Kỳ 2: Hợp tác - chìa khóa phát triển ngành bán dẫn Việt Nam
Việt Nam đã nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và hiện đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, đồng thời cũng kèm theo đó là thách thức chạy đua với thời gian để có thể phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cần đào tạo được 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, trong khi con số hiện nay mới chỉ đạt hơn 5.000 người.
Các chuyên gia trong ngành khẳng định hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo chính là chìa khoá nhằm thúc đẩy hiện thực hoá mục tiêu này và góp phần phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu đóng góp tích cực vào mục tiêu này, Đại học Bách Khoa Hà Nội phấn đấu đào tạo khoảng 6.000 nhân lực có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030, ông Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay.
Hiện nay, trường có hai chuyên ngành đào tạo trực tiếp và bảy ngành đào tạo liên quan với tổng số hơn 3.300 sinh viên. Bên cạnh đào tạo nhân lực trình độ chuyên môn sâu, trường đại học này còn có các sáng kiến nhằm tăng số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn như tổ chức các khóa học ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi kỹ sư ở một số ngành liên quan.
“Đặc biệt, trường phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức trong xây dựng chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường” - ông nhấn mạnh.
Trong đó, hoạt động cụ thể có thể kể đến là mới đây, trường Điện - Điện tử thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội đã được nhận tài trợ từ tập đoàn Siemens thông qua thoả thuận hợp tác giữa Siemens EDA và Trung tâm đổi mới sáng tạo (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, 40-50 sinh viên đang học ngành thiết kế vi mạch đầu tiên của trường sẽ được sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch bán dẫn của Siemens.
Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng trường Điện - Điện tử cho biết trường sẽ sử dụng phần mềm này trong môn thiết kế vi mạch số, kiểm chứng vi mạch, thiết kế vi mạch tương tự và hy vọng trong tương lai số lượng sinh viên sử dụng phần mềm tăng lên.
“Trường mong muốn phối hợp cùng Siemens để phát triển học liệu số và bài giảng” - ông nói thêm và nhấn mạnh rằng hợp tác giữa nhà trường và Doanh nghiệp là một trong những chiến lược quan trọng trong việc không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong công nghiệp công nghệ cao.
Nhận thức rõ về vai trò của sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo phát triển ngành bán dẫn, đầu năm 2024, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã hợp tác với Samsung Electronics đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ thạc sĩ trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch thông qua chương trình VNU-Samsung Tech Track.
Trường tin rằng hợp tác đào tạo với doanh nghiệp lớn như Samsung Electronics mang lại cơ hội và giá trị to lớn trong việc đào tạo bài bản các cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ có trình độ cao cả về lý thuyết và thực hành trong tương lai đáp ứng nhu cầu của cả nước và thế giới. Tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), mỗi năm đào tạo hơn 1.000 sinh viên ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn.
Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh rằng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này cần huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong chương trình đào tạo và thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, đồng thời hình thành các nhóm nghiên cứu quốc tế trong các lĩnh vực thiết kế vi mạch và bán dẫn ở các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.
Gia nhập đào tạo lĩnh vực này muộn, Đại học Phenikaa đã đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo đại học chính quy từ năm học 2024-2025 với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn theo chiều rộng và chiều sâu theo nhu cầu xã hội.
Bằng việc hợp tác với các đối tác chiến lược, trường sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển, thiết kế và sản xuất các dòng chip thông minh, tiên tiến, hiệu quả cao, ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Phenikaa ông Hồ Xuân Năng cho biết: “Chúng tôi nhận thức rằng, do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung, nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng, không thể đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện một cách đơn lẻ. Theo đó, việc cần thiết chính là tạo dựng mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ giữa các cơ quan nhà nước – các viện, trường đại học và các doanh nghiệp trong ngành”.
Ông khẳng định đây là nhu cầu thiết yếu để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội cả về lượng và chất.
Mối liên kết chặt chẽ này được cụ thể hoá bằng các thỏa thuận hợp tác gần đây đã được ký kết giữa Phenikaa với các trường đại học danh tiếng như Arizona State University, Chang Gung University và các công ty Synopsys, SiCADA, Công ty CP Công nghệ VMO Holding nhằm mở rộng hoạt động đào tạo cũng như chuẩn bị đầu ra cho nguồn nhân lực tại Việt Nam và các quốc gia phát triển, ông Năng chia sẻ.
Số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện nay Việt Nam có khoảng 35 cơ sở đào tạo có các chuyên ngành về đạo tạo vi mạch điện tử, bán dẫn và các ngành liên quan, 11 trường có chương trình đào tạo gần với lĩnh vực này. Sinh viên học những ngành gần có thể bổ túc, chuyển đổi để tham gia vào nguồn nhân lực đảm nhiệm công việc trong lĩnh vực bán dẫn, Bộ cho biết.
