70 năm giải phóng Thủ đô

Những cách làm hay được nhân rộng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những người làm công tác cải cách hành chính (CCHC) của Thủ đô, năm 2015 thực sự bộn bề công việc, nhưng cũng để lại nhiều dấu ấn với một lượng lớn thủ tục hành chính (TTHC) được rút gọn, nhiều cách làm hay trong cung cấp dịch vụ công (DVC) được nhân rộng...

Đơn giản tối đa thủ tục

Kết quả nổi bật nhất trong công tác CCHC năm 2015 của Hà Nội chính là cải cách TTHC và thực hiện một cửa, một cửa liên thông. Trong đó, “thực hiện quy định mới tại Luật Đầu tư công, Luật DN..., từ 1/1/2015, Hà Nội chính thức giảm thời gian giải quyết thủ tục thành lập mới cho mọi DN từ 5 ngày còn 3 ngày (trước 6 tháng so với Luật DN năm 2014). Đặc biệt trong năm, TP triển khai “Đề án thực hiện liên thông TTHC đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và ban hành quy chế thực hiện. Các quận, huyện, thị xã đồng loạt vào cuộc, trong đó Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết: Quận đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp thực hiện liên thông “3 trong 1” này, giúp người dân từ 6 lần chỉ còn 2 lần đi lại, giải quyết từ 27 ngày còn 5 - 7 ngày. Quận cũng mạnh dạn liên thông xóa đăng ký thường trú cho người đã mất, đang được Sở Nội vụ nhân rộng.
Giao dịch tại bộ phận một cửa phường Đồng Tâm.
Giao dịch tại bộ phận một cửa phường Đồng Tâm.
Đáng chú ý, qua “thí điểm thực hiện một cửa trong cung cấp DVC tại một số DNNN và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP” tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội, việc giải quyết TTHC đã thực sự "khởi sắc". Trung tâm Dịch vụ việc làm còn nhận được thư cảm ơn của khách hàng. “Điều rút ra được từ thực hiện Đề án là, để thay đổi hẳn lề lối làm việc, rất cần quyết tâm của người đứng đầu và đảm bảo “hậu cần sẵn sàng đi trước” - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Nguyễn Toàn Phong chia sẻ. Từ hiệu quả thực tế, TP đang nhân rộng mô hình này ra một số đơn vị cung cấp DVC thiết yếu khác.

Dần hiện đại hóa nền hành chính

Cùng với đơn giản tối đa TTHC, Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tăng sử dụng văn bản điện tử và cung cấp DVC trực tuyến trên cổng thông tin điện tử, góp phần nâng xếp hạng CCHC của Thủ đô lên vị trí thứ 3.

Đến thời điểm này, toàn TP có 295 TTHC được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 5 TTHC mức độ 4. Để tiến gần chính quyền điện tử, quận Long Biên đã thí điểm xây dựng mô hình bộ phận Một cửa theo hướng hiện đại, cơ quan điện tử cấp quận, cơ quan điện tử cấp phường, trường học điện tử; đồng thời nghiêm túc giảm họp theo tiêu chí chống lãng phí (tài liệu được gửi trước qua hộp thư công vụ và đăng trên cổng thông tin). Cùng với cải tạo bộ phận Một cửa cấp quận, quận Thanh Xuân vừa hoàn thành đầu tư trang thiết bị phòng Một cửa và mạng nội bộ cho cả 11 phường, có thể nói hiện đại nhất TP. “Chúng tôi đang cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 2 và 48 DVC trực tuyến mức độ 3, đạt 22% số DVC cấp quận và cao hơn tỷ lệ chung của TP. Các bàn tiếp nhận hồ sơ đều đặt máy đánh giá mức độ hài lòng của người dân" - Chánh Văn phòng UBND quận Phạm Gia Hữu cho biết.

Đúng như Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhận xét, "dù đã vươn lên nấc thang mới trong Chỉ số CCHC, Hà Nội với vị thế trái tim của cả nước chưa thể hài lòng với chính mình". Yêu cầu quan trọng nhất TP đặt ra trong năm 2016 là các cơ quan, đơn vị tự cải thiện ngay những lĩnh vực CCHC còn hạn chế. Trên tinh thần cầu thị nhất, TP sẽ khắc phục tồn tại để dần chuẩn hóa đội ngũ CB, CC, VC, trước tiên từ thái độ ứng xử trong tiếp dân, giải quyết TTHC.