Nhu có thắng được cương?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn nửa tháng chịu sức ép của các biểu tình lớn nhất từ năm 2010 đến nay do phe đối lập phát động, việc tất cả 153 nghị sĩ đảng Dân chủ tuyên bố từ nhiệm đã trở thành "giọt nước tràn ly" buộc Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra phải giải tán Quốc hội, chuẩn bị tổng tuyển cử.

Có lẽ chưa bao giờ thủ đô Bangkok phải trải qua một ngày hỗn loạn đến thế khi khoảng 100.000 người đã tham gia vào "cuộc đọ sức cuối cùng" do phe đối lập phát động ngày 9/12. Các ngả đường dẫn tới khu vực tập trung những cơ quan công quyền bị phong tỏa trong khi hàng ngàn người lao vào chiếm đóng tòa nhà Chính phủ. Trong tuyên bố được truyền hình trực tiếp hôm 9/12, Thủ tướng Yingluck cho biết, "tình huống có vẻ sẽ leo thang bạo lực nên Chính phủ quyết định trao trả quyền lực cho nhân dân và để họ quyết định qua bầu cử". Chính phủ Thái Lan đã quyết định sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 2/2/2014. Quyết định này cũng đã được Vua Bhumibol Adulyadej phê chuẩn trong ngày 9/12.

 
Thủ tướng Yingluck tuyên bố giải tán Quốc hội trên truyền hình ngày 9/12. Ảnh: AFP
Thủ tướng Yingluck tuyên bố giải tán Quốc hội trên truyền hình ngày 9/12. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, việc bà Yingluck khẳng định vẫn nắm giữ cương vị Thủ tướng cho đến khi bầu được Nội các mới khiến phe đối lập không hài lòng và cho rằng động thái này của liên minh cầm quyền chỉ là để xoa dịu tình hình. Ông Suthep, lãnh đạo phe đối lập cho biết, giải tán Quốc hội hay Thủ tướng từ chức cũng không đủ để chấm dứt biểu tình. Vì vậy, người biểu tình sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi Thủ tướng và các Bộ trưởng từ chức nhường quyền điều hành đất nước cho "Hội đồng nhân dân" quản lý quá trình trung gian đến bầu cử. 

Lo lắng trên của phe đối lập không phải là không có cơ sở khi vài giờ sau tuyên bố giải tán Quốc hội của Thủ tướng, Đảng Puea Thai cho biết bà Yingluck sẽ tiếp tục tham gia tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Thủ lĩnh Đảng Puea Thai, ông Jarupong Ruangsuwan nhấn mạnh, sự tự tin của đảng cầm quyền khi quyết định giải tán Quốc hội và kêu gọi đảng Dân chủ "ngừng ngay các chiêu trò trên đường phố". Theo các nhà quan sát, động thái trên của Thủ tướng Yingluck là một quyết định khôn ngoan, không những xoa dịu được tình hình mà còn làm hài lòng tất cả các bên. Hiện chưa rõ biện pháp "nhu" của bà Yingluck có thắng được hành động "cương" của phe đối lập hay không nhưng nhiều nhà bình luận cho rằng, ngay cả khi cuộc bầu cử được tiến hành trong tháng này hay hai tháng nữa, bà Yingluck sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ hơn. Hiện, đại bộ phận dân chúng và các doanh nghiệp Thái Lan đang chán ngán với các cuộc biểu tình gây bất ổn chính trị, suy giảm triển vọng về kinh tế nên canh bạc trên chính trường Thái Lan gần như đã được định đoạt với việc quyền lực vẫn thuộc về gia đình Shinawatra.