Mở rộng vùng lưu thông
Lâu nay, để giảm tải cho đường Nguyễn Hữu Thọ, Sở đã tổ chức lại giao thông chung cho cả 2 tuyến. Cụ thể, cấm một chiều từ Giải Phóng vào Nguyễn Hữu Thọ, và từ Đại Từ ra Giải Phóng vào giờ cao điểm sáng - chiều. Nhưng hiện nay, biện pháp này chưa phát huy tác dụng đáng kể. “Do đường phố Đại Từ quá nhỏ, là con đường làng cũ, không đáp ứng nổi giao thông lưu lượng lớn, hơn nữa một đầu lại cụt giữa làng Đại Từ nên chiều vào, cuối cùng vẫn phải thông ra đường Nguyễn Hữu Thọ” - vị này nói. Điều đó cho thấy, ngay từ đầu, những người làm quy hoạch khu vực quanh bán đảo đã không tính đến việc mở rộng vùng lưu thông đủ đáp ứng nhu cầu cả nội tại lẫn vãng lai. Bằng chứng là có 4 đường từ khu vực bán đảo ra cửa ngõ phía Nam thì 2 lối: Linh Đường, Hoàng Liệt gần như bị vô hiệu hóa; đường Đại Từ không đủ năng lực đáp ứng; chỉ còn đường Nguyễn Hữu Thọ “đơn độc” gánh chịu gần như toàn bộ áp lực giao thông.
Các chuyên gia cho rằng, nếu ngay từ đầu, khi xây dựng các khu đô thị tập trung đông đúc dân cư tại bán đảo Linh Đàm và phụ cận, các nhà đầu tư chịu tính toán đến phương án mở rộng vùng lưu thông sẽ không có hệ quả như ngày hôm nay. Bên cạnh đó, việc chỉ chú trọng hoàn thành các hạng mục nhà ở, chung cư cao tầng mà bỏ dở công trình giao thông cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Đơn cử như đường Nguyễn Hữu Thọ, cả khu đô thị Bắc Linh Đàm đã gần như xong, nhà đã bán gần hết, người dân dọn về ở kín nhưng 200m đường thì dang dở đến gấn 20 năm. Hay đoạn tuyến Vành đai 3 dưới thấp, đi bằng cầu qua hồ, dù có trong dự án nhưng đến nay vẫn chưa thể từ bản vẽ thiết kế bước ra thực tế. Mạng lưới giao thông của cả một khu vực Tây - Nam Hà Nội rộng lớn bao gồm địa bàn các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai đang bị dồn ứ tại bán đảo Linh Đàm, bắt nguồn từ việc chạy theo xu hướng nén đô thị, nhồi dân cư vào những khu đất “vàng” mà “bỏ quên” hạ tầng giao thông.
Trách nhiệm ở đâu?
Ông Vương Toàn, một cư dân tại bán đảo Linh Đàm nói: “Khu đô thị Linh Đàm từng được tán tụng là khu đô thị kiểu mẫu. Kiểu mẫu gì mà có con đường Nguyễn Hữu Thọ 20 năm vẫn chưa làm xong, để khổ cho dân”. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án khu vực 2, HUD, Nguyễn Đức Trung cho biết: “Tất cả là do vướng mắc GPMB. Mà khâu này lại do chính quyền địa phương thực hiện, chúng tôi chỉ phối hợp chi trả”. Đương nhiên, đó là cách nói mà mọi chủ đầu tư các khu đô thị đếu chọn khi trả lời về những vấn đề tồn đọng. Ông Toàn cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của cả chủ đầu tư lẫn chính quyền địa phương. Mà không chỉ xem xét riêng trong công trình đường Nguyễn Hữu Thọ mà phải nhìn chung tổng thể cả khu vực. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở. Bán đảo Linh Đàm và phụ cận đã trở thành một vùng dân cư cực kỳ đông đúc, những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát nhau trong khi bên dưới, hạ tầng giao thông lại “còi cọc, teo tóp”. Sự bế tắc này có trách nhiệm của cả những người làm quy hoạch, chủ đầu tư lẫn chính quyền địa phương.
Còn về đoạn tuyến Vành đai 3 dưới thấp và đường kết nối với trên cao của cầu cạn, Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư, Sở GTVT Hà Nội Vương Minh Hoan cho biết, Sở đã báo cáo UBND TP, đề xuất Bộ GTVT chuyển vốn dư từ dự án Vành đai 3 sang thực hiện các hạng mục này. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT Phạm Thanh Bình thì thông tin, hiện vẫn chưa có kế hoạch thực hiện. Việc để dang dở những công trình quan yếu, dẫn đến đứt gãy mạng lưới, tác động tiêu cực đến giao thông của cả khu vực chưa biết sẽ phải quy trách nhiệm về ai? Nhưng chắc chắc, điều mong mỏi nhất của cư dân bán đảo Linh Đàm cũng như vùng phụ cận thời điểm này là giải được bài toán giao thông để mau chóng thoát khỏi vấn nạn tắc đường đeo đẳng họ lâu nay.
(còn nữa)