Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhóm “quái xế" tông chết người: tội danh nghiêm trọng, truy cứu cả người giao xe

Thùy Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển nhận định, nhóm “quái xế” độ tuổi vị thành niên tông tử vong cô gái dừng chờ đèn đỏ có thể mắc nhiều tội danh nghiêm trọng, người giao xe cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm.

Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển.
Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển.

Ông nhận định như thế nào về vụ việc nhóm quái xế tông tử vong cô gái dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm) vừa qua?

- Có thể nói, vụ việc nhóm đối tượng điều khiển xe máy tông chết người nêu trên là vụ án giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Dựa theo lời khai và tường trình tại cơ quan công an của nhóm đối tượng, tôi cho rằng hoàn toàn có cơ sở để nhận định vụ việc trên có liên quan đến hành vi tổ chức đua xe trái phép.

Hành vi của nhóm đối tượng này có dấu hiệu của một hoặc một số tội danh sau đây: tổ chức đua xe trái phép, đua xe trái phép, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; và giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Các tội danh trên được quy định tại các Điều: 265, 266, 264 và 260 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Nếu bị kết tội, nhóm “quái xế” này sẽ phải đối mặt với những mức án nào, thưa ông?

- Nhóm đối tượng trên có khả năng phải chịu những mức án như: Phạt tù từ 1 - 5 năm đối với người tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết 1 người. Mức phạt tù nâng lên từ 3 - 10 năm đối với trường hợp người tham gia giao thông đường bộ không có giấy phép lái xe theo Điều 260 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Phạt tù từ 3 - 10 năm đối với hành vi đua xe trái phép mà làm chết 1 người, bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, quy định tại khoản 2 Điều 266 Bộ Luật hình sự 2015.

Phạt tù từ 4 - 10 năm đối với người tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ thuộc trường hợp mà làm chết 1 người, quy định tại Điều 265 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, cần xác định rõ điều kiện điều khiển tham gia phương tiện giao thông đường bộ của các đối tượng vi phạm tại thời điểm gây ra tai nạn. Vị trí, vai trò của các đối tượng trong vụ án cũng cần được kết luận rõ ràng để có thể phân hóa tội phạm và làm cơ sở xác định tội danh.

Hiện trường vụ tai nạn khiến cô gái trẻ tử vong.
Hiện trường vụ tai nạn khiến cô gái trẻ tử vong.

Với đối tượng N.T.M.K (16 tuổi) trực tiếp điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, đâm tử vong nạn nhân, liệu bố mẹ hoặc người giao xe có phải chịu trách nhiệm pháp lý khi cung cấp phương tiện cho đối tượng hay không?

- Có thể thấy N.T.M.K hiện mới chỉ 16 tuổi, vẫn là trẻ vị thành niên, đồng nghĩa với việc chưa đủ điều kiện để được cấp giấy phép lái xe. Căn cứ vào Điều 264 Bộ Luật hình sự 2015, bố mẹ hoặc người giao phương tiện cho N.T.M.K đang mắc phải tội: giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Theo quy định tại điều luật trên, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 - 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Đồng thời, bố mẹ hoặc người giao phương tiện cho N.T.M.K chắc chắn sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình của nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Thêm vào đó, để xác định rõ tội danh cụ thể của những đối tượng và những người có liên quan trong vụ án nêu trên, chúng ta cần đợi kết quả điều tra chính xác của cơ quan có thẩm quyền. Khi đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích, mối quan hệ nhân quả, nhận thức của đối tượng tại thời điểm gây ra tai nạn dẫn đến hậu quả làm cô gái chờ đèn đỏ tử vong.

Theo ông, gia đình và xã hội cần làm gì trong việc giáo dục ý thức tham gia giao thông của người trẻ hiện nay, nhằm ngăn chặn các vụ việc thương tâm liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ?

- Theo tôi, để ngăn chặn và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật như trên, cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm để cảnh báo, răn đe. Đồng thời, mọi gia đình, nhà trường cần tập trung, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để mỗi thanh niên có ý thức rằng việc đua xe là xấu, là vi phạm pháp luật, có thể gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội văn minh, an toàn, nơi mọi người đều tuân thủ pháp luật và ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng.

Việc kết hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng, gia đình và nhà trường là vô cùng cần thiết; tạo ra một môi trường giáo dục hiệu quả, giúp các bạn trẻ nhận thức rõ ràng về hậu quả của việc vi phạm pháp luật, từ đó hạn chế tối đa những hành vi đua xe trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Xin cảm ơn ông!