Theo các chuyên gia trong ngành mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo mới vì một số trường đại học lớn như Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội và một số khác đã và đang triển khai đào tạo nhưng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành này còn rất thấp, phần lớn do cơ hội nghề nghiệp hạn chế cũng như chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Nói sâu hơn về chương trình đào tạo nhân lực bán dẫn, ông Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng trường Điện Điện tử – ĐH Bách Khoa Hà Nội phân tích ngành vi mạch bán dẫn là một ngành khó và không dễ đối với các sinh viên theo đuổi, vì đòi hỏi thực hành nhiều các bạn sinh viên mới hiểu sâu được kiến thức. Trong khi thực tế chưa có nhiều dự án hoạt động trong lĩnh vực này để họ áp dụng.
Ông cho biết thêm để có vai trò quan trọng trong các dự án của doanh nghiệp, các sinh viên cần trải qua lộ trình 3-5 năm đào tạo, và quá trình triển khai các dự án. Đó cũng là lý do vì sao ngành vi mạch không dễ đào tạo con người, ngành vi mạch đòi hỏi người lao động đó có sẵn kiến thức nền tảng liên quan đến kỹ thuật điện tử, kỹ thuật máy tính, lập trình và kiến trúc máy tính – được đào tạo bài bản ở một số ngành mà đáp ứng ngay yêu cầu của doanh nghiệp.
Trong quá trình triển khai các chương trình đào tạo hiện nay, các trường đại học đang đối mặt với những khó khăn về nguồn lực đội ngũ giảng viên chất lượng cao, bộ học liệu bao gồm bài giảng và bài thực hành thí nghiệm, nguồn lực cơ sở vật chất như các máy móc đo kiểm vi mạch, nguồn vốn dài hạn để sản xuất thử nghiệm các chip được thiết kế trong quá trình học, ông Minh cho biết.
“Cái thiếu ở đây là công cụ thực hành để tiệm cận với trình độ ngành công nghiệp thế giới vì mức đầu tư mua các công cụ thực hành khá đắt. Chúng tôi chế tạo các bản mẫu liên quan đến vi mạch nhưng khá tốn kém để có thể làm được thành công” - ông nhấn mạnh.
Ông nói thêm, bênh cạnh đó, đội ngũ giảng viên của trường đại học đa phần được đào tạo từ nước ngoài. Nội dung chương trình khá cập nhật. Là 1 trong các cơ sở đào tạo sau đại học, Đại học Bách khoa có các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch lâu đời, các sinh viên sau khi học khoá đào tạo 3-6 tháng có thể hoà nhập với môi trường làm việc tại doanh nghiệp và tham gia vào các dự án của doanh nghiệp, ông chia sẻ.
“Nhằm tăng cường các kỹ năng thực tế với nhu cầu của doanh nghiệp, chúng tôi thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo và mở các khoá học ngắn hạn để tăng cường kỹ năng cho sinh viên” - ông nhấn mạnh.
Trường đã từng trao đổi với Amkor, và nhận thấy rằng nhân sự trong lĩnh vực này đòi hỏi nhiều loại trình độ như kỹ thuật viên để vận hành máy móc, kỹ sư thiết kế kiểm thử, kỹ sư chuyên sâu để phân tích lỗi trong công nghiệp bán dẫn, … đào tạo phụ thuộc vào nhu cầu doanh nghiệp.
“Tuy nhiên kỹ sư thiết kế cần có khoá đào tạo bài bản”- ông cho biết thêm.
Nói về nhu cầu thị trường, ông cho rằng cần mở rộng đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch trước, còn kỹ sư liên quan đến sản xuất và đóng gói thì có sẵn như liên quan đến ngành điện, tự động hoá và không cần đào tạo nhiều, chỉ được đào tạo trong vòng 6 tháng là đáp ứng được.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ mở ra các khoá học ngắn hạn, chuyên sâu nâng cao cho các kỹ sư mong muốn làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch hoặc bán dẫn” – ông Minh nói với Báo Kinh tế & Đô thị.
Ông Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương, cho rằng hiện nay, doanh nghiệp công nghệ tập trung vào công nghệ, trong khi các trường kinh tế chú trọng vào kinh doanh. “Vì thế, để cung cấp giải pháp hoàn chỉnh cho các tổ chức và doanh nghiệp, cần có sự phối hợp giữa các bên” – ông Tiến đưa ra khuyến nghị.
Sự phối hợp này được thể hiện rõ nét nhất thông qua sự hợp tác giữa một số trường đại học lớn và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cùng thực hiện khoá học nâng cao trình độ của giảng viên gọi là “train the trainers”, ông Minh từ ĐH Bách khoa dẫn chứng.
Ông cũng nêu bật việc thành lập một Liên minh các đại học đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn để chia sẻ nguồn lực về học liệu, giáo trình điện tử hoặc cùng nhau xây dựng giáo trình này. ĐH Bách khoa vừa qua đã ký hợp tác với bốn trường đại học uy tín thông qua sự hỗ trợ của Bộ Gíao dục & Đào tạo.
Ông khuyến nghị cần có một cơ quan điều phối chung để tiến hành mua sắm bộ công cụ thiết kế cho công đoạn bán dẫn và NIC đang thực hiện điều này khá tốt khi hợp tác với Tập đoàn Synopsys và Cadence cung cấp phần mềm thiết kế chip lớn nhất trên thế giới. Từ đó hỗ trợ lại cho hơn 20 trường đại học kỹ thuật tại Việt Nam với các bản quyền thiết kế. “Chúng tôi đang được hưởng lợi lớn từ điều này” - ông nói.
Ngoài ra, ông Minh cũng đề xuất cần thành lập một cơ quan điều phối MPW (multi-project waper) dịch vụ giúp các trường chế tạo thử nghiệm chip bán dẫn với giá thành rẻ hơn so với việc các trường tự làm.
Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thiết kế vi mạch, trong đó phần lớn là doanh nghiệp FDI trong ngành vi mạch bán dẫn với lực lượng lao động ước gần 5.000 kỹ sư, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong lĩnh vực đóng gói vi mạch, Intel, Amkor và Hana Micron đã xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Các doanh nghiệp quan trọng nằm trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đóng gói như Besi bắt đầu dịch chuyển vào Việt Nam. Cùng với đó, nhiều công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường như Viettel, FPT, VNChip.
Cơ hội cho Việt Nam và nghề nghiệp cho các sinh viên chuyên ngành này là tiềm năng khi nhiều tập đoàn trong và ngoài nước có kế hoạch mở rộng hoạt động trong vài năm tới.
Tập đoàn FPT đã mở Trung tâm Trao đổi sinh viên quốc tế (FPT Edu Global), Trung tâm Đào tạo và Xuất khẩu Vi mạch bán dẫn (Fsemi), hướng đến việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đà Nẵng trong nhiều lĩnh vực. Khu phức hợp FPT Complex tại Đà Nẵng hiện là trụ sở làm việc của hơn 5.000 nhân viên IT phần mềm. Tập đoàn FPT hiện đang là nhà đầu tư chiến lược tại Đà Nẵng và đang đóng vai trò dẫn dắt phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhằm đón đầu trong đào tạo, phát triển sản xuất công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Với tham vọng đạt được vị trí nhóm 20 công ty thiết kế chip hàng đầu châu Á vào năm 2035, Viettel có nhu cầu nguồn nhân lực hơn 500 kỹ sư vào năm 2030, hơn 1.000 kỹ sư vào năm 2035. Trong đó, cần hơn 20% nhân sự có trình độ từ thạc sĩ trở lên, Trưởng ban Công nghệ bán dẫn (Tập đoàn Viettel) ông Nguyễn Cương Hoàng cho biết.
Marvell, nhà thiết kế chip tỷ USD của Mỹ, có kế hoạch tăng tốc mở rộng hoạt động ở Việt Nam để sớm vào top ba trung tâm kỹ thuật lớn nhất tập đoàn. đến Việt Nam đã được 10 năm với ban đầu chỉ chục kỹ sư, công ty đạt quy mô 400 nhân sự tại Việt Nam, tăng hơn 30% chỉ sau 8 tháng, với 97% là kỹ sư. Hiện nay kỹ sư Marvell Việt Nam đang tham gia vào hầu hết công đoạn như thiết kế, kiểm tra thiết kế và giai đoạn GDSII (chuyển đổi từ định dạng thiết kế sang sản xuất).
Trong ba năm tới, công ty này kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 20% một năm về quy mô nhân sự, hướng tới cột mốc 500 kỹ sư trong tương lai không xa, ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam đã chia sẻ tại một cuộc họp tháng trong tháng 5 tại TP HCM.
Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành trung tâm quan trọng trong sản xuất bán dẫn nhờ vào các khoản đầu tư lớn từ Intel và những tập đoàn hàng đầu khác, theo TS. Majo George, Giảng viên Cấp cao ngành Quản lý Chuỗi Cung ứng và Logistics, ĐH RMIT Việt Nam.
Ông đánh giá lực lượng lao động trong ngành bán dẫn của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể về chất lượng và khả năng, nhờ vào đầu tư bền vững, quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược quốc gia tập trung. “Những nỗ lực này sẽ tiếp tục định hình vai trò của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong những năm tới” – ông tin tưởng.
Bộ Thông tin và Truyền thông dự báo năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, và đến năm 2030 ước đạt 20 - 30 tỷ USD. Trong bối cảnh thiếu hụt nhân sự bán dẫn trên thế giới, Việt Nam đào tạo được nguồn nhân lực tốt, trở thành nơi cung cấp nhân lực sẽ trở thành mỏ neo giữ các công ty nước ngoài đầu tư ở lại Việt Nam. Nguồn nhân lực càng nhiều và chất lượng thì mỏ neo càng lớn và chắc chắn để giữ dòng tiền đầu tư vào Việt Nam.
Kỳ 3: Việt Nam - mảnh đất "lành" cho ngành công nghiệp bán dẫn
09:00 04/06/2024