Những "cánh cửa" giúp Việt Nam bước chân vào ngành công nghiệp tỷ USD - Ảnh 1

Kể từ sau đại dịch Covid-19, các chuỗi giá trị bán dẫn dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á. Không nằm ngoài cơn sóng đó, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn như hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển.
Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn đến Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor... Điều này minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Chính phủ đã đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này. Đồng thời xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ năm 2030.
Nhìn chung, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng những ưu đãi cao nhất.
Từ bối cảnh đó, có thể khẳng định sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đang mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, nhưng để thành công, Việt Nam cần chọn cách tiếp cận cụ thể và định hướng rõ.
Chùm bài viết về chủ đề này của Báo Kinh tế & Đô thị muốn đi sâu khai thác những cơ hội và thế mạnh của Việt Nam, cũng như những thách thức và từ đó định hình được những cách tiếp cận cho ngành công nghiệp còn nhiều tiềm năng này. Thông qua đánh giá, nhận định từ những chuyên gia trong và ngoài nước, từ phía các nhà ngoại giao và cả cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi hy vọng đem được đến những khía cạnh sâu sắc và đa chiều cho người đọc.

Một người dân Việt Nam sẽ cần ít nhất là 20 chiếc chip cho các thiết bị điện tử thiết thân như điện thoại, tivi, tủ lạnh… Với quy mô dân số 100 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam trở thành “mảnh đất vàng” hấp dẫn cho các nhà cung ứng chip cả trong và ngoài nước.

Những "cánh cửa" giúp Việt Nam bước chân vào ngành công nghiệp tỷ USD - Ảnh 2

Ước mở về việc làm chủ công nghệ bán dẫn hay phát triển những con chip “make in Vietnam” đã đặt được những viên gạch đầu tiên khi FPT Semiconductor ngày 28/9/2022 công bố dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế, trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam cung cấp chip thương mại.

Nối tiếp đó là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng công bố nghiên cứu thành công chip 5G - một trong những công nghệ phức tạp nhất trong lĩnh vực làm chip.

Những thay đổi về địa chính trị trong năm 2023, vị trí trung tâm của Đông Nam Á và thiên hướng nghiên cứu, phát triển khoa học đã giúp ngành chip Việt Nam bước vào vị thế “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Mặc dù chip Việt có không ít ưu điểm vượt trội, tới thời điểm hiện tại, 100% thiết bị điện tử tại Việt Nam đều đang dùng chip nước ngoài. Điều này cho thấy con đường phía trước của ngành chip Việt Nam cũng như vai trò trong chuỗi cung ứng bán dẫn còn nhiều dư địa phát triển.

Những "cánh cửa" giúp Việt Nam bước chân vào ngành công nghiệp tỷ USD - Ảnh 3

Mặt khác, ngành công nghiệp bán dẫn cũng đang được Chính phủ hết sức quan tâm. Trong cuộc tiếp và làm việc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhất trí với đề nghị của phía Mỹ và cho biết, mở rộng chuỗi cung ứng và sản xuất chíp, chất bán dẫn là ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đang thúc đẩy thể chế, chính sách ưu đãi, hạ tầng kỹ thuật, quản trị hiện đại và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này.

Những "cánh cửa" giúp Việt Nam bước chân vào ngành công nghiệp tỷ USD - Ảnh 4

Là "huyết mạch" của nền kinh tế số, ngành bán dẫn được dự báo có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỷ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030, theo Gartner - công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ hàng đầu thế giới. Ngành này cũng được xem là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.

Hiện nay trên toàn thế giới đang diễn ra cuộc đua thu nhỏ kích thước của chip bán dẫn. Chip có kích thước càng nhỏ thì sẽ càng tiết kiệm năng lượng. Do đó, gần đây, đã có một bước tiến công nghệ đáng kể nhờ vào việc thay đổi nguồn sáng (light source), giúp các nhà khoa học thiết kế được các con chip có kích thước rất nhỏ. Điều này đã tạo ra một sự bất ngờ lớn cho thế giới sản xuất linh kiện bán dẫn.

