Đây là nguồn cảm hứng tạo cuộc cách mạng xanh cho ngành vận tải đường biển thế giới.
Dự án “Sea Zero”
Công ty Hurtigruten hiện có một đội gồm 8 tàu, mỗi tàu có sức chứa 500 hành khách, đi dọc theo bờ biển Na Uy từ Oslo đến Vòng Bắc Cực. Mặc dù là một công ty tương đối nhỏ, Giám đốc điều hành Hedda Felin hy vọng rằng sự đổi mới này “có thể truyền cảm hứng cho toàn bộ ngành hàng hải”.
Dự án có tên “Sea Zero” ban đầu được công bố vào tháng 3/2022 và kể từ đó, Hurtigruten Na Uy, cùng với 12 đối tác hàng hải và viện nghiên cứu SINTEF có trụ sở tại Na Uy, đã khám phá các giải pháp công nghệ có thể giúp đạt được du lịch biển không phát thải.
Thiết kế kết quả sẽ chạy chủ yếu bằng pin 60 megawatt có thể được sạc tại cảng bằng năng lượng sạch, vì năng lượng tái tạo chiếm 98% hệ thống điện của Na Uy.
Gerry Larsson-Fedde, phụ trách các hoạt động hàng hải của Hurtigruten Na Uy, người đã đưa ra ý tưởng về một con tàu không phát thải, ước tính rằng pin sẽ có phạm vi hoạt động từ 300 - 350 hải lý, nghĩa là trong một chuyến đi khứ hồi kéo dài 11 ngày sẽ phải sạc khoảng 7 - 8 lần.
Để giảm sự phụ thuộc vào pin, khi trời có gió, các cánh buồm (hai hoặc ba cánh) đang khép sẽ nhô ra khỏi boong tàu, đạt độ cao tối đa là 50m.
Larsson-Fedde giải thích: chúng có thể điều chỉnh độc lập, co lại để đi qua gầm cầu hoặc thay đổi góc của chúng để đón gió nhiều nhất. Ông nói thêm rằng các cánh buồm sẽ được bao phủ bởi tổng cộng 1.500m2 các tấm pin mặt trời sẽ tạo ra năng lượng để nạp pin khi thuyền di chuyển và mức pin sẽ được hiển thị ở bên mạn tàu.
“Ở Na Uy, mặc dù đôi khi trời có thể tối sớm vào mùa Đông, chúng tôi vẫn có mặt trời ở phía Nam. Và chúng ta có mặt trời 24 giờ một ngày vào mùa Hè. Trên hết mọi thứ khác, chúng ta sẽ được siêu năng lượng bởi mặt trời lúc nửa đêm” - Larsson-Fedde nói.
Con tàu sẽ được trang bị 270 cabin để chứa 500 khách và 99 thủy thủ đoàn, và hình dáng thuôn dài của nó sẽ tạo ra sức cản không khí ít hơn, giúp giảm hơn nữa việc sử dụng năng lượng.
Trên tàu, khách sẽ được lưu ý giảm thiểu tác động khí hậu của chính họ thông qua một ứng dụng di động tương tác theo dõi mức tiêu thụ nước và năng lượng cá nhân của họ.
Vận chuyển xanh hơn
Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), ngành vận tải biển chiếm khoảng 3% lượng khí thải nhà kính nhân tạo toàn cầu. Năm 2018, IMO đã đưa ra mục tiêu cắt giảm ít nhất một nửa lượng khí thải nhà kính của ngành vào năm 2050.
Điều này đã dẫn đến một làn sóng thiết kế mới cho những chiếc thuyền buồm thân thiện với môi trường, từ hãng vận tải xuyên Đại Tây Dương Oceanbird và các tàu chở hàng khác nhau với những cánh buồm có thể thu vào - giương ra, đến siêu du thuyền Black Pearl của Oceanco và tàu du lịch Chantiers de Atlanique với những cánh buồm gấp lại được.
Nhưng hầu hết trong số này cũng sẽ dựa vào động cơ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Larsson-Fedde lưu ý rằng mặc dù thiết kế của Hurtigruten Na Uy sẽ có một động cơ dự phòng vì lý do an toàn, nhưng nó sẽ sử dụng nhiên liệu xanh, chẳng hạn như amoniac, metanol hoặc nhiên liệu sinh học.
Hurtigruten Na Uy từ lâu đã quảng cáo vận chuyển bền vững. Vào năm 2019, nó đã ra mắt tàu du lịch hybrid đầu tiên trên thế giới và hiện đang trong quá trình chuyển đổi phần còn lại của đội tàu thám hiểm sang năng lượng pin hybrid.
Giám đốc điều hành Hedda Felin nói: “Chúng tôi phụ thuộc vào đại dương và môi trường. Đó là sản phẩm của chúng tôi: đại dương sạch, bến cảng sạch, nhà cung cấp địa phương. Chúng tôi muốn thúc đẩy và trở thành người dẫn đầu về tính bền vững, vì chúng tôi tin rằng ngành công nghiệp hàng hải còn quá chậm và chưa đủ tham vọng trong chuyển đổi công nghệ xanh”.
Trong hai năm tới, Hurtigruten Na Uy sẽ thử nghiệm các công nghệ được đề xuất trước khi hoàn thiện thiết kế vào năm 2026 và đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất tại nhà máy đóng tàu vào năm 2027.
Con tàu đầu tiên sẽ vào vùng biển Na Uy vào năm 2030. Sau đó, công ty hy vọng sẽ dần chuyển đổi toàn bộ đội tàu của mình thành tàu không phát thải CO2.