Những cái “bắt tay”

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, liên tục các thương vụ bán vốn hoặc gọi vốn nước ngoài đã được các DN trong nước ký kết.

Cụ thể, mới đây, VPBank vừa ký kết thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - Nhật Bản.

Thương vụ này mang về cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1.

Còn SHB và IFC cũng vừa chốt xong Hợp đồng Tín dụng với gói vay trị giá 120 triệu USD từ nguồn vốn trực tiếp của IFC có kỳ hạn 3 năm.

Ngoài ra, IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục xúc tiến một gói vay bổ sung huy động từ các bên cho vay quốc tế cho ngân hàng này.

Khoản đầu tư từ SMBC vào VPBank hay khoản tín dụng mà IFC ký với SHB trước tiên sẽ nâng cao năng lực tài chính cho 2 ngân hàng Việt.

Tại VPBank, việc bán vốn thành công cho SMBC đưa tổng vốn chủ sở hữu từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, cuối năm 2021, Công ty tài chính tiêu dùng SMBC - công ty con của SMFG - cũng đã mua 49% cổ phần FE Credit - công ty con của VPBank. SMBC cũng giúp VPBank thu xếp nhiều khoản huy động vốn thành công từ thị trường quốc tế.

Việc nhiều tổ chức tài chính quốc tế đồng hành cùng các ngân hàng Việt thời gian qua tiếp tục khẳng định uy tín và năng lực của các DN Việt trên thị trường tài chính quốc tế; đồng thời khẳng định chiến lược đúng đắn của các ngân hàng trong việc phát triển an toàn, mạnh mẽ, xây dựng nền tảng, bộ đệm vững chắc, giúp tăng trưởng ổn định và bền vững, đáp ứng đầy đủ, toàn diện các tiêu chuẩn an toàn, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.

Nguồn vốn này cũng sẽ giúp các ngân hàng Việt tiếp tục có thêm nguồn lực để hỗ trợ các DN, đặc biệt là khối DN vừa và nhỏ.

Tất cả sự hợp tác này cho thấy, các định chế tài chính quốc tế đã có sự thấu hiểu, đồng thuận và cùng nhau đưa DN mà họ rót vốn lên một tầm cao mới, để thực hiện các tham vọng lớn trong tương lai.

Với khoản đầu tư chiến lược hoặc hỗ trợ tín dụng của các nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng Việt sẽ được tăng thêm sức mạnh tài chính để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng ở những phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân, DN vừa và nhỏ.

Với tiềm lực tài chính này, ngân hàng trong nước sẽ có thêm động lực phục vụ những khách hàng DN có quy mô rất lớn, đặc biệt là những DN FDI, các tập đoàn đa quốc gia đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.

Mặt khác, những kinh nghiệm quản trị, những bí quyết cũng sẽ được các tổ chức tài chính đưa vào vận hành để khi tham gia vào các ngân hàng Việt, mang đến những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được phát triển đáp ứng đúng nhu cầu và hành vi của khách hàng.

Hơn nữa, thỏa thuận đầu tư chiến lược này được kỳ vọng sẽ tạo ra sức hút và khuyến khích các nhà đầu tư FDI, trong danh sách hơn 200.000 khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, DN lớn trên khắp thế giới tìm hiểu và mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Những tập đoàn này, khi đầu tư vào Việt Nam, có thể sẽ trở thành khách hàng tiềm năng của DN Việt trong tương lai.

Các thương vụ này cũng cho thấy, Việt Nam là thị trường rất quan trọng trong chiến lược phát triển, quan hệ đối tác chiến lược của các định chế tài chính nước ngoài.

Mặc dù thế giới hiện nay đang có nhiều bất ổn song với nỗ lực của Chính phủ, của các cơ quan chức năng và của DN, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ngoại.