Những "cánh cửa" giúp Việt Nam bước chân vào ngành công nghiệp tỷ USD - Ảnh 5

Bên cạnh đó, một cuộc đua khác đang diễn ra trong ngành bán dẫn là cuộc đua tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh và sạch hơn giúp quá trình nghiên cứu sản xuất thân thiện hơn với môi trường. Vì vậy, làm cách nào để vừa tăng hiệu quả sản xuất mà vẫn đóng góp vào việc giảm lượng phát thải ròng bằng '0' thật sự rất quan trọng và không thể có một câu trả lời đơn giản cho vấn đề này.

Về các xu hướng công nghệ bán dẫn, GS. Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết, sẽ cần những thiết bị để sản xuất chip có kích thước siêu nhỏ trong tương lai. Thêm vào đó, mọi người cũng đang nghiên cứu cấu trúc mới cho chip điện toán và các con chip khác như chip AI. Có rất nhiều hướng nghiên cứu khác nhau dựa trên những mục đích khác nhau.

Theo GS. Teck-Seng Low, những thách thức hoàn toàn phụ thuộc vào mục tiêu theo đuổi. "Để phát triển ngành này, tôi nghĩ cần phải thu hút nhà đầu tư nước ngoài và phát triển công ty bán dẫn trong nước. Phải kết hợp sức mạnh nội tại và nhà đầu tư nước ngoài", GS. Teck-Seng Low nói.

Nhấn mạnh yếu tố nguồn nhân lực là quan trọng tiên quyết trong ngành này, TS. Sadasivan Shankar, chuyên gia hàng đầu về công nghệ bán dẫn tại Đại học Stanford (Mỹ) cho rằng, để thiết lập một cơ sở chế tạo bán dẫn điển hình chi phí rơi vào khoảng 10 tỷ USD. Những nhà máy này cần cập nhật công nghệ mới sau mỗi 2 năm, đòi hỏi họ phải nâng cấp trang thiết bị với cùng tần suất, thêm vào đó là số lượng lớn các nhân viên kỹ thuật lành nghề.

Những "cánh cửa" giúp Việt Nam bước chân vào ngành công nghiệp tỷ USD - Ảnh 6

Sadasivan Shankar khẳng định, Ấn Độ là một ứng viên nặng ký nhờ sở hữu một lực lượng lao động có trình độ tốt trong khi Việt Nam có những tiềm năng riêng đáng kể. Bằng chứng là một số công nghệ đóng gói chip tiên tiến của Intel đã được thực hiện tại Việt Nam trước đây.

“Quốc gia của các bạn với nguồn cung cấp năng lượng, lực lượng lao động dồi dào, trình độ cao và năng lực thu hút đầu tư mạnh mẽ, sẽ là một ứng cử viên triển vọng cho ngành công nghiệp bán dẫn", TS. Sadasivan Shankar nói.

Những "cánh cửa" giúp Việt Nam bước chân vào ngành công nghiệp tỷ USD - Ảnh 7

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE), quan trọng nhất phải tạo ra hệ sinh thái trong phát triển công nghiệp bán dẫn. Hệ sinh thái này bao gồm nguồn nhân lực chất lượng cao, các hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo, hạ tầng xã hội cho người lao động và xây dựng một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân Việt phát triển tốt để phối hợp với các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp bán dẫn. “Hiện Chính phủ đã có kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn, giao cho nhiều trường đại học đào tạo như trường FPT đào tạo 10.000 sinh viên, các trường công nghệ khác ở Hà Nội, TPHCM cũng đào tạo hàng nghìn sinh viên”, ông Toàn cho biết.

Những "cánh cửa" giúp Việt Nam bước chân vào ngành công nghiệp tỷ USD - Ảnh 8

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong chuỗi cung cứng sản xuất bán dẫn, Việt Nam hiện mới chỉ tham gia được vào ba khâu, một phần ở thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Song trong tương lai có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ nâng cấp lên, trở thành mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn đầy đủ gồm: thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, chế tạo thiết bị cùng các doanh nghiệp đa dạng nhiều thành phần, có khả năng làm chủ một số công nghệ lõi.

Về vấn đề này, TS. Sadasivan Shankar lưu ý phần đóng gói chip đang phức tạp và đây là cơ hội lớn cho Việt Nam nắm bắt. Trong khi đó, các lãnh đạo doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ chỉ ra rằng "back-end" là lĩnh vực có triển vọng tăng trưởng then chốt tại Việt Nam. "Back-end" dùng để chỉ giai đoạn sau khi các thành phần cơ bản của chip bán dẫn đã được tạo ra thông qua quy trình chế tạo mạch (front-end), ví dụ như chia wafer (tấm silicon lớn chứa nhiều chip), sản xuất thành phẩm, kiểm định, đóng gói.

