Ngày 14/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện FNF Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Đức thông qua Hiệp định EVFTA - Những điều doanh nghiệp cần biết”.
Quang cảnh hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định, trong nhiều năm qua, Đức vẫn luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Từ góc độ xuất khẩu, Đức là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 tại EU, thứ 7 thế giới của Việt Nam năm 2020. Đây được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của hàng Việt trong thời gian tới khi dư địa xuất khẩu còn rất nhiều.
Về nhập khẩu, Đức là nguồn cung hàng hóa lớn thứ 2 EU, thứ 14 thế giới của chúng ta. Việt Nam và Đức có cơ cấu sản phẩm bổ sung cho nhau là chủ yếu. Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm công nghiệp nhẹ, sản phẩm tiêu dùng và nông sản thực phẩm, và có nhu cầu cao với nhiều nguyên liệu và máy móc phục vụ sản xuất. Trong khi đó Đức là cường quốc công nghiệp nặng, xuất khẩu nhiều nguyên nhiên liệu, máy móc thiết bị và cũng nhập khẩu nhiều hàng tiêu dùng, nông sản thực phẩm.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang thông tin, trong năm đầu thực thi EVFTA, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã tận dụng được các cơ hội từ EVFTA để tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Đức như: Máy móc và thiết bị (tăng 83,6%); phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 71,6%); sắt thép (tăng 53,2%); máy tính và điện tử (tăng 34%); thủy sản (tăng 15,5%). Trong đó, với mặt hàng thuỷ sản chủ yếu từ nhóm được cắt giảm thuế quan ngay. Những con số này chứng tỏ DN đã có thể tận dụng Hiệp định ngay từ những ngày đầu tiên.
Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Đức trong 1 năm qua. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ C/O EUR.1 có sự tăng dần theo thời gian cho thấy EVFTA ngày càng phát huy ảnh hưởng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Một số mặt hàng có tỷ lệ kim ngạch sử dụng C/O trên tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU cao, có thể kể đến như giày dép, thuỷ sản đều trên 70%.
Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy một số mặt hàng thế mạnh nhưng có tỷ lệ sử dụng C/O chưa đạt mức kỳ vọng, có thể kể đến như mặt hàng gỗ, dệt may. Nguyên nhân do các DN gỗ vẫn đang sử dụng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) tại thị trường EU, nhiều DN vẫn chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ.
Do đó, bà Nguyễn Cẩm Trang khuyến nghị, DN cần lưu ý một số điểm để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu sang thị trường Đức trong thời gian tới. Đơn cử như với mặt hàng dệt may, về lâu dài, DN phải có kế hoạch đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất vải nguyên liệu trong nước.
Đối với DN xuất khẩu gỗ, từ khi EVFTA có hiệu lực đến hết 31/12/2022, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu có thể lựa chọn sử dụng GSP hoặc EVFTA và áp dụng quy tắc xuất xứ tương ứng với mỗi cơ chế đó. Trong 5 năm tiếp theo vẫn được lựa chọn một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc EVFTA, nhưng dù áp dụng thuế quan ưu đãi theo cơ chế nào, hàng hoá phải đáp ứng quy tắc xuất xứ theo EVFTA.
Tại hội thảo, VCCI đã giới thiệu cuốn sổ tay DN “Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và Đức” và ra mắt chuyên trang thông tin trực tuyến về xuất nhập khẩu Việt Nam - Đức |