Nhức nhối nạn sản xuất phân bón giả

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) qua kiểm tra xử phạt sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng phát hiện gần 4.000 vụ vi phạm/năm.

Tại Hội thảo về “Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam” ngày 26/9, ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, qua con số điều tra chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Giật mình với vi phạm
Sản phẩm phân bón giả, phân bón kém chất lượng của 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh trên tiêu thụ chủ yếu tại 48 tỉnh, thành. Điển hình, Công ty TNHH Việt Thái đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì NPK hàm lượng dinh dưỡng 53% nhưng kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 7,2%. Trong khi đó lực lượng chức năng sau nhiều lần đấu tranh mới tiến hành kiểm tra được Công ty CP Quốc tế Đông Trung. Mặc dù đăng ký hàm lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì NPK 53%, nhưng khi kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng chỉ có gần 3%.
 Toàn cảnh buổi họp báo
Đặc biệt, Công ty Tân Trường Sinh (Hải Dương) mặc dù bị lực lượng công an bắt quả tang sản xuất phân bón giả, quyết định khởi tố, Viện Kiểm sát Nhân dân lập chuyên án hình sự để điều tra, chuyển về công an tỉnh Hải Dương nhưng vụ án lại có dấu hiệu chìm xuống, đến nay vẫn chưa được xử lý…
Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng công bố báo cáo kết luận số 235 kiểm tra 11 trung tâm khảo nghiệm, kiểm định. 100% đơn vị đều vi phạm các nghị định, thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón. Theo đó, 11 trung tâm này đã cấp khống, cấp sai hàng chục ngàn mẫu phân bón cho hàng trăm doanh nghiệp, Bộ Công an đã khởi tố một số vụ và Bộ NN&PTNT đã kỷ luật một số vụ.
Chế tài xử lý nhẹ
Chia sẻ về những bất cập trước tình trạng phân bón giả đang hoành hành hiện nay, ông Phạm Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả cho hay, các nước trên thế giới chỉ có khoảng 300 sản phẩm phân bón, trong khi đó ở Việt Nam con số này lên tới 7.000 sản phẩm. Tuy nhiên, trong vấn đề quản lý cũng phân công chưa rõ, hiện Bộ NN&PTNT quản lý phân vô cơ, Bộ Công thương quản lý phân hữu cơ. Do đó, khi xảy ra vụ việc, phát hiện một công ty sản xuất cả hai loại phân bón giả thì không biết trách nhiệm thuộc về ai. Ông Hùng cho biết thêm, buôn bán phân bón giả ở Việt Nam thường bị xử phạt hành chính là chính, rất ít vụ việc bị xử phạt hình sự. Do đó, các DN sản xuất buôn bán phân bón giả, phân bón kém chất lượng sẵn sàng chịu phạt để thu lại khoản lợi nhuận lên đến hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. “DN chấp nhận nộp phạt bởi tiền xử phạt quá ít. Nộp phạt xong họ lại tiếp tục làm” - ông Hùng nói.
 Các đại biểu tham gia trả lời trong buổi họp báo

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp nhiệt đới, thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã bàn bạc rất nhiều để đưa ra những phương án nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Song, ông Nghĩa thẳng thắn chỉ ra rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị chỉ mang tính chất hình thức, đại biểu cứ đến vỗ tay, thậm chí, trong những hội thảo đó có cả thứ trưởng, cục trưởng đến dự nhưng 9 giờ sáng đã về rồi thì rất khó xử lý dứt điểm vấn đề được. “Phân bón giả, kém chất lượng ngày càng lộng hành nên người nông dân gánh chịu. Họ phải mua phân bón giả, kém chất lượng với giá cao, đem về bón lúa đến lúc lúa thu hoạch chỉ có rơm không” - ông Nghĩa bức xúc.
Giải pháp nào để hạn chế?
Trong khi tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoành hành thì việc nhập khẩu phân bón đã khiến cho không ít DN sản xuất trong nước điêu đứng và người nông dân cũng không tiếp cận được sản phẩm chất lượng. Các đại biểu đưa ra dẫn chứng, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam có tổng sản lượng phân bón Ure, DAP, NPK, lân super, lân nung chảy, phân bón khác… chiếm gần 70% trên tổng sản lượng sản xuất cả nước. Trong đó, 7 tháng đầu năm 2016, lượng Ure nhập khẩu tăng gần 500.000 tấn, tăng hơn 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2015, khiến nhiều nhà máy giảm công suất như Đạm Ninh Bình, Đình Vũ, Lào Cai, tiêu thụ giảm tại Công ty Lâm Thao… gây thiệt hại nặng nề. Nếu tình trạng này cứ để kéo dài các công ty nhà máy trên dễ có nguy cơ đóng cửa.
Do đó, đa số các đại biểu kiến nghị cần sửa đổi bổ sung Nghị định 202, Thông tư 41, 29 về quản lý sản xuất kinh doanh phân bón, trong đó cần bổ sung các nội dung: “UBND tỉnh thành, huyện, phường, xã… phải có trách nhiệm quản lý lãnh thổ, nếu để tình trạng các tổ chức, cá nhân làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước cấp trên. Tổ chức quản lý phân bón cấp nhà nước chỉ cần thống nhất một bộ quản lý. Đồng thời, kiện toàn và tổ chức lại hệ thống trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định của hai bộ về vô cơ, hữu cơ có chất lượng, trang bị kỹ thuật các bộ và chuyên môn cao và phân vùng địa bàn hợp lý.
Bên cạnh đó, tăng mức chế tài xử phạt đối với cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón, các cá nhân tổ chức, các trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định phân bón; Các cá nhân, tổ chức công án, quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp khi tác nghiệp tham gia lợi ích nhóm, bao che, bảo kê, đồng loã gian thương vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, cần tổ chức đợt tổng kiểm tra hệ thống sản xuất kinh doanh phân bón toàn quốc, trong đó làm điểm một số địa bàn như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, cương quyết xoá sổ những đơn vị không đủ điều kiện để có cơ sở hơn góp phần lập lại thị trường phân bón. Thứ ba, đề nghị sửa đổi Luật 71/2014/QH13 cho phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời bù đắp sự thiệt thòi của nông dân và giảm thiểu thiệt hại cho DN sản xuất phân bón. Đồng thời là yếu tố quan trọng khuyến khích DN sản xuất phân bón trong nước đầu tư công nghệ mới, sản xuất phân bón chất lượng. Thứ tư, đề nghị Chính phủ cho áp dụng pháp lệnh số 2042 về chính sách tự vệ trong nhập khẩu phân bón và hàng hoá ngoài vào Việt Nam đối với DN bị thiệt hại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần