Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhức nhối nội dung số vi phạm chủ quyền biên giới

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tục các game, ứng dụng di động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam bị phát hiện không chỉ khiến người dùng bức xúc mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề an ninh quốc gia. Vấn đề bức thiết cần đặt ra lúc này là làm thế nào để rà soát, loại bỏ những nội dung số như vậy?

Tràn lan game, ứng dụng vi phạm
Thời gian qua, dư luận trong nước đã vô cùng bức xúc trước thông tin ứng dụng game di động dành cho trẻ em với tên gọi “Chuyến du lịch vòng quanh thế giới của bé gấu trúc” xuất hiện hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp.

Trò chơi này có nguồn gốc từ Công ty Zhi Yong (Trung Quốc), vốn không được cấp phép và được cung cấp trên các nền tảng xuyên biên giới, thông qua các kho ứng dụng của Google và Apple vào Việt Nam.

Sự việc trên đã vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, ảnh hưởng đến việc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Không chỉ vậy, với việc tựa game này hướng tới đối tượng người chơi là trẻ em, hành động cài cắm “đường lưỡi bò” rất dễ tạo ra những lệch lạc về nhận thức đối với các em nhỏ trong vấn đề chủ quyền đất nước.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Phát thanh, Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã nhanh chóng vào cuộc và yêu cầu Google, Apple phải gỡ bỏ tựa game “Chuyến du lịch vòng quanh thế giới của bé gấu trúc”. Tuy nhiên, trước khi bị xóa, game này đã đạt một triệu lượt tải. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đang có không ít điện thoại thông minh của người dùng Việt đã tải hoặc đang sử dụng tựa game “bẩn” nói trên.
 Thời gian qua, nhiều trò chơi có yếu tố vi phạm chủ quyền quốc gia đã gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: Chiến Công
Trên thực tế, việc những nội dung vi phạm chủ quyền biên giới của Việt Nam được cài cắm vào các nền tảng công nghệ đã nhiều lần xuất hiện trước đây. Tiêu biểu là trường hợp vào trung tuần tháng 4/2020, người dùng Facebook trong nước đã phát hiện hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa bị xóa khỏi bản đồ Việt Nam và đưa vào bản đồ Trung Quốc.

Cụ thể, bản đồ trong phần tạo quảng cáo, nếu xác định khu vực là Việt Nam sẽ không có hai quần đảo này trên bản đồ. Nhưng khi xác định khu vực là Trung Quốc, hai quần đảo lại xuất hiện.

Tuy nhiên, cũng như nhiều lần các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam được đăng tải trên Facebook, mạng xã hội này đã rất thụ động khi đưa ra biện pháp ngăn chặn. Phải đến khi Cục Phát thanh, Truyền hình & Thông tin điện tử yêu cầu quyết liệt, hai quần đảo mới hiện trở lại lên bản đồ của Việt Nam và bị xóa bỏ trên bản đồ của Trung Quốc.

Cũng chỉ một thời gian ngắn sau, thông qua phản ánh của người dùng, Sở TT&TT Phú Yên đã kiểm tra, xác minh vị trí ven biển phường Phú Đông, TP Tuy Hòa đã bị Google Maps ghi là "bãi biển Phú Lâm Golden, sandy South China Sea beach". Và cũng chỉ đến khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý của Việt Nam, thông tin sai lệch trên mới được sửa chữa.

Không chỉ thông qua game và các ứng dụng dành cho điện thoại thông minh, thông tin vi phạm chủ quyền biên giới Việt Nam còn xuất hiện ở nhiều thiết bị công nghệ khác. Điển hình, vào tháng 10/2019, tại Triển lãm ô tô Việt Nam đã xuất hiện mẫu xe Volkswagen Touareg CR745J xuất xứ từ Trung Quốc, được cài đặt phần mềm dẫn đường có “đường lưỡi bò”.

Chiếc xe sau đó đã bị Tổng cục Hải quan tịch thu, đồng thời cơ quan này cũng đã có văn bản khẩn chỉ đạo các cơ quan hải quan địa phương lập tức kiểm tra thiết bị định vị vệ tinh có cài đặt phần mềm dẫn đường đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ở một biến thể khác, hình ảnh vi phạm chủ quyền biên giới Việt Nam còn xuất hiện trên ứng dụng điều khiển máy bay điều khiển từ xe của DJI (Công ty công nghệ Trung Quốc có trụ sở tại Thâm Quyến, Quảng Đông) với tính năng bản đồ hiển thị “đường lưỡi bò”. Đáng lưu ý, các sản phẩm của DJI đang được bày bán công khai trên thị trường và ứng dụng để điều khiển có thể dễ dàng tải được từ các kho ứng dụng Apple và Google.

