KTĐT - Tình hình năm qua đã có nhiều biến động khác thường, đặc biệt từ những cường quốc có ảnh hưởng rất mạnh với thế giới. Năm nay, xu thế này chắc chắn tiếp tục xảy ra. Sau đây là những biến động mà thế giới đang phỏng đoán và “hồi hộp” chờ đợi.
Một nước Mỹ bề bộn: Năm 2010 là một năm đầy khó khăn không chỉ đối với Tổng thống Barack Obama, mà còn đối với nước Mỹ. Bế tắc chính trị làm giảm khả năng đối phó với những vấn đề chủ chốt của Washington. Một Quốc hội Mỹ chia rẽ không thể nhất trí với những quyết định chủ chốt về nhiều vấn đề như cải cách thị trường nhà đất hay công ty Fannie &Freddie. Nợ liên bang của Mỹ hiện ở mức cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng. Theo dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, để ổn định mức nợ, chính quyền Mỹ phải tăng ngay lập tức và vĩnh viễn 23% tổng thu thuế liên bang, hoặc phải cắt giảm chi tiêu của chính phủ ở mức tương tự. Điều rõ ràng là để tránh một cuộc khủng hoảng tiềm tàng, chính phủ liên bang phải củng cố ngân sách.
Năm đầy thách thức với Trung Quốc: Mặc dù nền kinh tế năm 2011 có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 9%, nhưng sự phát triển đó cũng kéo theo lạm phát ngày càng tăng. Lạm phát giá tiêu dùng, cách đây một năm ở mức -1%, sẽ vượt qua ngưỡng này trong những tháng tới. Nhiều khả năng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ tăng lãi suất trong năm 2011, nhưng e rằng hành động đó sẽ sớm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế trước khi có sự thay đổi ban lãnh đạo Đảng vào năm 2012. Trong khi đó, kế hoạch 5 năm lần thứ 12 sẽ được Quốc hội thông qua vào mùa Xuân tới, trong đó chú trọng đến tái cân bằng kinh tế, tăng lương, tăng thu nhập ở các vùng nông thôn và tăng 1,5 nghìn tỷ USD đầu tư vào các ngành sản xuất công nghiệp, các ngành chiến lược, các ngành công nghệ ít cácbon và năng lượng thay thế. Đây là một chương trình biến đổi kinh tế đầy tham vọng.
Năm 2011 cũng sẽ là năm đánh dấu sự bắt đầu chuyển đổi lớn về nhân khẩu học của Trung Quốc. Vào năm 2050, dân số Trung Quốc sẽ già hơn dân số Mỹ và số người dưới 25 tuổi sẽ giảm khoảng 140 triệu người, trong khi số người trên 65 tuổi sẽ tăng khoảng 220 triệu người. Tuy nhiên, sự thay đổi này cần được nhận thức và ngăn chặn sớm nếu không sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như tăng trưởng kinh tế thấp, chi phí lao động cao hơn...
Bán đảo Triều Tiên vẫn ẩn chứa những nhân tố bất ổn: Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ đều đã dịu giọng sau loạt bất đồng cuối năm trước, nhưng tiến trình hoà bình chưa xuất hiện đột phá nào. Không loại trừ xảy ra khả năng Trung Quốc và Mỹ không thể giao tiếp với nhau. Triều Tiên tiếp tục phải xử lý sự thay đổi quyền lực ở trong nước, cùng với một Hàn Quốc ngày càng tỏ thái độ cứng rắn, sẽ khiến bán đảo này trở nên nguy hiểm. Khi mối quan hệ Trung-Mỹ đổ vỡ, bán đảo Triều Tiên sẽ trở nên càng nguy hiểm hơn vì Bắc Kinh và Washington sẽ không hợp tác với nhau để tìm ra các giải pháp.
Cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc: Các cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đang chạy đua mạnh mẽ phát triển các tên lửa chống hạm mà có thể tạo ra cuộc cách mạng với chiến tranh hải quân và thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu: tên lửa BrahMos được phát triển chung bởi Ấn Độ và Nga dùng một động cơ phản lực bay với tốc độ 3.400 km/giờ trên hành trình 290 km (nhanh hơn 2,8 lần tốc độ âm thanh và hơn 4 lần loại tên lửa Tomahawk của Mỹ); Ấn Độ và Nga đang bắt tay vào chế tạo tên lửa BrahMos thế hệ 2, dự kiến có thể đạt tốc độ tới 7.300 km/h; Trung Quốc cũng đang phát triển tên lửa chống hạm siêu âm như vậy của riêng họ, gọi là Đông Phong 21D (DF-21D) - không phải là một tên lửa tầm thấp mà thuộc dạng tên lửa đạn đạo, được phóng lên không trung rồi rơi xuống với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh cùng tầm bắn dự kiến tới 1.500 km. Bản thân Mỹ cũng đang đẩy mạnh phát triển tên lửa siêu vận tốc của mình mang tên X-51A WaveRider, được thiết kế với công nghệ phản lực tĩnh siêu âm. Cuộc đua này có thể sẽ định hình lại viễn cảnh chiến tranh hải quân cũng như xác định ai sẽ thống trị những đại dương.
Kinh tế với 2 mảng màu tối: Châu Á sẽ khó tránh khỏi tình trạng tăng trưởng kinh tế bong bóng và tỷ lệ lạm phát tăng cao. Khi các nước phát triển đang phải vật lộn với bóng ma của tình trạng giảm phát, các nước mới nổi lại đối mặt với nguy cơ tăng trưởng quá nóng. Tốc độ tăng trưởng từ 8%-10% ở châu Á có nguy cơ tạo ra các bong bóng, giống như vấn đề thị trường bất động sản ở Trung Quốc. Trong khi đó, khu vực đồng euro tiếp tục gồng mình trả nợ. Cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro lan rộng, bao trùm cả Tây Ban Nha, Italia và gây nguy hiểm cho cả khu vực. Khu vực đồng euro sẽ tiếp tục lâm vào khủng hoảng trong năm 2011, vì hầu hết các nước hùng mạnh nhất (như Đức, Pháp...) không muốn tìm ra những giải pháp lâu dài cho những khó khăn của khu vực.
Đồng USD và nhu cầu dầu khí toàn cầu năm 2011: Bất chấp những nỗ lực làm suy yếu vị trí của đồng USD trong thị trường dầu lửa thế giới, đồng tiền này sẽ vẫn đóng vai trò chủ lực, được sử dụng trong các giao dịch dầu khí quốc tế năm 2011 và chưa xuất hiện đồng tiền nào có thể thay thế vị trí của đồng USD do có quá nhiều tài sản trên thế giới được định lượng bằng đồng USD. Nhưng với giá dầu: ngày 3/1, giá dầu thế giới đã bất ngờ tăng lên trên mức 70-80 USD/thùng và Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dường như không thể chặn đà tăng giá này, giúp mở đường cho giá dầu tăng lên mức trên 100 USD/thùng.