Những "cánh cửa" giúp Việt Nam bước chân vào ngành công nghiệp tỷ USD - Ảnh 9

“Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao chúng ta không làm một nhà máy chip bán dẫn “Make in Vietnam”, chúng ta có thể làm được, nhưng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, từ 10 - 20 tỷ USD/một nhà máy sản xuất chip bán dẫn”, ông Nguyễn Văn Toàn nhận định. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VAFIE cũng nhấn mạnh nếu Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, bắt tay thực hiện cùng sẽ khả thi hơn. Trong tương lai, khi đủ nguồn lực, đủ công nghệ, đủ nhân công, Việt Nam hoàn toàn có thể tự chủ trong việc thiết kế, sản xuất chip bán dẫn.

Những "cánh cửa" giúp Việt Nam bước chân vào ngành công nghiệp tỷ USD - Ảnh 10
Những "cánh cửa" giúp Việt Nam bước chân vào ngành công nghiệp tỷ USD - Ảnh 11

Mới đây Chính phủ đã bàn giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc về cho UBND TP Hà Nội quản lý. Với hạ tầng đồng bộ, Khu công nghệ cao Hoà Lạc có đầy đủ điều kiện để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư muốn tìm đến một vị trí là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, và hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng.

Ông Yeh Li-Cheng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Inventec Appliances đã kể lại hành trình đi khảo sát, tìm kiểm địa điểm đầu tư của doanh nghiệp tại Việt Nam từ tháng 10/2022. Dự án sản xuất vật liệu bán dẫn của doanh nghiệp này có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 125 triệu USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý IV/2024.

Những "cánh cửa" giúp Việt Nam bước chân vào ngành công nghiệp tỷ USD - Ảnh 12

Việc lựa chọn Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hansip), theo ông Yeh, là một bài tính rất chi tiết.

“Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội nằm ở điểm cuối phía Nam của Đồng bằng sông Hồng, là đầu mối huyết mạch giao thông Bắc - Nam, xung quanh là đồng bằng rộng lớn, khí hậu dễ chịu, phong cảnh tươi đẹp. Các công trình hạ tầng, phụ trợ trong khu công nghiệp đang dần hoàn thiện và đã trở thành vùng trọng điểm phát triển chiến lược của Thủ đô...” - ông Yeh Li-Cheng lý giải.

Những chia sẻ của đại diện doanh nghiệp đến từ Đài Loan đã cho thấy phần nào sự đánh giá rất cao về lợi thế của Hà Nội trong việc thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm cả ngành công nghiệp bán dẫn. Không chỉ có Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hansip), TP hiện còn có 11 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích 2.930ha. Hiện, 14 dự án khu, cụm công nghiệp khác đang trong quá trình triển khai cũng như đưa vào quy hoạch phát triển vào giai đoạn tới.

Ông Trần Đắc Trung - Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc cho biết, hiện nay đơn vị đang tiếp tục rà soát các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất, cơ chế đầu tư và các yếu tố cần thiết khác phục vụ thu hút các dự án nghiên cứu, sản xuất chất bán dẫn.

Những "cánh cửa" giúp Việt Nam bước chân vào ngành công nghiệp tỷ USD - Ảnh 13

Một lợi thế lớn khác là chính sách thu hút đầu tư toàn diện của Hà Nội. TP sẵn sàng đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư; đảm bảo an ninh, an toàn, ổn định; đảm bảo cung ứng thiết yếu (điện, nước, logistics), đẩy mạnh phát triển hạ tầng và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

“Trong các cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư, chúng tôi nhận thấy rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn quan tâm đến việc phát triển lĩnh vực bán dẫn tại Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Đây là thời cơ lớn nhất từ trước đến nay để Việt Nam tiếp cận thị trường hàng trăm tỷ USD này….” - ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital nhận định.

Những "cánh cửa" giúp Việt Nam bước chân vào ngành công nghiệp tỷ USD - Ảnh 14

09:06 02/06/2024