Ngoài ra, hình ảnh “đường lưỡi bò” còn len lỏi vào Việt Nam thông qua các nền tảng chiếu phim trực tuyến được đông đảo người dùng trong nước sử dụng. Điển hình là trường hợp bộ phim “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta” của Trung Quốc trình chiếu trên Netflix đã xuất hiện nội dung vi phạm chủ quyền như vậy. Sau khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng, Netflix đã cắt hình ảnh trên khỏi bộ phim.

Sử dụng AI để loại bỏ nội dung vi phạm chủ quyền

Đánh giá về việc xuất hiện nhiều ứng dụng công nghệ vi phạm chủ quyền biên giới, ông Lê Đình Nhân - giảng viên trường Đại học FPT Arena, cho biết việc xuất hiện “đường lưỡi bò” có thể xuất phát từ nhà sáng tạo game vô ý hoặc cố ý cập nhật sai bản đồ, vi phạm chủ quyền biên giới.

Có một thực tế là nhà sáng tạo nội dung có thể tung ứng dụng chứa nội dung vi phạm chủ quyền một quốc gia lên Google Store hay App Store mà không thông qua sự kiểm duyệt pháp lý của quốc gia bị phương hại. Sự việc chỉ được phát hiện khi người dùng của quốc gia đó lên tiếng phản hồi, đánh giá.

Theo ông Nhân, nhà sáng lập nội dung số cần cập nhật thông tin chính xác về bản đồ, địa lý, biên giới quốc gia bằng cách sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo). Với thuật toán quét hình ảnh, AI có thể nhận diện hình ảnh đúng và sai, từ đó AI có cơ sở dữ liệu đối chiếu, đánh giá và loại bỏ hình ảnh có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ.

Giảng viên trường Đại học FPT Arena này cũng cho biết, khi thấy được thông tin vi phạm chủ quyền biên giới, người dùng cần lên tiếng và phản ánh đến cơ quan chức năng, từ đó có cơ sở phản hồi đến nhà cung cấp dịch vụ quốc tế để họ có động thái tôn trọng chủ quyền biên giới, biển đảo; đồng thời loại bỏ những ứng dụng gây phương hại đến quốc gia, đi ngược với lợi ích, an ninh, an toàn về chủ quyền đất nước.

“Thiết nghĩ, Việt Nam thành lập một cơ quan chuyên trách, có kinh nghiệm, học hỏi từ các quốc gia khác để có cơ sở phân loại, đánh giá, loại bỏ những ứng dụng xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia” - ông Lê Đình Nhân đề xuất.

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình& Thông tin điện tử, nguy cơ vi phạm chủ quyền biên giới có thể xảy ra, đặc biệt đối với các sản phẩm văn hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Mới đây, cục đã gửi công văn tới các doanh nghiệp đang hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, G2, G3, G4 trên cả nước cảnh báo về tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng đưa bản đồ phi pháp vào các sản phẩm văn hóa, trong đó có các trò chơi, ứng dụng trên mạng.

Công văn yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường rà soát các hình ảnh, sơ đồ, bản đồ trong game để đảm bảo không vi phạm chủ quyền biên giới, vi phạm pháp luật Việt Nam.

Đồng thời, công văn yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam chủ động rà soát, kiểm tra nội dung kịch bản, game đã được cấp phép và đang phát hành trên thị trường, nhất là game có nguồn gốc nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, dừng hợp tác đối với những doanh nghiệp nước ngoài đã có hành vi vi phạm về các nội dung liên quan đến bản đồ, lịch sử trong game.
Với lý do các ứng dụng đã "tham gia vào các hoạt động gây hại đến chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh và trật tự công cộng của Ấn Độ", tính từ 6/2020, quốc gia này đã chặn gần 300 ứng dụng dành cho smartphone có xuất xứ đến từ Trung Quốc. Trong số này không thiếu những ứng dụng nổi tiếng như  AliExpress, Taobao Live, Chinese Social, Date in Asia, WeDate... Bên cạnh đó, hàng loạt ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc cũng bị hạn chế ở mức độ cao như TikTok, PUBG Mobile hay Wechat.