa, người ta cho rằng người miền Bắc thường cầu kỳ trong ăn uống và có nhiều món ngon. Còn việc phục sức thì người phương Nam mặc đẹp hơn, thanh lịch hơn. Tuy nhiên, xét sâu xa, thì món ngon nơi nào cũng có và mang tính đặc trưng. Còn trang phục, ngoài những vùng miền có tính đặc thù như vùng cao, nơi có người dân tộc thiểu số, hoặc miền quê nam Bộ, phụ nữ thường mặc áo bà ba, còn lại ở các đô thị, việc ăn mặc luôn theo trào lưu hiện đại. Có ý kiến cho rằng “Kinh” trong câu “ăn Bắc mặc Kinh” chỉ kinh thành Huế xưa, nhưng theo ý kiến của TS Phan Đăng Long trong cuốn sách “Văn hóa lối sống đô thị Hà Nội”, thì “Kinh” ở đây là Kinh đô Thăng Long - kinh kỳ đô hội xưa, là Hà Nội văn hiến ngày nay. Cách ăn mặc của người kinh đô trở thành chuẩn mực. Một số làng nghề Hà Nội sản xuất chất liệu may mặc chủ yếu cho người kinh đô và từ đó trở nên nổi tiếng như làng dệt the La Cả, lụa trắng làng Cổ Đô, lĩnh làng Bưởi, hay nghề nhuộm điều ở Hàng Đào…
Người Hà Nội từ nhiều thời đều chú trọng cách ăn mặc. Không kể đâu xa, chỉ mới cách đây nửa thế kỷ, phụ nữ Hà Nội mặc áo dài mỗi khi ra phố, dù chỉ là đi chợ. Tôi vẫn nhớ khoảng ba mươi năm trước, những người ở quê tôi đi ra Hà Nội về thường kể “Người Hà Nội mặc áo tân thời đẹp lắm.” “Áo tân thời” là cách gọi chiếc áo dài. Quê tôi cách Thủ đô cũng chỉ ba mươi cây số, mà sự mặc đã rất nhiều khác biệt.
Vẫn là chị bạn nhà văn, chị kể: Ba năm trước, chị có vào TP Hồ Chí Minh tham gia một sự kiện. Hôm đó, chị trang điểm cẩn thận, mặc chiếc váy xòe dài ngang gối, áo sơ mi trễ cổ tay lửng. Chị vừa đến khách sạn, gặp chị bạn ở TP Hồ Chí Minh, chị bạn kêu lên: “Trời ơi! Sao ăn mặc kín cổng cao tường vầy nè!”. Lúc đó, chị mới bối rối nhìn quanh. Những phụ nữ tham gia sự kiện không ai mặc như… đồng phục cơ quan giống chị cả. Họ đều diện những bộ đồ thoải mái và thoáng, và chị thầm công nhận là họ đẹp và hiện đại thật. Nhưng chị vẫn không nuối tiếc về trang phục của mình hôm đó. Theo chị, đó vẫn là bộ đồ đẹp, thanh lịch, trang nhã, dù nó cho chị một bài học nhỏ: Nhập gia tùy tục, ăn mặc đẹp thôi chưa đủ, còn cần hợp nơi đúng chốn.
Người Hà Nội thời nào cũng phục sức đẹp và luôn là xuất phát điểm của các xu hướng thời trang, tất nhiên, ở đây chủ yếu là trang phục của phụ nữ, trang phục nam giới không mấy biến đổi trong nhiều năm, mặc dù các mẫu thời trang được du nhập chủ yếu từ nước ngoài, theo một vài trào lưu và cũng không ít lần xảy ra một vài xung đột với xã hội.
Nết mặc là nét văn hóa, thể hiện tính cách và gu thẩm mỹ của mỗi người. Nói cách khác, thời này, người ta có thể ăn mặc theo ý thích riêng. Ở Hà Nội, chỉ cần bước chân ra phố, ngay lập tức người ta bắt gặp vẻ đẹp của nhiều loại trang phục, đủ kiểu dáng, đủ màu sắc. Thế nhưng cũng không ít khi người ta phải thốt lên những từ như “nhố nhăng”, “phản cảm”… đối với những xu hướng thời trang bị du nhập một cách vô tội vạ, thành ra lai căng, thiếu tính dân tộc, thẩm mỹ, và đặc biệt là họ bất chấp dư luận xã hội, quá sùng ngoại, hoặc quá xô bồ. Tôi nhớ ai đó đã nói thật đúng: Suy cho cùng, người ta mặc đẹp là vì… người khác. Nên nếu trang phục của bạn không tôn trọng những người xung quanh, cũng có nghĩa bạn coi thường chính mình.
Nhớ câu “ăn Bắc mặc Kinh”. Tôi nghĩ cách phục sức của người Hà Nội dù ở thời nào, hiện đại hay cổ điển, theo model hay không, thì vẫn phải giữ được nét đẹp sang trọng của trang phục và thể hiện được phong thái của người Thủ đô.