Từ nhà tôi đi tắt qua cánh đồng, men theo đường cánh đồng Chợ Họ qua đồng Bờ Dù xã Diễn Minh là đến đầu chợ. Ngày đó, mỗi lần đi chợ, dân tôi đều dậy sớm í ới gọi nhau đi bộ từng đoàn vì chẳng có xe đạp, chứ dừng nói đến xe máy như bây giờ. Hàng hóa ở chợ quê tôi ngày giáp Tết cũng phong phú đủ loại, gần gũi với nhu cầu và đời sống người nông dân.
Lèn Hai Vai và Hổ Lĩnh là biểu tượng, gắn với ký ức của bao người con sinh ra ở làng Vân Tập, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. |
Thường ngày, chợ quê đã đông đúc, nhưng vào ngày giáp Tết, chợ lại càng đông đúc hơn. Đối với những người nông dân quê tôi, phiên chợ giáp Tết rất có ý nghĩa. Họ đi chợ không chỉ sắm đồ cho Tết, mà còn phải lo đem những nông sản, lúa, gạo, gà, vịt, ngan, ngỗng, rau cỏ... để trao đổi lấy những hàng hóa vật dụng thiết yếu dùng ra Giêng, Hai ngày giáp hạt. Tất cả cũng chỉ nhằm phục vụ cho sinh hoạt gia đình, nhất là trong những ngày Tết đến Xuân sang. Bằng mọi cách tằn tiện bán buôn họ cố gắng xoay xở để có thêm đồng tiền chi tiêu trong ba ngày Tết.
Còn đối với chúng tôi, phiên chợ Tết là cả một mơ ước và một sự chuẩn bị công phu, trước Tết khoảng một tháng, đứa nào đứa nấy đều lo tiết kiệm bỏ ống bơ (lon sữa ông Thọ khoét lỗ nhỏ dùng xong rửa sạch) từng xu, từng hào khi cha mẹ cho, trước một đêm chợ hì hục khui ống ra rồi đếm, rồi phân ra từng loại tiền vụn, cho đến khi cha mẹ quát lên giường đi ngủ thì mới chịu, cả đêm thấp thỏm, trằn trọc chờ trời sáng rồi ngủ quên lúc nào không biết.
Tinh mơ trời còn lất phất mưa phùn, cha mẹ thức dậy, mặc vào cho bộ quần áo mới rồi mừng tuổi thêm cho ít tiền lẻ cùng với những xu, hào tiết kiệm. Anh chị em trong nhà ai cũng mừng rơn rồi gói ghém cẩn thận nhét vào túi quần, cài kim băng lại chạy ra đường í ới gọi bạn bè đi chợ.
Đến chợ, ngoài cái háo hức được hòa vào trong dòng người đông đúc của không khí chợ Tết quê, được ngó nghiêng hàng hoá, xem quần áo mới, được sà vào hàng bánh rán, kẹo dắc mật đỏ au, hàng lung túng (trống Bỏi), bánh đa, quay số trúng thưởng... rồi chọn lựa cây mía nào thật dài để đem về ăn trong ba ngày Tết.
Chợ Tết họp sang cả chiều, song có lẽ buổi chiều không còn hấp dẫn chúng tôi như buổi sáng. Buổi trưa, dưới cái mưa bụi bay bay và cái bụng đói meo vì tiền dốc cả vào mua pháo, quay số, cùng mới mấy thứ linh tinh, song chúng tôi ra về với mỗi đứa mỗi cây mía lau dài vác trên vai toòng teng với một niềm vui khó tả.
Chợ Tết ngày nay vẫn còn, song do cuộc sống đổi thay, phát triển người dân quê tôi không còn phải lo tích trữ hàng Tết đồ ăn trong nhà như trước nữa. Tận đến ngày 29, thậm chí chiều 30 Tết chỉ cần 30 phút là đã có đầy đủ những thứ thiết yếu cho cả một gia đình rồi, cốt là có tiền thôi. Đối với lũ trẻ con có lẽ chúng cũng không còn háo hức với đi chợ ngày giáp Tết nữa, chúng quan tâm nhiều hơn đến game, vi tính, truyện tranh và thích đi siêu thị hơn...
Xa quê đã mấy chục năm, lũ chúng tôi đứa nào cũng qua ngưỡng năm mươi, đi khắp đó đây, đặt chân đến những nhà hàng, siêu thị sang trọng đầy ắp hàng hóa, với cung cách phục vụ lịch sự, chu đáo, song tôi vẫn nhớ về những phiên chợ quê ngày giáp Tết. Tôi vẫn muốn hòa mình vào cái không khí ồn ào, sôi động bán mua, mặc cả ì xèo của những người dân quê chân chất, mộc mạc tìm lại được tuổi thơ của mình và để cảm nhận mùa xuân đang về.